Thời điểm này, các tiểu thương, nhà vườn tất bật vận chuyển các loại hoa kiểng, cây cảnh với nhiều kiểu dáng mới lạ ra thị trường. Như mọi năm, hoa mai, hoa cúc, vạn thọ, hoa lan… là những loại hoa được ưa chuộng, chiếm số lượng lớn trong những ngày Tết. Tuy nhiên, theo một số tiểu thương, giá hoa kiểng năm nay có phần giảm nhẹ so với những năm trước.
Là một trong các nhà vườn tham gia mua bán tại chợ hoa Xuân (TP. Long Xuyên), chú Sậm (tỉnh Bến Tre) cho biết: “Năm nay, tôi đem đến đây có mai vàng, hoa giấy, yến thảo, mào gà, ớt và thêm một số loại hoa kiểng khác, phục vụ nhu cầu dịp Tết. Tùy vào loại hoa, chậu lớn nhỏ, giá dao động từ 50.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng/chậu. Tết này, gia đình tôi trồng giảm 30% số lượng hoa so với năm ngoái, vì nhận thấy kinh tế khó khăn sẽ ít người mua hơn”.
Quang cảnh tại chợ hoa Xuân (TP. Long Xuyên)
Để có được những chậu hoa đẹp, khoe sắc rực rỡ, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm. Bởi, mỗi loại hoa đều có cách chăm sóc và xử lý sâu, bệnh khác nhau. Đặc biệt, là năm nhuận còn gặp thời tiết lạnh, khiến cho người trồng gặp nhiều khó khăn hơn.
Cũng như chuyện thăng trầm của người bán hoa không thể đoán trước được. “Với người Việt Nam, phong tục đi chợ mua hoa, cây cảnh trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Dù kinh tế khó khăn, sức mua bị ảnh hưởng, nhưng nhiều người đã bắt đầu mua hoa từ rất sớm để ủng hộ, chọn một vài chậu hoa nhỏ để trong nhà cho vui cửa vui nhà” - chú Sậm chia sẻ.
Những năm gần đây, chơi cây kiểng cổ thụ đã trở thành thú vui đặc trưng của một số gia đình “có điều kiện”. Các loại cây to, thế đẹp hoặc những loài hoa cao cấp có giá lên đến hàng tỷ đồng được đầu tư. Đến gian hàng cây kiểng cổ thụ của chú Nguyễn Trọng Cảnh tại chợ hoa Xuân (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), nhiều khách tham quan không khỏi xuýt xoa trước vẻ đẹp riêng, cùng giá trị hàng tỷ đồng của những gốc kiểng.
Chú Cảnh cho biết, dù đi khắp nơi để giao lưu, trao đổi, mua bán, nhưng đến Tết là chú sẽ quay về chợ hoa Xuân như một lời hẹn. Cây kiểng cổ thụ cũng có nhiều loại khác nhau, như: Mai, nhãn, vú sữa, khế, sung...
“Trong đó, tôi đang sở hữu một số loại được nuôi lâu năm, mang giá trị kinh tế cao. Mỗi cây có giá từ 1 triệu đồng cho đến vài tỷ đồng, tùy vào độ cao lớn, vóc dáng, thân, rễ... Khác với thị trường hoa thương phẩm, thị trường cây kiểng cổ thụ có sẵn lượng khách riêng của mình, được trao đổi và mua bán quanh năm” - chú Cảnh thông tin.
“Cơ duyên để tôi bắt đầu chơi kiểng là từ một lần mua lại 100 gốc mai của người anh, với giá 200.000 đồng/cây. Sau đó, đem ra chợ bán được giá cao, có lợi nhuận đáng kể. Nhờ chịu khó tìm hiểu, học hỏi thêm từ sách vở, bạn bè... mà tôi có thể tạo ra những sản phẩm đặc sắc và được nhiều người tin tưởng, ủng hộ, giúp việc mua bán thuận lợi hơn” - chú Cảnh chia sẻ.
Còn gian hàng đồ gốm của anh Nguyễn Văn Tạo (quê TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đem đến một màu sắc riêng điểm tô cho sắc xuân thêm rực rỡ, khi đến chợ hoa Xuân (TP. Long Xuyên). Thu hút khách đến tham quan với nhiều sản phẩm được làm công phu, sắc sảo.
Anh Tạo giới thiệu, gian hàng của anh có bán nhiều sản phẩm gốm được làm thủ công, dùng để trang trí và phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời sống thường ngày, như: Bình hoa, chậu kiểng lớn, nhỏ, tượng thú các loại… giá từ vài chục ngàn đồng cho đến vài chục triệu đồng/sản phẩm.
Anh Tạo cho biết, gốm thủ công mang nét đẹp riêng, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Đặc biệt, không có sản phẩm thứ 2 giống nhau. Mỗi sản phẩm làm ra gói trọn tâm tình của nghệ nhân. Mỗi tác phẩm làm ra phải trải qua nhiều công đoạn, chuẩn kích thước, tinh tế trong từng đường nét và sắc sảo trong từng hoa văn.
Mỗi nghề đều có những vất vả, khó khăn và giá trị riêng. Các sản phẩm phục vụ thị trường Tết hầu hết mọi người phải chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó, để có những sản phẩm đẹp, chậu hoa tươi thắm rạng ngời trong tiết Xuân sang cùng với hy vọng mới trong niềm vui trọn vẹn, đủ đầy.
NGUYỄN XÊ