Sân khấu lịch sử nhắc nhở chuyện hôm nay

08/11/2021 - 08:02

Trị giặc nội xâm, tạo nên thế nước vững bền, câu chuyện của hơn tám trăm năm trước vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay đã được các nghệ sĩ thể hiện qua vở Thiên mệnh vừa được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng.

Vở diễn tái hiện một thời hào khí Đông A, khắc họa đậm nét hình tượng Thái sư Trần Thủ Độ, người góp phần quan trọng mở ra triều đại ghi dấu những chiến công oanh liệt trong lịch sử dân tộc. Không sa đà luận giải về cuộc đời và sự nghiệp của ông, vở Thiên mệnh (tác giả Hoàng Thanh Du, đạo diễn, NSƯT Đỗ Kỷ) như một lát cắt nhỏ trong cuộc đấu tranh nội bộ triều chính, nhưng cho thấy phần nào tư tưởng trị quốc của vị Thái sư Thượng phụ và cũng là tư tưởng xuyên suốt của triều Trần sau này: Đề cao kỷ cương, phép nước, trọng dụng người tài đức và biết đoàn kết, phát huy sức mạnh dân tộc. Ở thời điểm nhà Lý suy tàn, thế nước chông chênh, loạn lạc, sự thay thế của nhà Trần với vai trò của Trần Thủ Độ là vấn đề tất yếu của lịch sử, như một “Thiên mệnh” được trao. Bằng tài năng và tư duy chính trị kiệt suất, ông đã tạo nền tảng vững vàng cho triều đại nhà Trần cũng là cơ sở để vực dậy thế nước, đoàn kết nhân tâm, đủ sức đứng vững trước cơn bão xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông đang cận kề bờ cõi.

Cảnh trong vở Thiên mệnh của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: MINH KHÁNH

Những việc làm của Trần Thủ Độ còn nhiều tranh cãi, đánh giá khác nhau, thậm chí là chê trách vì sự quyết liệt, nhưng vở Thiên mệnh lại nhìn nhận ông dưới góc độ của một nhà trị quốc lấy giang sơn làm trọng, “thượng tôn pháp luật” và đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Quyền cao, chức trọng “dưới một người mà trên muôn người”, nhưng ông không hề lạm dụng và thực hiện nghiêm ngặt kỷ cương, phép nước, không nương nhẹ với bất kỳ ai, dù đó là người thân hay các đại thần uy danh trong triều. Khi Vua Trần Thái Tông muốn phong anh trai của Trần Thủ Độ là Trần An Quốc làm Tể tướng, ông đã can Nhà vua bởi không muốn tình riêng xen vào việc công, dễ dẫn đến tình trạng lộng quyền, kéo bè cánh gia đình. Không chỉ nghiêm trị những kẻ dưới lợi dụng quyền trên để lộng hành như thuộc hạ của Trần An Quốc mà ngay cả khi vị tướng này vì bất mãn mà cấu kết với Trần An Hạ, một người anh khác của Trần Thủ Độ để dấy quân làm phản, ông cũng quyết không nương tay. Người xem sẽ còn nhớ mãi cảnh diễn đầy cảm xúc khi vị Thái sư Thượng phụ đầu triều khảng khái trước bệ rồng: “Sẽ không có vùng cấm cho bất cứ kẻ nào dám giẫm đạp lên kỷ cương phép nước. Đó cũng chính là con đường của muôn dân Đại Việt, hun đúc nên hào khí mãi ngàn năm”. Trị giặc nội xâm cũng là để tạo thế nước vững bền, đó là điều ông thường nhắc nhở quan lại trong triều và nhấn mạnh sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân: “Đại dương mênh mông khó có thể nhấn chìm con tàu lớn nếu con tàu đó không tự mình làm rò rỉ để nước tràn vào”.

Vào vai diễn Thái sư Trần Thủ Độ trong vở Thiên mệnh, NSƯT Tạ Tuấn Minh đã thể hiện nổi bật chiều sâu tính cách của nhân vật, những mâu thuẫn giằng xé nội tâm khi đứng trước các lựa chọn ngang trái, nhưng trên hết là sự khoan dung, nhân từ ẩn chứa bên trong một tấm lòng luôn vì nước, vì dân. Trần Thủ Độ đã biết gạt qua những khúc mắc mâu thuẫn trong dòng tộc để nuôi dưỡng, dạy dỗ Trần Quốc Tuấn (con trai của Trần Liễu từng dấy quân chống triều đình), bởi ông hiểu giang sơn, xã tắc và triều Trần cần người đủ tài đức để nối nghiệp. Và cũng chỉ có Trần Quốc Tuấn mới hiểu rõ những tư tưởng lớn của Trần Thủ Độ, không những thế còn phát huy ở mức cao hơn bằng tài năng của mình để làm nên những chiến thắng lẫy lừng trước quân Mông Nguyên sau này. Đó là bài học về cách dùng người, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài của người xưa mà vở diễn muốn nêu.

Dựng vở Thiên mệnh để tham gia Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2021, đạo diễn, NSƯT Đỗ Kỷ cho rằng anh không quá chú tâm đưa vào các yếu tố thử nghiệm. Tuy nhiên, nhiều yếu tố mới cùng kỹ thuật điện tử, ánh sáng đã được đưa vào vở diễn kết hợp nghệ thuật múa và âm nhạc, tạo hiệu ứng mạnh mẽ, góp phần thể hiện được tâm trạng nhân vật cũng như không gian rộng mở hơn của sân khấu. Ấn tượng đối với người xem là trường đoạn thủy chiến, đánh đàn, lồng ghép video và các động tác múa của diễn viên, tạo ra khung cảnh binh đao, lửa cháy hay cảnh sông nước mộng mơ đêm trăng nơi bến đò sông Luộc để trở về một thuở sông nước tuổi trẻ của hai vợ chồng Thái sư Trần Thủ Độ. Bên cạnh trang phục được đầu tư công phu, thiết kế sân khấu tuy đơn giản, nhưng đã làm nổi bật sự uy nghi của các buổi triều chính, dinh phủ. Trong một số cảnh diễn ở thái ấp của An Quốc, nơi dấy binh làm loạn, còn xuất hiện những chiếc cối đá nặng nề xếp chồng, xếp lớp tạo nên bối cảnh không gian đè nén, nặng nề, quẩn quanh trong những toan tính nhỏ mọn, hẹp hòi để rồi phải trả giá.

Là một vở diễn đề tài lịch sử, nhưng Thiên mệnh không khô khan bài học cho hậu thế mà sinh động với nhiều tuyến nhân vật đan xen, các mảng miếng hấp dẫn, thu hút người xem. Sau khi ra mắt trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội vừa qua, vở diễn sẽ có buổi biểu diễn tại Rạp Tháng Tám (TP Hải Phòng) ngày 9-11 trong khuôn khổ Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021.

Theo TIẾN CƯỜNG (Báo Nhân Dân)