Khán giả xếp hàng mua vé tại một rạp phim ở Hà Nội. (Ảnh TUẤN ANH)
Tín hiệu vui từ những bộ phim "trăm tỷ"
Hiện tại, các rạp chiếu phim tập trung ưu tiên chiếu các phim điện ảnh trong nước dự kiến phát hành dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và chiếu lại phim bom tấn, phim hoạt hình nổi tiếng thế giới, như: Spider-Man: No way home, Fast & Furious 9, No Time To Die, Paw Patrol: The Movie, Dune, Encanto, Sing 2… Bên cạnh đó, các đơn vị ưu tiên lịch chiếu cho một số bộ phim Việt, gồm: Bẫy ngọt ngào (đạo diễn Ðinh Hà Uyên Thư), Chìa khóa trăm tỷ (đạo diễn Võ Thanh Hòa), Chuyện ma gần nhà (đạo diễn Trần Hữu Tấn). Theo thống kê từ Box Office Việt Nam, trong ngày 10/2, Spider-Man: No way home là tựa phim nước ngoài có suất chiếu cũng như lượng vé đặt trước cao nhất và hiện phim đã đạt doanh thu hơn 110 tỷ đồng. Phim Chìa khóa trăm tỷ đã vượt mốc doanh thu 70 tỷ đồng. Phim Chuyện ma gần nhà là phim trong nước có lượng vé đặt sớm cao với hơn 90.000 vé được bán ra.
Các đơn vị phát hành phim dự đoán, ba bộ phim của điện ảnh trong nước nêu trên có thể đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng. Tín hiệu này sẽ tạo động lực cho các nhà sản xuất, kinh doanh nỗ lực hơn nữa để tạo nên sự bứt phá trong ngành điện ảnh. Dù vậy, theo nhận định của nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt, những bộ phim như Bẫy ngọt ngào, Chuyện ma gần nhà đều dán nhãn phân loại C18 (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi) cũng là một hạn chế với khán giả đại chúng. Việc vắng bóng phim điện ảnh trong nước một thời gian dài nhưng khi ra mắt lại thiếu hụt phim dành cho đối tượng khán giả dưới 18 tuổi là điều đáng tiếc. Và một bất lợi nữa mà các nhà sản xuất đang đối diện là do thời gian chờ đợi ra rạp quá lâu, nhiều đơn vị đã chọn phát hành phim trên nền tảng trực tuyến và hiện nay, bản quyền nhiều bộ phim đã bị xâm phạm, bị sao chép, phổ biến ở nhiều trang web phim lậu. Ngoài ra, một số dự án phim có dàn diễn viên chủ yếu gồm người mẫu, ca sĩ… chưa thể bảo đảm cho phim khiến khán giả phải háo hức ra rạp.
Theo ghi nhận, hiện các rạp chiếu phim tại Hà Nội vẫn thưa khán giả vào khung giờ buổi sáng và chiều các ngày giữa tuần, nhưng lượng người xem lại tập trung đông vào khung giờ tối, đặc biệt các ngày cuối tuần. Tuy nhiên, quản lý các rạp chiếu phim nhận định, trong điều kiện lý tưởng, lượng khán giả đến rạp chiếu phim có thể phục hồi ở mức tương đương quý I năm 2021. Ở giai đoạn hiện nay, các đơn vị sản xuất và phát hành phim đề cao tính chuyên nghiệp để vừa vận hành tốt, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh.
Rạp phim và khán giả tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch.
Còn không ít khó khăn trước mắt
Thiếu nhân lực, lượng khán giả phân bố không đều giữa các ngày trong tuần và các khung giờ trong ngày… đang là những khó khăn chung của hầu hết rạp phim tại Hà Nội. Thời gian đóng cửa quá lâu do dịch bệnh đã khiến nhiều đơn vị kinh doanh rạp chiếu phim điêu đứng khi vẫn phải chi trả các khoản kinh phí về mặt bằng, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị… Ðại diện các rạp phim tại Hà Nội cho biết, từ trước Tết Nhâm Dần 2022, đơn vị kinh doanh đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để chờ ngày mở cửa. Ngoài mặt bằng, thiết bị phục vụ việc chiếu phim, công tác phòng, chống dịch cũng được thực hiện chu đáo. Các đơn vị thực hiện giải pháp khuyến khích khán giả đặt vé online, tặng khẩu trang, nước xịt kháng khuẩn và phổ biến quy định phòng, chống dịch dưới nhiều hình thức. Dù đã nỗ lực, song, hầu hết các đơn vị đều gặp khó khăn về nhân sự. Trong gần một năm qua, nhiều nhân viên rạp chiếu phim đã nghỉ việc, chuyển việc dẫn tới tình trạng thiếu hụt nhân sự. Bên cạnh đó, do thời gian dài đóng cửa không vận hành nên khi rạp phim được mở cửa trở lại thì tính chuyên nghiệp, phản xạ, hiệu quả công việc của nhân viên hiện hữu cũng hao khuyết ít nhiều.
Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Marketing hệ thống rạp chiếu phim BHD cho biết, phần lớn nhân viên hiện tại ở BHD đang phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Chỉ riêng việc nhắc nhở khán giả tới rạp khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt, giữ trật tự suốt quá trình xem phim… đã tốn nhiều thời gian, công sức. Ðồng cảm với câu chuyện này, ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia nhấn mạnh, chống dịch vẫn là nội dung hết sức quan trọng trong suốt quá trình mở cửa, vận hành rạp chiếu. Trung tâm chiếu phim quốc gia tại Hà Nội chỉ sử dụng 50% công suất phòng chiếu nhằm bảo đảm giãn cách cho khán giả, giám sát và thực hiện nghiêm 5K theo chỉ đạo của Bộ Y tế từ cửa ra vào, quầy bán vé, cho tới phòng chiếu. Tuy nhiên, bên cạnh những khán giả vẫn còn tâm lý e dè, chưa sẵn sàng đi xem phim thì lại có không ít khán giả chủ quan, không tuân thủ chặt chẽ quy định phòng, chống dịch khiến đơn vị phát hành phim vất vả trong khâu giám sát, nhắc nhở. Trong rạp chiếu, người xem được bố trí chỗ ngồi giãn cách, nhưng ở hành lang và những vị trí khác, vẫn có những nhóm người tụ tập, không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách… nếu có ca nhiễm mới tại rạp thì hậu quả rất khó lường.
Bên cạnh đó, theo giới chuyên môn, một số rạp phim vẫn chưa chuẩn bị kỹ các phương án nhằm ứng phó linh hoạt các tình huống y tế khẩn cấp phát sinh. Ðây là vấn đề cần được quan tâm và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Bởi, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, sự phát triển của thị trường điện ảnh phụ thuộc rất lớn vào bối cảnh chung của xã hội.
Sau gần một năm đóng cửa vì đại dịch Covid-19, hệ thống rạp chiếu phim trên cả nước được khởi động trở lại đã tạo nên bức tranh tươi sáng cho thị trường điện ảnh. Tuy nhiên, về lâu dài, nửa cuối năm 2022 và giai đoạn tiếp theo, khán giả cần được thưởng thức các tác phẩm điện ảnh mới của thế giới và trong nước, thay vì xem phim cũ, phim đã sản xuất cách đây khá lâu mà chưa có cơ hội ra rạp. Do đó, cơ quan quản lý ngành điện ảnh cần có định hướng, chiến lược cụ thể để khuyến khích các dự án phim lớn trong nước sớm được triển khai, đồng thời phim nước ngoài nhập khẩu cũng được chọn lọc, hiệu quả hơn.
Theo MAI LỮ (Báo Nhân Dân)