Nhớ thời cá chạy rần rần
Hơn 40 năm trong nghề xúc cá linh trên sông, chú Tư Nghĩa (Trần Văn Nghĩa 67 tuổi, ngụ thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) còn nhớ như in về cái thời cá bơi rần rần trên sông. Bà con thi nhau khai thác cá linh bằng ngư cụ truyền thống. Khi nước trên đồng lũ cạn dần là lúc cá đồng “chạy” từng bầy về sông sâu trú ẩn. Nắm bắt được quy luật tự nhiên, nhiều gia đình tất bật đan vợt ra sông xúc cá.
“Những năm lũ lớn, khi gió bấc sòng ngọn, ai cũng lạnh cóng tay, cóng chân. Ấy vậy, trai tráng trong xóm vẫn chạy ghe trên sông xúc cá. Có những nơi nước chảy mạnh, cá linh gom thành từng đàn chạy rộ văng nước, trông rất mê. Con cá linh bán rất rẻ, chủ yếu ủ nước mắm hoặc cân cho các cơ sở cắt đầu làm mắm” - Tư Nghĩa bồi hồi nhớ lại.
Nghề khai thác cá bằng vợt được lưu truyền từ cha ông thời khẩn hoang. Đến nay, ngư dân đầu nguồn vẫn gìn giữ nét đẹp chân quê cho tới bây giờ. Để xúc được nhiều cá trên sông, Tư Nghĩa đầu tư chiếc ghe đục loại 4 tấn, rồi đan chiếc vợt to gần bằng cái nhà sàn. Loại vợt này nặng hơn 100kg, phải đặt trước mũi ghe xúc cá, chứ không cầm tay như chiếc vợt bình thường. Trên ghe Tư Nghĩa, 2 chiếc cán vợt trông như cặp càng giương cao. Khi chiếc ghe đục nổ máy chạy lừ đừ ngược dòng, ông thọt sâu chiếc vợt xuống nước để rà cá linh.
Ngư dân xúc cá linh bằng vợt trên sông
Chiếc vợt quá nặng, để bắt được cá cần đến 2 người hỗ trợ trên ghe. Từ lâu, tại ngã ba sông Châu Đốc, nơi giao nhau giữa 2 nhánh sông Hậu và sông Châu Đốc, tạo thành khu vực nước xoáy cuồn cuộn, cá linh trú ẩn rất nhiều. “Bắt đầu mùng 4/9 (âm lịch), nguồn cá từ đồng bơi ra sông lai rai, vợ chồng tôi chạy ghe trên sông xúc cá. Mặc dù năm nay cá ít, nhưng mỗi ngày vợ chồng tôi thu hoạch từ 50 - 100kg cá linh “rặt”. Thời điểm này, bạn hàng thu mua 12.000 đồng/kg, bán lẻ tại chợ hoặc làm mắm” - Tư Nghĩa bộc bạch.
Thêm thu nhập lúc nông nhàn
Lũ rút, dòng sông Hậu chảy chầm chậm về nơi hạ nguồn. Mỗi khi ngang qua phà Châu Giang trông về ngã ba sông, lữ khách sẽ bắt gặp hình ảnh xúc cá bằng vợt độc lạ này. Trong chuyến rong ruổi xúc cá trên sông, ngư dân luôn mang theo cơm, nước.
Thời điểm con nước “cá ra” (bắt đầu từ 10/10 âm lịch), phải chạy ghe xuôi, ngược dòng sông để tranh thủ khai thác, bởi càng nắng gắt, cá linh lội ở tầng nước mặt càng nhiều. Đêm xuống, cá linh sẽ ở tầng đáy sông, ngư dân khai thác bằng vợt sẽ không hiệu quả. Do đó, họ làm không nghỉ tay, khai thác cá từ mờ sáng đến khi nắng qua đầu người. Nguồn cá linh được rọng đục nên rất tươi ngon. Những tiểu thương chạy ghe đến thu gom về bán cho các chủ vựa làm mắm.
Tám Khải (68 tuổi), một trong những ngư dân xúc cá linh bằng vợt lâu đời nhất trên dòng sông Hậu cho hay, vào buổi sáng sớm, từ khu vực ngã ba sông Châu Đốc xuôi dòng tới đoạn Khánh Hòa (huyện Châu Phú) - Phú Hiệp (huyện Phú Tân), khoảng 15 ghe đục xúc cá bằng vợt. Hoạt động này bắt đầu vào thời điểm gió bấc về đến gần Tết. Hết mùa cá ra, ngư dân tạm gác lại chuyện khai thác thủy sản trên sông.
“Chiếc ghe này được tôi gắn máy chạy êm lắm. Nhờ có máy móc thay sức người nên vợ chồng tôi xúc cá được nhiều hơn trước. Năm nào lũ lớn, mỗi ngày xúc cả tấn cá, còn năm nay lũ nhỏ, vợ chồng tôi thu hoạch mỗi ngày hơn 100kg cá linh, bán với giá 12.000 đồng/kg, bỏ sở hụi kiếm ngót nghét 600.000 - 700.000 đồng/ngày. Nhờ vậy, gia đình tôi có tiền sắm sửa áo quần cho sấp nhỏ trong dịp Tết Nguyên đán” - Tám Khải cười khục khặc.
Năm nào cũng vậy, vào thời điểm này, những chuyến ghe thương hồ xúm xít về khu vực ngã ba sông Châu Đốc thu mua cá linh rọng sống phân phối tại các chợ đầu mối Long Xuyên, Cần Thơ. Trong chuyến đi xa, thương hồ luôn mong chờ ngư dân xúc cá được nhiều để có nguồn cá tiêu thụ tại các chợ lớn. Giữa họ và ngư dân gặp nhau mua bán cá riết quen mặt. Nhiều khi, tiểu thương còn cho ngư dân ứng tiền trước đầu tư ngư cụ. Đến mùa thu hoạch cá linh, thương lái đến cân cá trừ nợ.
Chị Nguyễn Thị Bé (một thương hồ chuyên thu mua cá bằng ghe đục) cho hay, ngày trước mỗi chuyến đi ghe, chị cân từ 10 - 15 tấn cá linh, cá mè vinh đủ loại. Cá nhiều đến nổi phải thuê ghe chở liên tục lên tận TP. Hồ Chí Minh bán cho các chợ đầu mối. Còn nay, thời điểm cá ra, chị thu gom cao nhất 2 tấn cá linh/ngày.
“Ngoài ngã ba sông Châu Đốc, khu vực sông Tiền cũng có loại hình khai thác cá linh bằng vợt. Ngư dân hoạt động khoảng 2 tháng trong mùa nước giựt, rồi lên bờ làm ruộng. Đợi mùa lũ năm sau, họ tiếp tục mang vợt ra sông khai thác cá” - chị Bé cho hay.
Cùng một loại hình xúc cá bằng vợt trên sông, nhưng ngư dân đánh bắt cá tại khu vực sông Tiền (Tân Châu - Hồng Ngự) lại đặt tên ngư cụ này khá ngộ nghĩnh là “đẩy dồn”. Ông Trần Văn Nhơn (77 tuổi) giải thích: “Ngư dân thọt sâu chiếc vợt "khủng" xuống nước, rồi chạy chiếc ghe xuôi về dòng sông. Đến đoạn sông thuận lợi, họ dồn chiếc vợt về một nơi có nước xoáy hoặc dồn vào cặp bờ sông, rồi kéo túi lưới lên, mỗi lần như vậy thu hoạch từ 3 - 5kg cá linh”. |
HOÀNG MỸ