Từng là cán bộ của ngành văn hóa ở huyện Phong Điền, năm nay đã tròn 66 tuổi, ông Nguyễn Thế, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế đã dành trọn tình yêu với văn hóa địa phương, văn hóa dân gian.
Xuất phát từ niềm đam mê
Ông Nguyễn Thế kể lại: “Trước đây, tôi là sinh viên của Trường Quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ Huế. Trong quá trình theo học tại trường, tôi có điều kiện được tiếp xúc với nhiều diễn viên lão thành của tuồng Huế, ca Huế và thường xuyên nghe họ đàn hát, múa, diễn tuồng… Thi thoảng, tôi còn ra rạp hát Đồng Xuân ở đường Phan Đăng Lưu bây giờ để xem diễn tuồng. Từ đó, niềm đam mê về văn hóa dân tộc bắt đầu ngấm vào mình lúc nào không hay”.
Với niềm đam mê của mình, ông Nguyễn Thế đã dành nhiều thời gian để tìm lại những kịch bản tuồng cổ của Huế đang lưu lạc khắp nơi. “Việc tìm lại được những kịch bản tuồng cổ này rất khó, vì phải đọc được chữ Nôm. Điều may mắn là tôi được học, cho nên biết đọc chữ Hán-Nôm. Nhờ vậy, tôi quyết tâm đi tìm di sản tuồng cổ bởi những bản tuồng cổ viết bằng chữ Nôm, nguyên gốc, ít bị “tam sao thất bản”, là di sản văn hóa quý giá của cha ông”- ông Thế chia sẻ. Từ quyết tâm đó, ông đặt mua các sách, báo, tạp chí chuyên ngành để trau dồi thêm hiểu biết về lịch sử-văn hóa và các bộ môn nghệ thuật của dân tộc.
Từ nhiều năm nay, cứ mỗi kỳ nghỉ phép, ông Thế dày công đi tìm những tư liệu về nghệ thuật tuồng từ nam ra bắc. Nhờ vậy, ông đã thống kê được khoảng 200 vở tuồng cổ, sao chụp hàng chục vở tuồng viết bằng chữ Nôm. Với vốn kiến thức chữ Nôm của mình, ông Thế đã phát hiện ra văn bản Hán-Nôm gốc và cổ nhất ở Thừa Thiên Huế cách đây hơn 570 năm, từ thời Lê Nhân Tông. Văn bản này được tìm thấy tại nhà thờ họ Lê Văn (làng Mỹ Xuyên, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), ra đời trước tác phẩm “Ô Châu Cận Lục” hơn 100 năm. Văn bản này được xem là “giấy chứng nhận quyền sử dụng” đầu tiên còn nguyên vẹn. Ông Thế còn được Viện Havard-Yenching của Đại học Havard (Mỹ) tài trợ để thực hiện đề tài “Tìm hiểu tư tưởng Nho giáo trong nghệ thuật tuồng Việt Nam qua vở tuồng Ngự Văn Quân”.
Ngoài sưu tầm các tư liệu gốc, ông Thế cũng dành thời gian nghiên cứu về nghề làm gốm ở làng Phước Tích và việc bảo tồn làng cổ Phước Tích; giải mã câu chuyện đằng sau câu nói dân gian “Bát ngạn thanh liêm, Đường Xuyên trung ái”, được người dân phủ Thừa Thiên truyền tụng vào nửa cuối thế kỷ 19; hay tìm về tổ hương làng Bồ Điền của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu. Ông là người đã góp công phục dựng nghệ thuật hát múa Sắc bùa tại làng Phong Bình (huyện Phong Điền), đặc biệt là việc phát hiện trống đồng Đông Sơn ở Thừa Thiên Huế. Từ đó, ông viết lý lịch sơ lược và đặt tên là trống đồng Ô Lâu. Ông chia sẻ “Di tích văn hóa Đông Sơn tồn tại nơi đây là minh chứng cho địa điểm cư trú của các tộc người bản địa. Đây là nơi giao lưu của người dân bản địa với dân tộc Việt. Nhờ vậy, có thể xác định tuyến thượng đạo ở khu vực phía tây nam huyện Phong Điền từng là một trung tâm hoạt động về kinh tế, văn hóa xã hội của người xưa”.
Tự cho mình là “chân chạy”, ông Nguyễn Thế thường xuyên đi điền dã, khảo cứu khắp nơi trong tỉnh. Nhờ đó, ông tìm hiểu được về lịch sử của nhiều hiện vật có giá trị. Ông chia sẻ: “Từng làm ở ngành văn hóa, tôi có cảm nhận, tình yêu với văn hóa quê hương, tôi cũng cố gắng tìm hiểu về văn hóa. Trong quá trình đó, tôi may mắn phát hiện và khai thác được một số vấn đề có giá trị đối với địa phương. Mong rằng, những nghiên cứu của mình sẽ giúp cho người dân địa phương biết được những nét văn hóa đáng quý, đáng gìn giữ mà người xưa đã để lại”. Hơn 40 năm sưu tầm và nghiên cứu về văn hóa địa phương, văn hóa dân gian, ông Nguyễn Thế đã có nhiều đóng góp đối với văn hóa dân gian, văn hóa làng xã tại huyện Phong Điền và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Từ những đóng góp ấy, ông được không ít chuyên gia, nhà sử học trân trọng gọi là nhà địa phương học.
Gìn giữ nét quê hương
Tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) gần đây đã ra mắt Đội hát múa Sắc bùa làng Phò Trạch. Đây là một hình thức biểu diễn trong lễ hội dân gian, mang nhiều yếu tố tâm linh với những lời cầu nguyện cho quốc thái dân an, bày tỏ niềm hy vọng, tin tưởng vào một năm mới mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no và hạnh phúc, đề cao chữ “Đức”, chữ “Nhân” trong cuộc sống. Theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình, bên cạnh hình thức diễn xướng dân gian, hát Sắc bùa còn là một tập tục có tính cách nghi lễ, kết hợp hát múa và diễn xướng sân khấu sơ khai, được phổ biến ở nhiều nơi.
Khoảng 50 năm trở lại đây, Sắc bùa làng Phò Trạch có nguy cơ bị thất truyền do chiến tranh và điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. May mắn, những người dân của làng Phò Trạch đã không quản khó khăn, dành tâm sức phục dựng lại nét văn hóa đặc sắc, hồn cốt của làng, của cha ông để lại. Nói về Sắc bùa làng Phò Trạch, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thế cho biết, nhằm phục dựng một loại hình diễn xướng dân gian cổ độc đáo, Ủy ban nhân dân xã Phong Bình đã phối hợp Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế; Hội Văn nghệ dân gian tỉnh cùng người dân làng Phò Trạch xây dựng kế hoạch tập luyện, phục hồi Đội hát múa Sắc bùa của làng. Nhân dân trong làng rất vui mừng khi những giá trị di sản của ông cha được quan tâm, bởi đó cũng là những ký ức không phai mờ đối với nhiều người.
Ông Nguyễn Đức Bút, một người dân làng Phò Trạch kể lại. “Tuổi thơ tôi lớn lên cùng với những giai điệu của hát múa Sắc bùa, với những nhân vật như chánh cai sắc, phó cai sắc, tróc quỷ… Lúc nhỏ tôi cũng thường được giao vai quỷ trong đội Sắc bùa của cha”. Là con trai của cụ Nguyễn Đức Doãn, người diễn viên cuối cùng trong Đội hát múa Sắc bùa làng Phò Trạch ngày trước, ông Bút nhớ lại ký ức về người cha, về những ngày lễ hội Xuân cùng những câu diễn xướng, điệu hát múa Sắc bùa trong làng.
Sự trở lại một loại hình nghệ thuật này gắn liền với tên tuổi của người con làng Phò Trạch là ông Phạm Bá Diện. Là một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, nhờ hiểu biết về chữ Hán và vốn cổ nhạc, từ những năm 1980 ông Diện đã cất công tìm hiểu nhiều bài hát, làn điệu quý của hát Sắc bùa và chuyển lời sang chữ quốc ngữ. Ông đã sưu tầm, ghi chép lại 16 bài hát Sắc bùa của làng Phò Trạch với hơn 330 câu hát vốn đã bị thất truyền hơn nửa thế kỷ qua. Ông cũng vận động thành lập được một đội văn nghệ không chuyên, tổ chức đi biểu diễn ở Liên hoan các làng văn hóa mừng sinh nhật Bác Hồ ở Dương Nỗ (Đà Nẵng), Festival Nghề truyền thống Huế và lễ hội “Hương xưa làng cổ” tại các kỳ Festival Huế. Tại những nơi này, “ban nhạc” của ông luôn nhận được nhiều khích lệ.
Từ thời xa xưa, hát múa Sắc bùa thường diễn ra vào ngày Xuân ở làng Phò Trạch, là một hình thức lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc, được thể hiện thông qua nghệ thuật diễn xướng hấp dẫn. Do những biến động chiến tranh và khó khăn thời bao cấp, hát múa Sắc bùa gần như không có cơ hội diễn xướng. Phải đến năm 2005, khi Festival Nghề truyền thống Huế được tổ chức, hát múa Sắc bùa được mời tham gia và mới “sống lại”. Lúc ấy, ông Phạm Bá Diện, người có công “hồi sinh” hát múa Sắc bùa cùng một số diễn viên của đội văn nghệ còn nỗ lực tổ chức truyền dạy hát múa Sắc bùa cho học sinh tiểu học nhằm truyền lại những vốn quý dân gian. Tuy nhiên, khi ông Diện và những diễn viên già lần lượt qua đời, hát múa Sắc bùa Phò Trạch lại lao đao suốt nhiều năm vì không có truyền nhân bài bản.
Khi Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế “vào cuộc” với Ủy ban nhân dân xã Phong Bình, hát múa Sắc bùa làng Phò Trạch được hồi phục. Đội Hát múa Sắc bùa làng Phò Trạch với 25 thành viên đã được thành lập. Các thành viên tham gia đều là nông dân của làng, am hiểu và tâm huyết với loại hình văn nghệ dân gian truyền thống của địa phương và hát múa Sắc bùa nói riêng. Đạo diễn hướng dẫn các buổi tập là nhà nghiên cứu Nguyễn Thế, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh, vốn là người dân trong làng và có đủ trong tay 16 bài hát múa Sắc bùa Phò Trạch do các cụ truyền lại.
Trước đây, hát múa Sắc bùa được người dân làng Phò Trạch tổ chức hằng năm, từ ngày 30 Tết đến 14 tháng Giêng. Đội hát Sắc bùa chừng 14 đến 16 người với nét đặc sắc là đậm chất sân khấu, cho nên rất hấp dẫn. Những giai điệu tiết tấu cất lên khi khoan thai, khi dồn dập; khi trầm, khi bổng... đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của cư dân làng Phò Trạch từ xa xưa. Các nhân vật đều được phân vai và biểu diễn theo vai được phân, còn đội đọc chú thì giữ vai trò như đồng ca. Bởi thế, thật ấn tượng khi chứng kiến đoàn hát Sắc bùa Phò Trạch vừa quen, lại vừa lạ trong Lễ hội đường phố vui nhộn ở Festival Huế.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, phục dựng lại và ra mắt đội múa hát Sắc bùa đã góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian, phát triển du lịch cộng đồng, qua đó quảng bá hình ảnh huyện Phong Điền đến với du khách. Thời gian tới, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hỗ trợ các điều kiện cần thiết để phục dựng và bảo tồn tiết mục múa hát Sắc bùa và tiết mục hát trò, cũng như những tiết mục văn hóa dân gian của người dân làng Phò Trạch để giữ gìn những nét đẹp của văn hóa cha ông.