Hiện, trên địa bàn tỉnh có hơn 165 trang thông tin điện tử do cơ quan, tổ chức thiết lập; hơn 1.400 tên miền “.vn”; 2.100 tên miền quốc tế; hơn 50 trang mạng xã hội. Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã cấp 8 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Từ năm 2014 đến nay, đơn vị phối hợp, hỗ trợ công an giám định tư pháp đối với 23 vụ liên quan đến thông tin tuyên truyền chống phá Nhà nước trên môi trường mạng; 7 vụ thông tin sai sự thật, vu không, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội.
Đồng thời, phối hợp các ngành chức năng thuộc Bộ TT&TT xử lý kịp thời thông tin xấu, giả mạo; thông tin sai sự thật; ngăn chặn, gỡ bỏ 10 trang mạng xã hội cá nhân giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân; gỡ bỏ 9 trang thông tin giả mạo; ngăn chặn, gỡ bỏ 1 trang thông điện tử có nội dung đồi trụy, xúc phạm uy tín, danh dự cá nhân; cung cấp thông tin 20 số thuê bao di động trả trước phục vụ công tác điều tra tội phạm; tra cứu thông tin tên miền trang thông tin điện tử đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở TT&TT An Giang cùng các cơ quan chức năng địa phương phát hiện, nhắc nhở 5 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 9 trường hợp (trên 123 triệu đồng); tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại di động, nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ công trực tuyến; triển khai Đề án 06/CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh có trên 101.265 thuê bao di động được chuẩn hóa, tỷ lệ gần 82%.
Nhìn chung, công tác quản lý Nhà nước về thông tin điện tử, mạng xã hội, viễn thông được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương, góp phần đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra, các trang mạng xã hội của cơ quan thông tấn địa phương, Cổng thông tin điện tử tỉnh, địa phương thông tin kịp thời diễn biến dịch bệnh, chung tay đảm bảo ổn định dư luận xã hội.
Tuy nhiên, tình hình thông tin giả, sai sự thật,... trên mạng xã hội diễn ra phức tạp, khó quản lý, gây hoang mang trong một bộ phận Nhân dân. Các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, chống phá thành quả cách mạng, ra sức lôi kéo người dân đả kích, xuyên tạc nhằm làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước. Cơ chế phối hợp, xác định thông tin, xử lý, ngăn chặn trang xấu, độc (thường xuyên chia sẻ thông tin tiêu cực, sai lệch, thông tin một chiều, chưa được kiểm chứng...) còn chậm. Các hình thức chống phá ngày càng đa dạng, tinh vi, sử dụng hình thức truyền thông khác nhau như văn bản, hình ảnh, video clip...
Sở TT&TT An Giang cũng đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn kinh phí thường xuyên để thuê công cụ, phần mềm giám sát thông tin trên môi trường mạng. Các sở, ngành, địa phương cần có bộ phận, cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ giám sát, theo dõi, tổng hợp thông tin trên Internet, mạng xã hội, kịp thời phát hiện, tham mưu biện pháp xử lý thông tin tiêu cực, nhạy cảm làm ảnh hưởng đến địa phương. Ban Chỉ đạo 35 tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng cộng tác viên; tăng cường đăng, phát, chia sẻ thông tin chính thống, tin, bài đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội.
“Qua giám sát chuyên đề công tác quản lý Nhà nước đối với mạng xã hội, Internet, viễn thông trên địa bàn tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh kiến nghị tăng cường tuyên truyền quy định của pháp luật về mạng xã hội, Internet, viễn thông để người sử dụng hiểu và chấp hành, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật, quy tắc xã hội, xây dựng phong cách văn hóa cho các đối tượng. Đồng thời, góp phần ngăn chặn, vô hiệu hóa thông tin xấu độc, hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, nhất là âm mưu, thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, chống phá của thế lực thù địch” – Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh An Giang Lê Tuấn Khanh thông tin.
Các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp giữa các ngành có liên quan (công an, MTTQ, đoàn thể..),. phân công nhiệm vụ, trách nhiệm từng ngành, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm trường họp chia sẻ thông tin tiêu cực, sai lệch. Tiếp tục phát huy, nhân rộng hiệu quả hoạt động của mô hình Tổ giám sát và xử lý thông tin trên mạng xã hội; tăng cường thanh, kiểm tra, phát hiện kịp thời nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; xử lý nghiêm hành vi đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội.
K.N