Bên cạnh các ngày lễ lớn, Tết cổ truyền của dân tộc, An Giang có các lễ hội quy mô lớn, như: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Lễ hội đua bò Bảy Núi được đầu tư, tổ chức công phu. Lễ hội truyền thống lịch sử cách mạng có Lễ hội Đức cố quản Trần Văn Thành (Châu Phú), Lễ hội đình thần Thoại Ngọc Hầu (Thoại Sơn), Lễ giỗ cụ Đoàn Minh Huyên (Phật Thầy Tây An), Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Bàu Mướp (Tịnh Biên). Lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, tôn giáo có Tết Roya Haji, Tháng Ramadan của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Tết Sene Dolta, Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, lễ Thiên Chúa Giáng sinh của đồng bào đạo Công giáo, Đại lễ khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo... Nhìn chung, các lễ hội được quan tâm nâng chất, góp phần hình thành nếp nghĩ, nếp sống có văn hóa, vừa xây dựng tập quán mới phù hợp, vừa tưởng nhớ danh thần có công với nước; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố thiêng của “lễ” và không khí tưng bừng của phần “hội” mang đến những dấu ấn đặc biệt trong tâm trí người dân, du khách xa gần.
Nhận thức được tầm quan trọng của các lễ hội trong đời sống nhân dân, căn cứ Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 2-12-2015 về “Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh”. Sau 3 năm, chỉ thị đã được các cấp, ngành thực hiện khá nghiêm túc, đầy đủ. “Điểm nhấn rõ nét nhất là công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trong toàn tỉnh. Nhận thức về vấn đề lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân được nâng lên. Thông qua tuyên truyền giáo dục, các nghi thức cúng bái, lễ hội, đám tiệc từ gia đình đến ngoài xã hội được tổ chức đơn giản và giảm tần suất. Cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành các quy định về tham gia lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Tình trạng mất an ninh trật tự, chèo kéo khách tại các khu, điểm du lịch, tình trạng lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan từng bước được đẩy lùi. Quản lý nhà nước về lễ hội ngày một tốt hơn, công tác tổ chức lễ hội được chú trọng. Bên cạnh bảo tồn những giá trị truyền thống, nhiều lễ hội còn tiếp thu, bổ sung thêm giá trị mới, văn minh, hiện đại... Các lễ hội ngày càng có sự tham gia tích cực của nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là người dân khu vực diễn ra lễ hội. Xã hội hóa lễ hội được quan tâm đẩy mạnh, đặc biệt là các lễ hội truyền thống, dân gian” - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tân Văn Ngữ thông tin.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, công tác quản lý, tổ chức lễ hội có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Hiện tượng cờ bạc lén lút diễn ra ở một số địa điểm. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao. Ùn tắc giao thông trong dịp lễ hội đầu năm còn tiếp diễn; hạ tầng giao thông kết nối vào các khu, điểm tổ chức lễ hội chưa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, tổ chức lễ hội đôi lúc lúng túng trước nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Công tác thanh tra, kiểm tra mặc dù được tiến hành thường xuyên, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả; hình thức xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Những “bài toán khó” này cần sớm được giải, để nâng tầm chất lượng các lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần. Nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân tăng cao vào thời điểm này. Do vậy, công tác quản lý, tổ chức lễ hội càng phải được thực hiện tốt. Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung, chủ động phối hợp, chỉ đạo, giám sát việc tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa, phù hợp thuần phong mỹ tục; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp. Qua đó, phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Mặt khác, quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép, tổ chức lễ hội; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng mọi điều kiện để lễ hội diễn ra an toàn, không sai sót. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tụ điểm vui chơi, giải trí, di tích, lễ hội, tín ngưỡng để chèo kéo du khách, mua bán trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn xin, tệ nạn khác.
Về lâu dài, toàn tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động lễ hội; tuyên truyền, giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống trong lễ hội gắn với giới thiệu, quảng bá hình ảnh An Giang. Tăng cường phối hợp rà soát, quy hoạch điểm vui chơi, giải trí trong khu vực lễ hội; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và tổ chức lễ hội cho cán bộ làm công tác này, từng bước đưa hoạt động lễ hội đi vào nề nếp. Có như thế mới phục vụ tốt đời sống tinh thần, góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội, hưởng thụ văn hóa, giải trí trong nhân dân.
GIA KHÁNH