Thôn quê nhộn nhịp
Mùa nước nổi. Trong chuyến rong ruổi về miền quê xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành), chúng tôi bắt gặp không khí thu mua ếch đồng nhộn nhịp. Giữa trưa, cái nắng hanh hao chiếu thẳng xuống vùng quê nóng rát, vậy mà người dân ở đây vẫn hăng say lao động. Quệt mồ hôi ngang trán, anh Nguyễn Văn Hiếu (55 tuổi) miệt mài bắt, lựa từng con ếch lớn, nhỏ rọng vào bao tải. Những con ếch đồng nhảy nhanh như chớp, nhưng tay anh Hiếu vẫn thoăn thoắt chụp từng con rất điệu nghệ. Vựa ếch của anh Hiếu nằm cặp bờ kênh Mặc Cần Dưng, hàng ngày có hàng chục mối lái đến mua bán ếch đồng. “Vựa tôi cân 2 - 3 tấn ếch mỗi ngày. Đang vào mùa nước nổi, bà con đi đặt lọp ếch đồng dính nhiều. Ngày nào ếch chạy mạnh, tôi thu mua tới 4 tấn” - anh Hiếu hồ hởi.
Anh Hiếu có hơn 30 năm sống bằng nghề buôn ếch đồng tại vùng quê này. Từ mờ sáng, anh cùng vợ chạy xe đến tận huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) để thu mua ếch. “Bên đó, người dân đi đặt lọp ếch trên đồng còn nhiều. Mua bán lâu năm nên quen mặt, sáng nào họ cũng chờ vợ chồng tôi đến bán ếch vừa “săn” được trong đêm. Bình quân mỗi ngày, tôi thu mua khu vực này hàng trăm ký ếch đồng. Sau đó, phân loại bán lại cho thương lái” - anh Hiếu cho hay.
Công đoạn lựa ếch đồng diễn ra nhanh chóng trong buổi trưa để kịp cân cho tiểu thương
Nguồn ếch ở đây rất đa dạng, ngoài lựa ếch sống giao cho tiểu thương, anh Hiếu còn thuê người làm sạch ếch để bán tại các chợ. “Lột da ếch mỗi ký nhận tiền công 5.000 đồng. Hàng ngày, tôi lột hơn 30kg ếch, kiếm ngót nghét 150.000 đồng” - ông Ba Tuấn (thợ làm ếch) hồ hởi. Theo anh Hiếu, ếch nhỏ loại 2 ngón tay mần sạch ướp đá giao cho bạn hàng bán lẻ ở chợ. Ếch loại lớn, anh Hiếu cân sỉ cho tiểu thương giao các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có loại nhái cơm cũng được anh mua chế biến, phơi nắng làm khô. Hiện nay, khô nhái được xem là đặc sản, mỗi ký từ 400.000 - 500.000 đồng. Vào thời điểm Tết, khô nhái được người dân mua mạnh, không đủ nguồn cung.
Nuôi con ăn học nhờ ếch đồng
Trong xóm có nhiều hộ đi thu gom ếch tại các cánh đồng lũ, bình quân mỗi ngày giao lại vựa của anh Hiếu hơn 200kg. Sau khi bỏ sở hụi, mỗi người thu nhập từ 400.000 - 500.000 đồng. Ếch xuất hiện nhiều vào các tháng mùa nước lũ kéo dài đến tháng 12 âm lịch. Thời điểm này, vựa thu mua ếch của anh Hiếu hoạt động từ sáng đến trưa, ếch nhiều thì làm đến chiều. Hầu hết những người làm ếch ở đây đều trạc tuổi 50 trở lên, hiếm thấy thanh niên. Hỏi ra mới biết, ngày trước, bà con cũng từng lên tỉnh Bình Dương làm công nhân. Chuyện mưu sinh ở xứ người gặp khó khăn nên “quay xe” trở về quê mưu sinh bằng nghề chế biến ếch. “Nhờ con ếch mà tôi và bà con có việc làm tạm ổn. Hôm nào ếch nhiều, tôi được trả công 200.000 đồng. Giờ lớn tuổi rồi, phải bám quê để kiếm sống, với số tiền thu nhập mỗi ngày cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình, mà không phải vất vả tìm việc ở xa” - bà Tám Phỉ (57 tuổi) trần tình.
Buổi trưa, như hẹn từ trước, những chiếc xe tải bắt đầu ghé vựa thu mua ếch. Khi chiếc thùng nhựa vừa đặt xuống, cánh đàn ông nhanh tay đổ từng bao ếch. Những con ếch nhảy lách chách tìm lối thoát thì người dân tiếp tục công đoạn lựa ếch để cân lên xe chuyển đi khắp nơi. Chị Hai Phượng (tiểu thương thu mua ếch) cho hay, nguồn ếch đồng ở đây dường như có quanh năm. Ngày nào cũng vậy, chị cùng tài xế lái chiếc xe tải đến đây từ trưa để cân ếch giao cho các chợ đầu mối. Ngày nay, nguồn ếch đồng được các chợ tại TP. Hồ Chí Minh “ăn hàng” rất mạnh. Hiện, ếch đồng cân sỉ, loại lớn 70.000 - 80.000 đồng/kg, ếch loại II giá 30.000 - 40.000 đồng/kg, ếch loại III là 20.000 đồng/kg. Nhờ con ếch mà giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương có thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/buổi. “Mỗi khi lũ về, ếch đồng nhiều lắm! Bây giờ, con ếch đồng trở thành đặc sản, nên có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu” - chị Hai Phượng nói với giọng sang sảng.
Cân ếch
Suốt nhiều năm qua, nhờ hành trình trên từng cây số với nghề buôn ếch đồng mà gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu nuôi các con ăn học đàng hoàng. Vừa loay hoay cân ếch giao cho tiểu thương, anh cho biết, ngày đầu mới ra “nghề” gặp khó khăn do phải cạnh tranh với các tiểu thương ngoài tỉnh. Dần dần, làm ăn có uy tín, người đi săn ếch tin tưởng, đem ếch bán cho vợ chồng anh. “Nhà ít ruộng đất sản xuất, vợ chồng tôi làm lụng vất vả với nghề mua bán ếch. Nhờ vậy, tôi nuôi 2 đứa con học đại học. Bây giờ, 2 đứa ra trường có nghề nghiệp ổn định, vợ chồng tôi mừng lắm!” - anh Hiếu bày tỏ.
Dẫu biết, nghề này lắm gian truân, nhưng ở quê có chuyện làm thì ai cũng mừng. Quanh năm, họ đã quen với cái cực, cái khổ, bám đất, bám quê, gần gũi cha mẹ già, không cầu mong lên phố đổi đời. Ở nông thôn, mỗi ngày thu nhập khoảng 500.000 đồng đối với họ đã là quá đủ rồi!
Giữa trưa, anh Hiếu ngồi tại băng ghế đá trước quán nhỏ ven đường, ăn vội chén cơm vợ nấu, rồi tâm sự với chúng tôi: “Ở quê thà cực, nhưng gần cha, mẹ và gia đình. Cuộc sống không cao sang, bù lại rất ấm áp. Nghề buôn ếch thu nhập khiêm tốn, nhưng đối với gia đình tôi như vậy là ổn định và hạnh phúc lắm!”.
Cái nắng qua đầu người cũng là lúc những người đi buôn ếch đồng tạm nghỉ sau một buổi mua bán sôi động. Chia tay họ, chúng tôi thầm thương những con người chất phác chân quê, biết chí thú làm ăn, chăm lo cho gia đình...
LƯU MỸ