Phải đối mặt nhiều thách thức, chịu tác động của đại dịch COVID-19 trong điều kiện đặc thù, nhưng bằng tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” của ngành than, các đơn vị khai thác mỏ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã nhạy bén, linh hoạt trong quản lý, điều hành sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn, khẳng định vị thế trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và duy trì tăng trưởng kinh tế cho tỉnh Quảng Ninh. Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, nhờ chủ động phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả và ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các khâu sản xuất, Tập đoàn đã bảo đảm các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh. Tính đến hết tháng 7, TKV đã sản xuất gần 23,6 triệu tấn than nguyên khai, đạt 61% kế hoạch năm, tiêu thụ hơn 26,8 triệu tấn; sản xuất alumin quy đổi 845.384 tấn, tiêu thụ 715.530 tấn; sản xuất 6,19 tỷ kW giờ điện,… Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt gần 74.500 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch năm, nộp ngân sách 9.600 tỷ đồng.
Sản xuất vải tại Công ty TNHH Dệt may Bắc Giang - Việt Nam, Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, nơi có nguồn thu, tăng trưởng từ khu vực dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng lớn (chiếm 45,9% trong cơ cấu kinh tế), dịch COVID-19 đã để lại hậu quả rất nặng nề. Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch vay vốn ngân hàng để đầu tư và tái cơ cấu kinh doanh, nhất là những doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch phải tạm dừng hoạt động dẫn đến nguy cơ không còn vốn để phục hồi sản xuất, không có khả năng trả nợ cả vốn và lãi vay. Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh chia sẻ, hai năm nay, nhiều doanh nghiệp du lịch không có doanh thu trong khi vẫn phải đóng các khoản phí thuê đất. Các đội tàu du lịch dù không có khách nhưng vẫn phải duy trì đội ngũ vận hành tàu và sửa chữa, nâng cấp tàu. Hiệp hội đề xuất tỉnh quan tâm, hỗ trợ có nguồn vốn vay để có nguồn chi trả lương cho người lao động và bảo dưỡng tàu. Đồng thời, quan tâm bổ sung thêm các đối tượng ngành du lịch được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hạ Long Nguyễn Quốc Kỳ cũng đề xuất, một số doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch không tiêu thụ sản phẩm hay không nhập được nguyên liệu, nên buộc phải tạm dừng sản xuất. Do vậy, đề nghị tỉnh xem xét cho doanh nghiệp được bổ sung thêm ngành nghề sản xuất, kinh doanh nhưng không phải điều chỉnh cục bộ về quy hoạch, cố gắng giảm thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất tốt hơn, làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội.
Đồng hành cùng với tỉnh, các doanh nghiệp, doanh nhân cũng chủ động có giải pháp vượt qua khó khăn. Nhiều sáng kiến được triển khai như áp dụng giờ làm linh hoạt, tổ chức cho cán bộ, công nhân ở lại tại nhà máy để sản xuất đáp ứng thời hạn đơn hàng, cắt giảm chi phí sản xuất,... Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã có mức tăng 34,7% so cùng kỳ, là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, bù đắp một phần sụt giảm của ngành khai khoáng, du lịch và ngành điện. Ông Jiang Zheng Tao, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty CTTV, doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Foxconn đánh giá rất cao sự hỗ trợ của tỉnh thúc đẩy phát triển sản xuất.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, Quảng Ninh kịp thời ban hành hàng loạt chính sách, đồng thời cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch; giải quyết nhanh các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, tín dụng. Các ngành, địa phương thường xuyên làm việc với doanh nghiệp trong khu công nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và triển khai các dự án đầu tư. Ngoài đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, tỉnh nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài chọn lọc, khai thông điểm nghẽn, phân bổ và sử dụng mọi nguồn lực với phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, phát huy mạnh mẽ vai trò “vốn mồi” của đầu tư công, thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và xã hội hóa, phục vụ các chiến lược và chính sách phát triển của tỉnh. Cùng với đó, chủ động tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là ngành than, công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, xây dựng. Tận dụng cơ hội để kiểm soát dịch, đưa ngành du lịch, dịch vụ hoạt động trở lại.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn khẳng định, Quảng Ninh rất mong muốn cộng đồng các doanh nghiệp nghiên cứu, xúc tiến những ngành nghề kinh doanh mới. Tỉnh có thế mạnh về phát triển nông, thủy sản, do đó tận dụng thương mại điện tử trong lĩnh vực này cũng là một hướng đi đúng để tiếp tục phát triển sản xuất trong bối cảnh mới, tình hình mới khi dịch bệnh còn kéo dài. Tỉnh Quảng Ninh cam kết hỗ trợ doanh nghiệp nhanh nhất, quyết liệt, hiệu quả nhất. Từ nay cho đến hết năm, để gánh cho các ngành than, điện, du lịch gặp khó khăn do tăng trưởng âm, tỉnh Quảng Ninh tập trung phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của ngành chế biến, chế tạo, đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành các nhà máy đưa vào sản xuất và gia tăng sản xuất thêm sản lượng sản phẩm; phấn đấu trong quý III này, khởi công một số dự án trọng điểm trong khu kinh tế, khu công nghiệp. Đồng thời giải quyết nhanh chóng thủ tục về đầu tư, giải phóng mặt bằng, cấp phép để các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án, công trình, thúc đẩy phát triển ngành xây dựng.
Theo QUANG THỌ (Báo Nhân Dân)