Ở loại hình cải lương, tiêu biểu phải nói đến vở Bão ngầm của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Vở diễn được NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Trung tá, nhà văn Ðào Trung Hiếu, nhà văn Chu Lai chuyển thể kịch bản và soạn giả Ngọc Chi chuyển thể cải lương. Ðây là tác phẩm từng giành Huy chương bạc tại Liên hoan sân khấu hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân năm 2020. Vở diễn xoay quanh câu chuyện về tổ công tác đặc biệt được giao nhiệm vụ theo dõi, điều tra một đường dây buôn bán ma túy lớn. Họ liên tục phải đối mặt hiểm nguy và cám dỗ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Với đặc thù sân khấu cải lương, đề tài thời sự mang tính gai góc nêu trên là điều không đơn giản. Song với cách khai thác khéo léo thông qua nhiều lát cắt diễn tả những cơn bão ngầm trong đời sống nội tâm, những giằng xé, diễn biến tâm lý rất đời, rất người của nhân vật, ê-kíp sáng tạo đã khiến vở diễn đi vào lòng người một cách đầy thuyết phục. Từ đây, vở diễn làm sáng bừng hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân.
Nhà hát Chèo Việt Nam mang đến vở Giai điệu Tổ quốc, do NSND Thanh Ngoan chỉ đạo nghệ thuật, NSƯT Lê Thanh Tùng đạo diễn dựa trên kịch bản văn học của tác giả Vương Huyền Cơ, chuyển thể chèo bởi tác giả Lê Thế Song. Vở diễn chuyển tải những thông điệp nhân văn sâu sắc khi khắc họa sinh động cuộc sống của những người dân lao động bình dị dù mưu sinh vất vả, chịu nhiều thiệt thòi vẫn luôn cố gắng chung tay xây dựng quê hương… Trong khi đó, bằng ngôn ngữ tuồng, Nhà hát Tuồng Việt Nam mang đến vở Tam Khúc chúa. được chuyển thể từ tiểu thuyết Khúc gia trang dậy sóng trời nam của TS Khúc Minh Tuấn, do NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng, kể về thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ và con cháu tại mảnh đất Hồng Châu xưa. Không chỉ thu hút khi lan tỏa thành công tinh thần, hào khí Khúc gia trang, vở diễn còn đặc biệt ghi dấu ấn trong phong cách dàn dựng. Bên cạnh những đặc trưng của tuồng truyền thống về âm nhạc, vũ đạo, động tác, vở diễn đã khéo léo lồng gắn những yếu tố của nghệ thuật đương đại để công chúng trẻ không thấy xa lạ khi tiếp cận một vở tuồng lịch sử.
Cảnh trong vở Trăng đất Việt của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Ảnh: HÀ AN
Sân khấu kịch nói chào mừng Ðại hội bằng vở diễn Ðêm trắng của Nhà hát Kịch Việt Nam, do NSƯT Xuân Bắc đạo diễn từ kịch bản của tác giả Lưu Quang Hà. Khai thác câu chuyện có thật đã diễn ra cách đây hơn 70 năm nhưng vẫn vẹn nguyên tính thời sự khi đề cập vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng cán bộ, đảng viên, vở diễn mang đến nhiều cảm xúc đẹp cho người xem với việc khắc họa đậm nét hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ bình dị, gần gũi, giàu lòng bao dung và nhân văn nhưng cũng luôn quyết liệt trong đấu tranh chống cái xấu, cái tiêu cực…
Trong khi đó, Nhà hát Múa rối Việt Nam mang đến vở rối thử nghiệm Trăng đất Việt Nguyễn Tiến Dũng; tạo hình con rối: NSƯT Thế Khiển; thiết kế mỹ thuật: họa sĩ Ngô Thắng). Vở diễn không đi theo một cốt truyện nào mà sử dụng ánh trăng như người dẫn chuyện để đưa người xem đến nhiều vùng miền của đất nước. Hành trình này đã trở thành cái cớ để ê-kíp sáng tạo phô ra những nét đẹp văn hóa độc đáo của nhiều vùng miền Việt Nam thông qua sự kết hợp trình diễn giữa rối cạn, rối nước với trình diễn múa, âm nhạc dân tộc…
Hòa chung không khí rộn ràng của sân khấu, Liên đoàn Xiếc Việt Nam mừng Ðảng, mừng xuân bằng chương trình Tự hào Việt Nam. Chương trình do NSND Tống Toàn Thắng lên kịch bản và đạo diễn với sự chỉ đạo nghệ thuật của NSND Tạ Duy Ánh. Những tiết mục được dàn dựng công phu gồm: Sen rồng, Hào khí Việt, Ngày hội vùng cao, Việt Nam ơi…
Có thể thấy, sự góp mặt của những tác phẩm sân khấu được đầu tư, chăm chút quy mô này không chỉ làm sôi động hơn không khí mừng Ðảng, mừng xuân, mà còn cho thấy văn hóa nghệ thuật luôn song hành và ghi dấu ấn cùng những sự kiện đặc biệt quan trọng của đất nước.
Theo ÐẮC LINH (Báo Nhân Dân)