Sáng kiến xây dựng hòa bình kéo dài 2 năm qua do Liên Hợp Quốc dẫn đầu, được xem là bước đi quan trọng để tiến tới một cuộc bầu cử và giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria bùng phát từ năm 2011, cướp đi sinh mạng của khoảng 400.000 người và khiến hàng triệu người phải lánh nạn.
Syria. Ảnh: Rudaw.
Việc ra mắt Ủy ban Hiếp pháp này là thỏa thuận chính trị cụ thể đầu tiên giữa chính phủ và phe đối lập Syria, thực hiện một điều khoản quan trọng trong nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đó là thiết lập thời gian biểu và phương thức để xây dựng Hiến pháp mới. Ủy ban gồm 150 thành viên, đại diện của cả chính phủ và phe đối lập, các tổ chức xã hội dân sự, với mục đích sửa đổi hiến pháp và nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột hơn 8 năm qua.
Để chuẩn bị cho lễ ra mắt chính thức của Ủy ban Hiến pháp Syria, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 29/10 có cuộc họp với Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria Geir Pedersen. Ba Ngoại trưởng nhấn mạnh rằng các thế lực nước ngoài không được can thiệp vào hoạt động của Ủy ban Hiến pháp Syria.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định: “Ủy ban Hiến pháp Syria không phải là điểm hoàn tất của một tiến trình, mà chỉ là sự khởi đầu của một con đường khó khăn mới, với nhiều thách thức hơn. Đây phải là thành quả của người dân Syria, do người dân Syria dẫn dắt và được người dân Syria chấp nhận. Tiến trình này không nên có sự can thiệp, kích động hoặc gây ảnh hưởng từ bên ngoài. Đây là những điều mà Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran cam kết và tiếp tục ủng hộ”.
Rõ ràng đang có cơ hội cho người Syria tự thảo ra một bản Hiến pháp mới cho mình, là cánh cửa mở ra tiến trình xây dựng lòng tin giữa người dân Syria và cộng đồng quốc tế. Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định cũng không nên quá mong đợi vào Ủy ban này sẽ là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 8 năm qua tại Syria.
Để Ủy ban Hiến pháp Syria vận hành và đưa ra các quyết định quan trọng sẽ là một thách thức không nhỏ khi 150 thành viên của Ủy ban đến từ các lực lượng chính trị khác nhau. Điều đó được thể hiện rõ nhất kể từ khi sáng kiến bắt đầu cách đây 2 năm, con đường thành lập Ủy ban này cũng gặp nhiều khó khăn để đạt được sự đồng thuận của các bên. Trong khi đó, các cường quốc luôn muốn gia tăng ảnh hưởng đến tiến trình này trên danh nghĩa giúp tái thiết đất nước, có thể tác động đến tính hiệu quả của Ủy ban.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Geir Pedersen cho rằng, để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria cần phải một giải pháp toàn diện: “Tất nhiên chúng tôi nhận thức rõ Ủy ban Hiến pháp không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng Syria. Ủy ban Hiến pháp chỉ là một bước đi định hướng đúng đắn trên con đường khó khăn hướng đến một Syria mới. Để có các kết quả cụ thể và rõ ràng cần phải thực hiện các điều khoản khác của Nghị quyết 2254.
Chúng ta cũng cần phải có các bước tiến lớn trên thực địa. Do đó, cùng với việc ra mắt Ủy ban hiến pháp cũng cần có bước đi cụ thể khác, các biện pháp xây dựng lòng tin giữa người dân Syria và người dân Syria với cộng đồng quốc tế”.
Mặc dù vậy có thể nói việc ra mắt Ủy ban Hiến pháp Syria là cơ hội để người dân Syria cùng đóng góp tiếng nói xây dựng đất nước, xây dựng lòng tin và thúc đẩy một tiến trình chính trị toàn diện cho đất nước. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua cũng bày tỏ lạc quan về một giải pháp chính trị cho Syria. Ông cho rằng, đây là một cơ hội hiếm có cho hòa bình, các thành viên Ủy ban sẽ hợp tác để giúp hàn gắn đất nước đang bị chia rẽ với sự hỗ trợ tích cực của Liên Hợp Quốc.
Theo PHẠM HÀ (VOV)