Sudan: Chiến sự kéo dài tuần thứ 6, hàng nghìn dân thường mắc kẹt

21/05/2023 - 09:05

Nhiều cuộc không kích đã xảy ra ở các khu vực lận cận thủ đô Khartoum trong bối cảnh nhiều dân thường đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng.


 Khói bốc lên trong giao tranh giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự RFS tại thủ đô Khartoum ngày 15/4. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đêm 19 và sáng 20/5, giao tranh vẫn tiếp diễn giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) đối địch.

Nhiều cuộc không kích đã xảy ra ở các khu vực lận cận thủ đô Khartoum trong bối cảnh nhiều dân thường đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng khi xung đột đã bước sang tuần thứ sáu liên tiếp.

Các nhân chứng cho biết không kích đã xảy ra ở Omdurman và Bahri. Đây là hai thành phố nằm dọc sông Nile, gần sát thủ đô Khartoum.

Một số cuộc không kích xảy ra gần đài truyền hình quốc gia ở Omdurman.

Các nhân chứng ở Khartoum cho biết tình hình tương đối yên tĩnh mắc dù thỉnh thoảng vẫn nghe thấy tiếng súng nổ.

Cuộc xung đột bắt đầu nổ ra từ ngày 15/4 đã khiến hơn 1,1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán hoặc di tản sang các nước láng giềng.

Khoảng 705 người đã bị thiệt mạng và gần 5.300 người đã bị thương.

Chính phủ Mỹ đang đóng vai trò trung gian giữa quân đội Sudan và RSF.

Phía Mỹ cho biết hai bên đã đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao các mặt hàng viện trợ nhân đạo và bảo vệ thường dân khi hai bên gặp nhau tại Saudi Arabia vào đầu tháng này.

Quân đội Sudan và RSF đã đồng ý thỏa thuận ngừng bắn nhiều lần, nhưng các trận đánh vẫn tiếp diễn.

Ngày càng có nhiều lo ngại cho rằng cuộc xung đột này có thể gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo liên quan đến các quốc gia xung quanh Sudan vì chưa có dấu hiệu cho thấy có khả năng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Chính phủ Nam Sudan ngày 19/5 đã lên tiếng bảo vệ vai trò hòa giải và nỗ lực của nước này nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở nước láng giềng Sudan, sau những chỉ trích từ chính quyền Khartoum.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nam Sudan khẳng định chính phủ nước này đã và đang tiếp tục đóng vai trò trung gian hòa giải cho cuộc xung đột ở Sudan, trong khuôn khổ Cơ quan Phát triển liên chính phủ Đông Phi (IGAD) với “sự vô tư tối đa,” đồng thời giải thích thêm “khái niệm hòa giải” hàm ý chỉ sự tiếp xúc “cân bằng với tất cả các bên.”

Hôm 18/5, Bộ Ngoại giao Sudan đã gửi thông điệp “phản đối” tới Nam Sudan, sau khi một quan chức RSF thực hiện chuyến thăm tới Juba trong tuần này.

Đặc phái viên Youssef Isha của Chỉ huy RSF - Tướng Mohamed Hamdan Daglo - đã gặp Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và đại diện của IGAD tại Juba hôm 17/5.

Trong cuộc họp báo diễn ra sau đó, ông Isha tuyên bố RSF sẵn sàng tham gia mọi nỗ lực của Tổng thống Kiir nhằm thúc đẩy hòa bình lâu dài ở Sudan./.

Theo TTXVN/Vietnam+