Quyết tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, gỡ "thẻ vàng"

07/09/2021 - 15:10

Phát biểu sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp và từng bước lãnh đạo, chỉ đạo để gỡ "thẻ vàng", tuyệt đối không để bị "thẻ đỏ".

Sáng 7-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ven biển trên cả nước về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU. 

Gỡ "thẻ vàng", tuyệt đối không để bị "thẻ đỏ"

Kiểm tra tình hình về IUU và phòng, chống dịch của thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng lưu ý địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, ngư dân chia sẻ, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước. Tỉnh cũng phải làm, huyện, xã phường cũng phải làm. Xã, phường là nơi trực tiếp gần dân, cấp uỷ chính quyền phải làm. Chính quyền phải tổ chức cho nhân dân chống dịch lúc này, lúc bình thường thì phải quan tâm, chăm lo đời sống nhân dân. Phải nắm phương thức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Chính quyền phải quản lý, vận động, tuyên truyền pháp luật. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể giám sát việc thực hiện, nhân dân phải là chủ thể tham gia. Phải nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phải đạt được theo phương châm "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm". Lãnh đạo địa phương phải đủ phẩm chất, năng lực, gương mẫu để dân tin. Khi dân tin, dân theo thì dân sẽ làm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh: TRẦN HẢI

Thủ tướng nhấn mạnh địa phương phải "thuộc bài", "đúng bài", tổ chức thực hiện nghiêm các quy định, giải pháp thì sẽ kiểm soát được tình hình, nhất là chăm lo đời sống nhân dân, huy động người dân tích cực tham gia phòng, chống dịch. Đảng, Nhà nước vẫn đang nỗ lực lo nguồn vaccine cho nhân dân. Thủ tướng thấu hiểu việc giãn cách xã hội lâu làm người dân mệt mỏi, ảnh hưởng nghiêm trọng chính sách, do đó địa phương phải nhận thức điều này để nỗ lực chăm lo cho nhân dân.

Kiểm tra xã An Thuỷ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, Thủ tướng cho rằng việc "chăm dân" và "đánh giặc" của địa phương chưa làm tốt, chưa nắm chắc dân, chưa nắm chắc tình hình. Không bám sát dân nên mới để tình trạng hiện còn người dân vi phạm về IUU. Thủ tướng nhắc, vì lợi ích quốc gia, phải nỗ lực tuyên truyền, không để người dân vi phạm. Việc tuyên truyền, vận động phải thực hiện theo 5 phương thức lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể giám sát, vận động nhân dân để "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm". Ý thức của người dân là rất quan trọng. Bên cạnh tuyên truyền vận động phải làm tốt công tác khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh.

DSC_7678-1630991224436.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TRẦN HẢI 

Phát biểu ý kiến khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm vấn đề này và từng bước lãnh đạo, chỉ đạo để gỡ "thẻ vàng", tuyệt đối không để bị "thẻ đỏ". Sau 4 năm thực hiện, chúng ta đã đạt được một số việc nhưng mục tiêu lớn nhất là chưa gỡ được "thẻ vàng". Hôm nay, Thủ tướng Chính phủ cùng Ban Chỉ đạo tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương ven biển bàn biện pháp nhằm đạt mục tiêu để Uỷ ban châu Âu (EC) gỡ "thẻ vàng". Tình hình chưa chuyển biến, chúng ta phải đánh giá lại, phân tích nguyên nhân, đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, trên cơ sở đó thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu, dứt khoát phải thực hiện theo chỉ đạo của Ban Bí thư không để bị "thẻ đỏ". Muốn vậy cơ sở phải nỗ lực. Do vậy phải họp với cơ sở. Chính quyền cơ sở là nơi gần dân nhất, biết dân nhất. Nhân dân cũng trông chờ vào xã, phường, thị trấn khi gặp khó khăn. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Việc nhỏ nhưng nếu tổ chức không thì không xong. Nếu không hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân rằng hành động đó ảnh hưởng hình ảnh, uy tín đất nước, ảnh hưởng chính chính sách người dân thì không thể làm được. Tỉnh, huyện không bỏ qua được việc này, phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra. Phải nhanh chóng để EC gỡ "thẻ vàng", thúc đẩy ngành thủy hải sản của Việt Nam phát triển đúng hướng. 

Tại cuộc họp, các địa phương ven biển đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo về IUU; trong đó tập trung vào các giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân; áp dụng các giải pháp công nghệ để tăng cường quản lý, giám sát tàu cá của ngư dân hoạt động trên biển; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và các bộ ngành nhiều giải pháp để hỗ trợ địa phương, nâng cao hiệu quả công tác này, góp phần để EC sớm gỡ "thẻ vàng". 

Đại diện một số bộ, ngành nhấn mạnh, giống như phòng, chống dịch COVID-19, địa phương là tuyến đầu chống dịch thì địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chống đánh bắt IUU; cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ngăn chặn việc này, vì lợi ích quốc gia, địa phương và ngư dân. Nếu tình trạng này kéo dài thì ảnh hưởng chung toàn ngành thuỷ hải sản, ảnh hưởng sinh kế của tất cả ngư dân. Do đó các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. 

Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác hải sản để EC sớm gỡ

Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Trần Hải 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC, theo đó, về khung pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện: hệ thống pháp luật về thủy sản đã được hoàn thiện và cơ bản đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm quản lý, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật (2 Nghị định của Chính phủ, 8 Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã quy định đầy đủ các nội dung về chống khai thác IUU. Hiện Bộ đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn thi hành Luật phù hợp tình hình thực tế và theo khuyến nghị của EC như Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chỉ tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Qua kết quả triển khai trên thực tế, bước đầu đã có nhiều cố gắng, tiến bộ và đạt được một số kết quả cụ thể sau: 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành gần 100 văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện văn bản chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, quy định của Luật thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU; thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra tại địa phương, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế; đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện Luật Thuỷ sản, các quy định về chống khai thác IUU. 

Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Công thương; Ban Tuyên giáo Trung ương... đã xây dựng kế hoạch, giải pháp và tổ chức triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, của Trưởng Ban chỉ đạo; thường xuyên trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, tổng hợp và báo cáo theo quy định. 

UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương đã nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, của Trưởng Ban Chỉ đạo và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đã thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh về IUU; tập trung các nguồn lực, tổ chức triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục các tồn tại, hạn chế tại địa phương trong công tác chống khai thác IUU; tổ chức ký kết quy chế phối hợp để triển khai các giải pháp quản lý, kiểm soát hoạt động của tàu cá giữa các tỉnh, kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin ngăn chặn, xử lý tàu cá của địa phương có hành vi khai thác IUU. 

Về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu: việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên có tiến bộ, tính đến ngày 31/8/2021 số lượng tàu cá lắp đặt thiết bị VMS có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình tàu cá là 27.628 / 30.609 tàu cá (đạt 90,26%). Hệ thống giám sát tàu cá, cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá đã được kết nối, chia sẻ, được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương, đồng thời phân quyền truy cập cho các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan của Bộ Quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ được giao, bước đầu đã đạt được kết quả trong theo dõi, quản lý tàu cá hoạt động trên biển. 

Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định tại Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 85.620/94.572 tàu, đạt 90,53%, Công tác quản lý đội tàu khai thác hải sản theo quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, đã có kết quả tích cực bước đầu theo hướng duy trì, không tăng số lượng tàu cá hiện có... 

Kiên Giang phải tranh thủ thời gian giãn cách để sàng lọc

Trước khi bắt đầu vào nội dung chính, nhân dịp họp trực tuyến, trước tình hình dịch bệnh còn phức tạp ở các tỉnh, thành phố ở phía nam, trực tiếp kiểm tra tình hình Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý địa phương phải khẩn trương tranh thủ thời gian giãn cách để sàng lọc F0, vận động người dân khi đã phong toả phải biến "vùng đỏ" thành "vùng xanh".

Kiểm tra tình hình phòng, chống dịch tại huyện Kiên Lương, Thủ tướng yêu cầu Tỉnh uỷ Kiên Giang phải kiểm tra lại các địa bàn huyện; nếu huyện thiếu lực lượng phòng, chống dịch thì phải đề nghị tỉnh hỗ trợ. Địa phương phải quản lý chặt, không thể để tình trạng đã giãn cách xã hội lâu rồi mà xét nghiệm vẫn ra nhiều trường hợp F0. Không thể để xảy ra tình trạng "đỏ hoá" vùng xanh, vùng vàng. Lái xe vận chuyển hàng hoá cần được xét nghiệm. Thủ tướng yêu cầu phải rút kinh nghiệm để quản lý chặt chẽ vì thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg qua 2 tháng mà vẫn còn mầm bệnh trong cộng đồng. Cố gắng trong ba ngày tới phải xét nghiệm thần tốc, sàng lọc F0 để chăm sóc điều trị hợp lý, truy vết F1.

Thủ tướng lưu ý, việc xét nghiệm phải đi trước, chứ hiện nay vẫn là chạy theo dịch bệnh là thua, muốn thắng phải đi trước dịch bệnh. Thủ tướng đề nghị các xã, phường phải tăng cường kiểm tra; huyện xuống kiểm tra, hỗ trợ xã nếu thiếu lực lượng. Các bệnh nhân F0 cần được điều trị tại chỗ bởi nếu chuyển bệnh nhân đi xa hàng chục km có khi dễ chuyển nặng. Chủ trương của chúng ta là tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất; phải có trạm xá lưu động để tiếp nhận, thu dung các F0, phân loại, chăm sóc cho hợp lý, giảm tải cho tuyến trên. Phong toả chặt ổ dịch ở xã Bình An, huyện Kiên Lương.

Thủ tướng yêu cầu, trong 24 giờ phải xét nghiệm hết cho người dân. Nguyên tắc chống dịch là cách ly người có bệnh với không có bệnh vì chu kỳ lây rất nhanh. Phải nắm chắc các hướng dẫn của Bộ Y tế. Phải rút kinh nghiệm kiểm soát người đi người đến từ vùng dịch. Toàn tỉnh Kiên Giang phải quyết tâm sàng lọc tất cả F0 để kiểm soát dịch bệnh. Biện pháp "đã đúng và trúng" thì phải tổ chức cách ly tại gia đình, thực hiện sáng tạo các giải pháp phòng, chống dịch. Phải nắm chắc các quy định, tăng cường kiểm tra, giám sát. Đảng, Nhà nước đang nỗ lực thực hiện ngoại giao vaccine, tuy nhiên đang khan hiếm vaccine, rất khó khăn. Trong lúc chưa đủ vaccine, phòng vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài. Chống là cần thiết và đột phá. Tỉnh, huyện cần ưu tiên vaccine cho xã Bình An. 

Theo Báo Nhân Dân