Thiếu nguồn nhân lực sáng tác
Một tiết mục đến từ các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh (tư liệu): Thu Hương/TTXVN
Thời gian qua, các vở diễn phục vụ công chúng như “Sóng gió Đại Minh triều”, “Mão Đoan Tinh giáng thế”, “Bao Công tra án Quách Hòe”, “Mộc Quế Anh dâng cây”,… đều là những vở tuồng tích ngoại, sử dụng kịch bản nước ngoài. Điều này cũng khiến giới chuyên môn không khỏi lo lắng và cho rằng, những tác phẩm khai thác đề tài sử Việt đang dần bị quên lãng.
Theo nhiều nghệ sỹ, đề tài lịch sử, chính sử hay dã sử đều có cách khai thác chất liệu, kịch tính, số phận nhân vật, những nút thắt mở để hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Lý do cải lương sử Việt ngày càng khan hiếm do thiếu kịch bản hay và thiếu kinh phí đầu tư.
Nghệ sỹ Ưu tú Vân Hà, Quản lý Sân khấu Chí Linh - Vân Hà cho rằng, việc dựng một tuồng cải lương lịch sử luôn đòi hỏi sự đầu tư lớn từ kinh tế, nhân lực, quy mô, công tác quảng bá tiếp cận khán giả… Thực tế, sàn diễn cải lương thành phố từng rộn ràng với các vở cải lương sử Việt như “Tiếng trống Mê Linh”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Câu thơ yên ngựa”, “Tô Hiến Thành xử án”, “Bức ngôn đồ Đại Việt”… Nhưng với các kịch bản cũ này, không phải kịch bản nào các sân khấu cũng có thể đủ nội lực để có thể đầu tư dàn dựng, tái dựng với phiên bản mới nên rất khó có những thay đổi hợp thời.
Trên thực tế, Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh đã từng có nhiều tác phẩm gây ấn tượng đặc biệt đối với khán giả như “Ngàn năm tình sử” (Sân khấu Kịch IDECAF), “Nỏ thần” (Sân khấu Kịch Hồng Vân), “Tả quân Lê Văn Duyệt” (Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh)…
Về vấn đề này, theo soạn giả Hoàng Song Việt, với sân khấu cải lương nói chung, tuồng cổ nói riêng, đề tài lịch sử luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, dựng kịch lịch sử cũng hết sức khó khăn, nếu làm không khéo cũng dễ sa vào việc minh họa lịch sử. Nếu lực lượng vừa kể trên được bồi dưỡng, tập huấn, họ sẽ đóng góp tích cực cho sàn diễn cải lương tuồng cổ nhiều kịch bản sử Việt hấp dẫn, giúp giải quyết tình trạng khan hiếm kịch bản cải lương tuồng cổ về đề tài lịch sử.
“Kho tàng lịch sử Việt Nam có rất nhiều câu chuyện, chân dung nhân vật nổi tiếng, do đó, cần có lớp tập huấn hay trại sáng tác giúp các tác giả biết cách khai thác chất liệu để có nguồn kịch bản hay. Với đề tài lịch sử, đòi hỏi nghệ sỹ phải am hiểu, nếu hư cấu quá sai lệch thì khán giả sẽ khó chấp nhận”, soạn giả Hoàng Song Việt nêu.
Lan tỏa mạnh mẽ các thông điệp lịch sử
Để cải lương sử Việt được đầu tư dàn dựng chất lượng, hấp dẫn và “sáng đèn” thường xuyên, theo nhiều nghệ sỹ, Nhà nước cần đầu tư cho các đơn vị nghệ thuật có đủ khả năng dàn dựng các tác phẩm, vở diễn; quảng bá và lan tỏa các tác phẩm sân khấu cải lương lịch sử, vở tuồng kinh điển đến với công chúng…Từ đó góp phần gìn giữ, phát huy giá trị nội dung, tinh thần và tính nghệ thuật của các vở diễn, khơi gợi tinh thần yêu nước, tri ân các anh hùng lịch sử dân tộc.
Nghệ sỹ Ưu tú Ca Lê Hồng, người gắn bó hơn 60 năm với sân khấu truyền thống trong nhiều vai trò và góc nhìn nghệ thuật, cho rằng, sân khấu cải lương là đặc sản của đời sống văn hóa tại TP Hồ Chí Minh, khi được chăm sóc tốt sẽ giúp công chúng thêm hiểu, thêm yêu mến lịch sử nước nhà qua các vở diễn. Vì vậy, Thành phố cần có nhiều hình thức hỗ trợ đầu ra cho các vở diễn về sử Việt như hỗ trợ đầu tư vốn dựng vở mới và giá vé cho các suất diễn ở vùng nông thôn nhằm lan tỏa mạnh mẽ hơn những thông điệp lịch sử đến với công chúng.
Theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng, điều công chúng quan tâm ở vở diễn là cái nhìn về lịch sử trong lăng kính đương đại. Do đó, các quản lý sân khấu cần năng động, chủ động với nhiều giải pháp như tìm mối quan hệ với các doanh nghiệp, mở rộng trình diễn ở các lực lượng quân đội, trường học,... nhằm duy trì sức sống cho các vở lịch sử. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cần có chiến lược bồi dưỡng lực lượng sáng tác, đạo diễn trẻ và hỗ trợ đưa tác phẩm cải lương thuần Việt đến với công chúng..
Là người từng cải biên vở cải lương lịch sử “Rạng ngọc Côn Sơn” - câu chuyện nói về anh hùng Nguyễn Trãi, Nghệ sỹ Ưu tú Kim Tử Long cho biết, để làm một vở cải lương lịch sử thì mức đầu tư khá lớn, giá vé cao khó thu hút khán giả. Do vậy, Thành phố cần có chiến lược đầu tư, hỗ trợ giảm giá thuê rạp, giá vé, hỗ trợ sáng tác kịch bản sử Việt.
Ở góc độ chuyên môn, Nghệ sỹ Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh chia sẻ, Hội sẽ sớm tổ chức các tọa đàm liên quan đến cải lương tuồng cổ, nội lực và những giải pháp chắp cánh cho kịch bản cải lương sử Việt đến với công chúng. Đây là dịp để các nghệ sỹ, tác giả, đạo diễn trao đổi thẳng thắn, tìm ra những rào cản khiến khan hiếm kịch bản sử Việt và cùng chung tay tạo ra nhiều tác phẩm sử Việt sáng đèn trên sân khấu để góp phần nâng cao tinh thần yêu nước trong giới trẻ.
Bên cạnh đó, tháng 2/2023, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cũng vừa xuất bản cuốn sách “Sân khấu cải lương giai đoạn 1955 -1975” nhằm đúc kết hành trình kiến tạo những bài học quý, khuynh hướng sáng tác kịch bản của các thế hệ nghệ sỹ, trong đó có phân tích kịch bản sử Việt, nhằm góp phần hệ thống những bài học kinh nghiệm trong công tác sáng tác, dàn dựng.
Theo THU HƯƠNG (Báo Tin Tức)