Hỗ trợ doanh nghiệp An Giang xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP
Kết nối đến thị trường tiêu thụ
Sở Công Thương phối hợp Siêu thị Co.opmart Thoại Sơn, Chợ Mới và Siêu thị Winmart đã tổ chức 31 chuyến xe hàng Việt về nông thôn; cùng UBMTTQVN tỉnh, UBND huyện Chợ Mới và Phú Tân, Siêu thị Tứ Sơn và các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn năm 2024, với chủ đề “Ngày hội hàng Việt về nông thôn - Sản phẩm OCOP tại Chợ Mới và Phú Tân”. Qua đó, góp phần mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam.
Đơn vị còn tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá hình ảnh sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh tại TP. Hà Nội và khu vực phía Bắc năm 2024; Hội chợ các tỉnh phía Nam tại TP. Phú Quốc, Kiên Giang; Hội chợ Thương mại - Triển lãm sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu và Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố; Hội chợ Công nghiệp, Thương mại vùng ĐBSCL - Tiền Giang; Hội chợ đặc sản vùng miền và sản phẩm tiêu biểu các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ - Tây Ninh.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động kết nối giao thương sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu với các tỉnh: Lâm Đồng, Quảng Nam, Kon Tum, Tuyên Quang… Đến cuối năm 2024, tổ chức 1 cuộc Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP (theo kế hoạch dự kiến tại tỉnh Cà Mau). Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh An Giang thường xuyên quảng bá và làm đầu mối thông tin đến các chủ thể OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, tham gia trưng bày giới thiệu đến các bán sản phẩm OCOP tại Hà Nội, Kiên Giang, Cần Thơ…
Phát triển thương mại điện tử
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số thì thương mại điện tử (TMĐT) trở thành thị trường tăng trưởng quan trọng, dần thay thế thương mại truyền thống, làm thay đổi về nhận thức, thay đổi về phương thức sản xuất và cách thức quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, nên việc phát triển TMĐT là nhu cấu tất yếu. Thời gian qua, ngành công thương An Giang chủ động phối hợp Viettel An Giang, VNPT An Giang, Mobifone An Giang, các ngân hàng thương mại triển khai chương trình thanh toán không dùng tiền mặt, như: Mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán di động (Viettel money, VNPT Pay, MobiFone Pay…) đến người dân, doanh nghiệp (DN) trên các phương tiện truyền thông... để kích cầu tiêu dùng.
Năm 2024 đã tổ chức 8 lớp tập huấn về nhận diện cảnh giác thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao, thanh toán không dùng tiền mặt, hợp đồng điện tử và quảng bá sản phẩm trên các sàn TMĐT và trang cá nhân. Thông tin mời các đối tượng liên quan tham dự 6 khóa đào tạo các nội dung về TMĐT theo hình thức trực tuyến, miễn phí do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số chủ trì tổ chức; kết nối sàn TMĐT An Giang vào sàn nhánh angiang.sanviet.vn. Hiện, Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam đang vận hành thử nghiệm. Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ các DN ứng dụng thương mại điện tử vào các hoạt động SXKD, quảng bá sản phẩm trên không gian mạng. Cụ thể, có 92 DN, tổ chức trên địa bàn tỉnh được Bộ Công Thương xác nhận đã thông báo đối với website TMĐT do đơn vị quản lý, khai thác.
Hỗ trợ trên 60 cơ sở/DN mở gian hàng trực tuyến trên sàn TMĐT sanphamangiang.com, với trên 1.687 sản phẩm được quảng bá, giới thiệu; 12 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn TMĐT Postmart.vn và 45 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn angiang.sanviet.vn. Hỗ trợ 10 DN, cơ sở SXKD tham gia bán hàng trên nền tảng công nghệ thực tế ảo (AR) do Bộ Công Thương chủ trì. Chuyển danh sách 20 cơ sở/DN có nhu cầu xây dựng kênh TikTok và livestream bán hàng đa nền tảng (Shopee, TikTok, Facebook…) đến Cục TMĐT và Kinh tế số của Bộ công Thương để hỗ trợ. Thường xuyên tiếp chuyển thông tin đến DN kinh doanh xuất khẩu trong tỉnh phục vụ phát triển thị trường, hỗ trợ DN xuất khẩu của tỉnh tiếp cận và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên các sàn giao dịch TMĐT ngoài nước, như: Lazada, Alibaba…
Cùng với đó, hỗ trợ DN tham gia và xây dựng website TMĐT, ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn hàng tại hệ thống hạ tầng thương mại, như: Siêu thị, chợ... từng bước tham gia TMĐT xuyên biên giới. Qua đó, hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ nông dân kết nối, mở rộng kênh tiêu thụ, giải quyết đầu ra sản phẩm nông sản tỉnh qua liên kết giao dịch, mua bán trực tuyến trên sàn TMĐT trong và ngoài nước.
NGỌC DIỆU (Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp)