Vị thế vùng phên dậu
An Giang giữ vị trí chiến lược ở vùng Tây Nam của Tổ quốc, là nơi đầu tiên dòng Mekong chảy vào địa phận Việt Nam (được tách thành 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu). An Giang cách TP. Phnom Penh (Vương quốc Campuchia) chỉ 120km, có đường biên giới dài gần 100km, có khu kinh tế cửa khẩu quan trọng, là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL (gồm: TP. Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cà Mau).
Với lợi thế có dòng sông Tiền (chảy qua địa phận 87km) và sông Hậu (qua địa phận tỉnh 100km), cung cấp nước ngọt quanh năm, điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng thuận lợi, An Giang có tiềm năng rất lớn về phát triển nông, thủy sản, du lịch (DL) và thương mại - dịch vụ. Lúa gạo, cá tra, rau màu và trái cây là những sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Trong đó, diện tích canh tác lúa trên 250.000ha, sản lượng khoảng 4 triệu tấn/năm, đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Kiên Giang); rau màu diện tích khoảng 58.549ha, sản lượng thu hoạch trên 1 triệu tấn/năm; diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 1.726ha/năm, tổng sản lượng đạt trên 453.000 tấn/năm (chủ lực là cá tra, còn lại là cá basa, lóc, rô, rô phi, tôm càng xanh, lươn…); cây ăn trái gần 20.000ha, sản lượng hơn 320.000 tấn/năm.
Hàng hóa của tỉnh An Giang đã có mặt ở hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, lưu lượng hàng hóa trao đổi qua các cửa khẩu biên giới với Campuchia luôn giữ ổn định ở mức cao tại 2 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên và Vĩnh Xương), 2 cửa khẩu chính (Khánh Bình và Vĩnh Hội Đông), 2 cửa khẩu phụ (Bắc Đai và Vĩnh Gia). DL An Giang phát triển với các loại hình đặc trưng, như: DL tham quan, nghỉ dưỡng, DL sinh thái, DL cộng đồng, DL văn hóa, DL văn hóa có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội.
Giữ vững 3 “bảo đảm an ninh”
Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, với vị trí địa kinh tế, địa chính trị đặc biệt, tỉnh luôn có vị thế, vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược hội nhập quốc tế của đất nước, thể hiện rõ trên 3 “bảo đảm an ninh” lớn là: An ninh lương thực, an ninh nguồn nước và an ninh biên giới. “Đây là vai trò chiến lược quan trọng được tỉnh quyết tâm giữ vững. Tỉnh lựa chọn phát triển cân bằng giữa các trụ cột kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, bền vững” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh.
Trong đó, an ninh lương thực quốc gia luôn là vấn đề thiết yếu, cấp bách khi nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng khốc liệt, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Với sản lượng lúa khoảng 4 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 16% sản lượng lúa của vùng ĐBSCL, An Giang góp phần bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho đất nước trong mọi tình huống và đóng góp quan trọng cho xuất khẩu.
Với điều kiện có thể canh tác lúa quanh năm, tận dụng thời cơ nhu cầu lương thực thế giới tăng, gạo đạt giá trị cao, việc tham gia với vai trò chủ lực vào Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 được xem là cơ hội giúp nông dân bám ruộng làm giàu, càng khẳng định vai trò an ninh lương thực của tỉnh.
Nằm ở vị trí đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang luôn ý thức về vai trò an ninh nguồn nước, quyết định đến tầm nhìn chiến lược của vùng, đến mục tiêu phát triển bền vững, đến sinh kế của người dân ĐBSCL. Trong điều kiện tác động tiêu cực ngày càng lớn của các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, mực nước dòng chảy sông Mekong không còn tuân theo quy luật tự nhiên, nguy cơ mất an ninh nguồn nước ở ĐBSCL ngày càng rõ rệt. Để thực thi nhiệm vụ giữ vững an ninh nguồn nước ngọt cho dân sinh và sản xuất cả vùng đồng bằng, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của tỉnh được tính toán thận trọng, phát triển theo hướng thân thiện môi trường.
Là tỉnh có đường biên giới thủy, bộ với Campuchia, An Giang giữ vai trò đảm bảo quốc phòng - an ninh biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Việc củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội cho cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng là nhiệm vụ luôn được tỉnh quan tâm, giữ vững. Trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ sẽ đầu tư phát triển hành lang kinh tế biên giới từ tỉnh Long An đến Kiên Giang, phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, vai trò khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang (một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia) sẽ có điều kiện phát huy.
Ngoài 3 “đảm bảo an ninh” chính, An Giang còn có thêm nhiệm vụ “an ninh thương mại” xuyên biên giới qua thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN, khi tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi vào hoạt động, tạo hành lang kinh tế từ cảng biển Trần Đề (tương lai là cảng xuất, nhập khẩu lớn nhất vùng ĐBSCL), xuyên qua các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, TP. Cần Thơ, kết nối vào khu kinh tế cửa khẩu của An Giang.
Cùng với đó là tuyến vận tải thủy kết nối với Campuchia (tuyến sông Mekong), phục vụ hàng hóa các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang. Với sự nỗ lực từ Trung ương và địa phương, trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng của tỉnh có sự đầu tư hiện đại, đồng bộ hơn so với trước đây, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, cầu, cảng... sẽ tạo ra sự kết nối mạnh mẽ hơn giữa An Giang với khu vực.
Đón đầu thời cơ mới
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, vị thế, vai trò của tỉnh An Giang trở nên nổi bật và rõ nét trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, thời kỳ 2021 - 2030, Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực để kết nối với TP. Hồ Chí Minh, tập trung phát triển hành lang nằm giữa TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh.
Sau năm 2030, sẽ mở rộng hành lang sang phía Bắc, dọc theo trục sông Tiền, sông Hậu, kết nối với Campuchia và các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS). Với vị trí chiến lược địa kinh tế, địa chính trị đặt trong mối quan hệ Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng và cộng đồng kinh tế ASEAN, An Giang có thể phát triển trở thành trung tâm đầu mối giao thương quốc tế, DL, đầu tư của vùng ĐBSCL trong chiến lược phát triển bền vững, hài hòa và bao trùm.
Trong đó, các các đô thị động lực của tỉnh (TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, TX. Tịnh Biên) có điều kiện phát huy điểm mạnh, lợi thế về vị trí trung tâm - nằm giữa 3 thành phố lớn (TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và TP. Phnom Penh) để trở thành các trung tâm đầu mối, giao lưu, hợp tác quốc tế quan trọng bậc nhất của vùng ĐBSCL, vùng TP. Hồ Chí Minh với Campuchia và một số nước trong khu vực ASEAN.
Các dự án hạ tầng kết nối tạo “đột phá” của vùng ĐBSCL đang và sẽ triển khai trong ngắn hạn, sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong trung và dài hạn. Nhờ kết cấu hạ tầng kết nối liên tỉnh, liên vùng, nhất là các tuyến cao tốc kết nối TP. Hồ Chí Minh với vùng ĐBSCL, các tuyến cao tốc “trục ngang”, “trục dọc” nội vùng đang được đầu tư, tỉnh sẽ có cơ hội đón nhận các làn sóng lan tỏa công nghiệp từ trung tâm sản xuất công nghiệp vùng Đông Nam bộ, làn sóng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu (vốn FDI) về tỉnh, nhất là các ngành có xu hướng dịch chuyển nhiều, như: Dệt may, thiết bị điện tử, viễn thông, phụ tùng, linh kiện, hàng hóa, trang thiết bị y tế và dược phẩm thiết yếu, năng lượng, tài chính, bất động sản…
Quá trình triển khai và thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL và liên kết với TP. Hồ Chí Minh là cơ hội để An Giang liên kết, hợp tác với địa phương trong vùng, hình thành, phát triển, kết nối các hành lang kinh tế của tỉnh với các hành lang kinh tế vùng, nhất là hành lang theo trục cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và hợp tác phát triển các khu kinh tế cửa khẩu với các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh… để thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới bền vững với Campuchia.
Đồng thời, phát huy vai trò, vị thế hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu, là hành lang kinh tế, không gian văn hóa, hành lang đa dạng sinh học, không gian cảnh quan sông nước có tính nhận diện, đặc trưng của vùng; định hướng phát triển cụm liên kết về lúa gạo, thủy sản và trái cây gắn với các đô thị sinh thái 2 bên sông, nhằm thúc đẩy chuyên môn hóa và hiện đại hóa nông nghiệp; phát triển DL sinh thái gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của vùng Tây Nam Bộ. Điều này cũng phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh, sử dụng sản phẩm, dịch vụ gắn với môi trường tự nhiên, dần trở nên tất yếu trên thế giới.
Phát triển bền vững
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, quan điểm Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bám sát các chủ trương, đường lối phát triển, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch vùng ĐBSCL, các quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm DL sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia...
Để thực hiện mục tiêu này, có 3 nhóm mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường được đề ra, với 13 mục tiêu cụ thể, trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 157 triệu đồng; kinh tế số đạt trên 20% GRDP...
Để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất quan điểm, mục tiêu và các đột phá phát triển, Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra 2 phương hướng, 4 phương án và danh mục các dự án ưu tiên đầu tư. Đồng thời, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện, gồm: Giải pháp về huy động, sử dụng vốn đầu tư; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch. Khi thực hiện tốt các giải pháp này, sẽ tháo gỡ những “điểm nghẽn” chính, tạo đà cho An Giang vươn lên phát triển.
Quy hoạch tỉnh An Giang hướng tầm nhìn đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN; bản sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh và mang đậm văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long. Quốc phòng - an ninh vững mạnh, trật tự, an toàn xã hội ổn định, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. |
NGÔ CHUẨN