Quyết tâm chống “giặc nội xâm”

05/08/2022 - 06:56

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta thực hiện quyết liệt và hiệu quả, tạo được niềm tin trong nhân dân. Song, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng…

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giai đoạn 2012-2022

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và với quyết tâm tạo bước chuyển mới, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Sau 10 năm, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, chiếc “lò” chống tham nhũng đã được “nung nóng”, thiêu cháy “giặc nội xâm”. Trong giai đoạn 2012-2022, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo.

Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ. Kết quả phát hiện, điều tra và xử lý tham nhũng trong thời gian qua càng chứng tỏ Đảng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo và quan điểm: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.

Việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phòng, chống tiêu cực cho thấy công tác phòng, chống tha hóa, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên đang được Đảng chú trọng hơn. Các chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi tiêu cực là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai cố tình dựa vào địa vị của mình để mưu lợi cá nhân. Việc đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Theo đó, bên cạnh hàng loạt các vụ án tham nhũng bị đưa ra ánh sáng, nhiều vụ việc liên quan tới hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên và cả những lãnh đạo cấp cao trong bộ máy nhà nước, cũng liên tục được gọi tên. Tuy hành vi thực hiện khác nhau nhưng tất cả đều có chung mẫu số: Đi ngược lại các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, nhà nước, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại An Giang, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy của Đảng, nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Công tác thanh, kiểm tra, trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; việc xử lý được thực hiện nghiên túc, nhiều vụ việc sai phạm được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số tài sản tham nhũng phát hiện qua điều tra trên 5,1 tỷ đồng, đã thu hồi 755 triệu đồng. 

 Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tỉnh An Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang làm Trưởng ban.

Xác định tầm quan trọng của cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.

Phát huy kết quả tích cực trong thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới; phải coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng, thực hiện thường xuyên, liên tục, không thể chủ quan, nóng vội, thỏa mãn.

Đồng thời, Tổng Bí thư bày tỏ sự tin tưởng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và đạt hiệu quả cao hơn nữa, góp phần xây dựng Đảng, nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin, sự mong đợi của nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ, việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng. nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”.

M.Q