Kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam cũng là thời điểm loại hình nghệ thuật này ở nước ta đang rơi vào khủng hoảng, có nguy cơ “đánh mất” khán giả. Các điểm diễn sân khấu bị đứt mạch kịch trường hằng đêm. Thêm nữa là sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 khiến cầu nối giữa sân khấu và khán giả vốn đã lung lay càng có nguy cơ đứt gãy. Mổ xẻ nguyên nhân của thực trạng nêu trên, tại hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, giải pháp và định hướng phát triển” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh lý do khách quan đến từ sự cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí hiện đại, nguyên nhân chủ yếu là sự chậm đổi mới, thích ứng của bản thân kịch nói.
Cảnh trong vở “Chén thuốc độc” mở đầu Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam.
PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định: Nếu xét kịch là thể loại chủ chốt với cách sáng tạo vở diễn theo nguyên lý tả thực, tổ chức đối thoại (nên gọi là kịch nói), khác hẳn hình thái ước lệ, tả thần của chèo, tuồng (gọi là kịch hát) thì việc mất trắng khán giả là do bản thân kịch đã đánh mất chính bản chất thể loại của mình - đó là sự đối thoại với đương thời.
Cố Giáo sư, Tiến sĩ - NSND Đình Quang ở một hội thảo trước đây, từng nhấn mạnh sự mất mát đặc hiệu này của thể loại kịch là mất đối thoại với khán giả, dẫn đến công chúng không còn muốn đến nhà hát để được đối thoại với vở diễn về những vấn đề thế sự đang nảy sinh trong xã hội hiện đại. Kiểu viết kịch đổi mới, chứa đựng những vấn đề đặt ra từ đời sống, với tổ chức đối thoại khốc liệt, sắc sảo không chiếm tỷ lệ áp đảo nên không đủ cứu vãn tình trạng chung của sân khấu Việt Nam đầu thế kỷ 21 là khủng hoảng kịch bản hay… Thiếu kịch bản hấp dẫn nên thiếu tác phẩm đặc sắc, không thu hút khán giả, không tạo được nguồn thu, đời sống nghệ sĩ sân khấu bấp bênh kéo theo khâu tuyển sinh đầu vào khó khăn, nguồn nhân lực sân khấu cạn kiệt. Những khó khăn liên hoàn khiến diện mạo sân khấu kịch chưa biết lúc nào mới thoát khỏi gam màu xám.
Giờ đây, khi khán giả có quá nhiều sự lựa chọn thì việc tìm đến rạp hát không đơn thuần chỉ để xem những gì diễn ra trên sân khấu mà là để thưởng thức nghệ thuật. Điều này đòi hỏi sân khấu kịch càng phải hoàn thiện mình nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Theo NSƯT Đỗ Kỷ: Để có được những vở diễn chất lượng đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người xem, phải nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp ở tất cả các khâu, thành phần sáng tạo. Cần có lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho từng thành tố tạo nên tác phẩm. Trước mắt, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nên phối hợp các ban, ngành mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn kết hợp đưa các tác giả đi thực tế ở một số địa phương, ngành nghề có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, sau đó trên cơ sở bản thu hoạch là những đề cương kịch bản sân khấu mới tổ chức trại sáng tác. Trong trại nên có thêm các buổi tọa đàm, việc tổ chức trại cần chú trọng vào chất lượng hơn số lượng, sao cho khi kết thúc sẽ có được những kịch bản tốt nhất.
Cảnh trong vở diễn "Làm Vua" của Sân khấu Lệ Ngọc. Ảnh: TRẦN HẢI
Nhiều năm trở lại đây, đội ngũ đạo diễn, họa sĩ phần lớn là tự học, hoặc học trong nước. Nhiều đạo diễn xuất thân từ diễn viên, vì đam mê sân khấu mà tự bỏ tiền túi đi học. Ai không có điều kiện thì theo học trong nước, ai có điều kiện thì ra nước ngoài du học, việc làm này cũng cần khuyến khích nhưng dẫn đến tình trạng phân bổ lực lượng đạo diễn không đồng đều ở các địa phương, đơn vị. Nên chăng, trong công tác đào tạo mới và nâng cao chuyên môn cho đạo diễn, cần có sự điều tiết của các nhà chuyên môn. Đã đến lúc nên đưa các học viên ra nước ngoài học tập, nếu không thì đi tập huấn ở những nước có nền kịch nói phát triển trong thời gian ba tháng, sáu tháng hoặc một năm. Việc tham quan, học tập ngoài nước sẽ giúp chúng ta tiếp cận những cái mới, hay của các nước.
NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, cùng với công tác nâng cao chất lượng nguồn “cung”, việc mở rộng nguồn “cầu” cho sân khấu kịch là hết sức quan trọng. Căn nguyên khiến khán giả trẻ quay lưng với sân khấu là do họ thiếu hứng thú, hiểu biết, trong khi nghệ thuật truyền thống cần được giáo dục ngay từ khi còn nhỏ. Vì thế, để tìm kiếm, đào tạo thế hệ khán giả tiềm năng cho sân khấu kịch, cần đưa nghệ thuật kịch nói vào chương trình giáo dục chính khóa tại các trường học. “Việc lấy những hình tượng nhân vật, giai đoạn lịch sử của đất nước trong văn học - lịch sử chính khóa để dàn dựng nghệ thuật sân khấu kịch nói là phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả, mang đến lợi ích cho cả hai ngành giáo dục - nghệ thuật”, NSND Trung Hiếu nhấn mạnh.
Chung quan điểm, đạo diễn Lê Quý Dương khẳng định: Điểm đặc biệt cần ưu tiên lúc này là ứng dụng sâu rộng nghệ thuật sân khấu vào học đường, như một hệ phương pháp giáo dục công dân, nâng cao trình độ thưởng thức sân khấu và đầu tư bền vững cho những thế hệ khán giả tương lai. Bên cạnh đó, cần kích thích và tạo điều kiện tốt nhất cho các nghệ sĩ sân khấu, tác giả trẻ có cơ hội thử nghiệm, ứng dụng những sáng tạo mới. Khuyến khích và ưu tiên sân khấu xã hội hóa, khâu quảng bá, truyền thông và công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình sân khấu, nhằm tạo nên một đời sống sân khấu sôi động, phong phú, đa dạng và có tính chuyên nghiệp cao, từng bước đưa chất lượng và giá trị của các tác phẩm sân khấu kịch Việt Nam lên tầm vóc mới trên bản đồ sân khấu quốc tế...