Khiếu nại đến báo An Giang, ông Sơn cho biết: “Cha, mẹ tôi (Trần Văn Liêm, Nguyễn Kim Quới) sinh 3 người con (1 người đã chết) và có 2 người con nuôi. Sinh thời, ông, bà tạo dựng 2 miếng đất ruộng (22.000m2 ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Khánh; 35.433m2 ở ấp Sơn Hòa, xã Vọng Đông, Thoại Sơn) và mảnh đất vườn diện tích trên 3.000m2 ở khóm Tây Huề 2, phường Mỹ Hòa.
Ngày 28-12-2007, mẹ tôi làm tờ di chúc cho tôi thừa kế căn nhà, đất đang ở (khoảng 656m2) và 35.433m2 đất ruộng ở ấp Sơn Hòa. Tờ di chúc này có 2 người điềm chỉ làm chứng, được chính quyền xác thực. Đồng thời, người mẹ còn giao 3.000m2 đất vườn cho tôi sử dụng, quản lý. Tuy nhiên, phần đất ruộng 22.000m2 ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Khánh nhiều năm qua đã bị người chị Trần Thị Mỹ Phượng chiếm dụng; còn 35.433m2 đất ở ấp Sơn Hòa thì chị nói “tạm mượn cho thuê vài năm để lấy tiền lo cho mẹ”, nhưng đến nay không chịu trả lại cho tôi.
Từ sự việc trên, chị, em tôi mất lòng, liên tiếp tranh chấp, trong đó nhiều lần xảy ra ẩu đả phải đi đến chính quyền. Vụ việc này đã khởi kiện đến Tòa án nhân dân (TAND) TP. Long Xuyên từ năm 2012, rất mong sớm được xem xét, giải quyết trả lại quyền lợi cho gia đình tôi”.
Ông Trần Thanh Sơn
Bà Trần Thị Mỹ Phượng (sinh năm 1960, ngụ khóm Tây Huề 2, phường Mỹ Hòa) cho biết: “Quyền sử dụng đất (QSĐ) phần đất ruộng 35.433m2 ở ấp Sơn Hòa, xã Vọng Đông do cha tôi đứng tên chủ quyền. Tuy nhiên, phần đất này không chỉ riêng Sơn thừa hưởng, mà còn là tài sản chung của các người thừa kế khác.
Riêng 22.000m2 đất ruộng ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Khánh, sinh thời mẹ tôi cho sản xuất. Việc canh tác đất không chỉ để mưu sinh, gia đình tôi đã tạo ra sinh lợi phục vụ việc chăm sóc, phụng dưỡng, đặc biệt điều trị bệnh cho mẹ.
Còn phần đất vườn diện tích chỉ 1.246m2, không phải Sơn nói. Hiện đất này gia đình tôi quản lý, sử dụng từ lâu, đã có giấy chứng nhận QSDĐ từ năm 2002, phần đất trên đã chuyển QSDĐ cho một số người khác. Đó là chưa kể đất thổ cư với diện tích khá rộng (ở khóm Tây Khánh 5, phường Mỹ Hòa) là của cha mẹ tôi để lại do Sơn quản lý, sử dụng, tài sản này không chịu chia thừa hưởng cho các thừa kế khác theo quy định của pháp luật.
Vụ việc này đã được khởi kiện ra TAND để phân định. Tài sản của cha, mẹ để lại, được các chú và cô tôi biết, cả đến việc chia đất ruộng, đất vườn”.
Qua tìm hiểu, vợ, chồng bà Trần Thị Quắn sinh thời có nhiều người con, tạo dựng được nhiều đất ruộng, thổ cư, đất vườn và đã phân chia phần tài sản có được. Ngoài ông Trần Văn Thức, Trần Văn Liêm (cha của bà Phượng, ông Sơn, đã chết), hiện còn các ông: Trần Văn Nết, Trần Văn Tính, Trần Văn Mân, Trần Thị My.
Về việc này, ông Trần Văn Mân, 67 tuổi (chú ruột của bà Phượng và ông Sơn) thông tin: “Anh tôi (Trần Văn Liêm) thứ 3 trong gia đình, sinh 3 người con (chết 1 con gái) còn 2 cháu (Phượng, Sơn), sinh thời có nhận 2 người con nuôi tên Đông và Duyên. Về phần đất thổ cư 3.000m2 là của vợ, chồng anh Liêm, chị Quới. Đất này tọa lạc trước nhà tôi, giáp ranh đất anh ruột tôi (Trần Văn Tính), đã xảy ra tranh chấp rất nặng nề và khá lâu, nhất là khi có giấy chứng nhận QSDĐ cấp cho một số người.
Trước đây, cháu Sơn kêu vợ, chồng cháu Phượng vào đó ở, còn việc thỏa thuận như thế nào tôi không rõ. Về 2 mảnh đất ruộng, trong đó có phần ở xã Vọng Đông do chị Quới làm tờ di chúc cho cháu Sơn, còn phần đất ở xã Vĩnh Khánh tôi không biết. Rất mong pháp luật vào cuộc làm rõ trắng đen, tránh xảy ra tình trạng tranh chấp dai dẳng”.
Thẩm phán TAND TP. Long Xuyên Phạm Thị Minh Châu cho biết: “Vụ việc trên đã thụ lý, thực hiện đúng các bước theo quy định của pháp luật. Chúng tôi đề nghị và đang chờ UBND TP. Long Xuyên cung cấp về giới hạn lộ giới để xác thực diện tích đất tranh chấp, làm rõ về thành phần các đương sự tham gia tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tới đây, sẽ tiếp tục mời hòa giải và sẽ đưa ra xét xử”.
Bài, ảnh: N.R