Lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức các bậc tiền nhân, phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"
Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XXII với chủ đề “Thoại Sơn - Vùng đất huyền thoại”, là lễ hội lớn nhất trong năm của huyện Thoại Sơn. Lễ hội gắn với kỷ niệm 205 năm danh thần Thoại Ngọc Hầu đào kênh Thoại Hà. Đây cũng là thời điểm diễn ra Lễ hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu (Lễ cầu an). Đặc biệt, lễ hội diễn ra cùng ngày Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch), dự báo lượng khách tham quan và người dân kính viếng vị danh thần có công khai hoang mở cõi rất đông. Công tác chuẩn bị lễ hội chu đáo, an toàn, với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí ý nghĩa, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài huyện.
Lễ hội còn là dịp đẩy mạnh quảng bá những tiềm năng của địa phương về các hoạt động du lịch và xúc tiến các hoạt động đầu tư trên địa bàn huyện. Với chủ đề “Thoại Sơn - Vùng đất huyền thoại”, ngoài phần lễ được diễn ra trang nghiêm, phần hội được sân khấu hóa công phu với nhiều tiết mục đặc sắc.
UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, thành lập ban tổ chức và các tiểu ban phục vụ lễ hội. Theo đó, Ban Tuyên giáo Huyện ủy thẩm định các nội dung tuyên truyền lễ hội. Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thanh liên hệ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thuê đơn vị tư vấn xây dựng kịch bản lễ hội và đơn vị tổ chức sự kiện xây dựng kế hoạch tổ chức.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Nguyễn Thị Kim Chi, các hoạt động phục vụ lễ hội được quan tâm tổ chức chu đáo, như: Khánh thành nhà truyền thống huyện Thoại Sơn; Hội chợ thương mại tổng hợp dự kiến tổ chức từ ngày 24/4 đến 2/5 tại quảng trường Thoại Ngọc Hầu, quy mô 100 - 120 gian hàng.
Cùng với đó, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao, du lịch trước, trong và sau lễ hội được các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, các xã, thị trấn có Tỉnh lộ 943 đi qua phối hợp Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thanh thực hiện lắp đặt pa-nô di động, treo băng-rôn, áp-phích, cờ phướn, cờ nước trong suốt thời gian trước, trong và sau lễ hội.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thoại Sơn Huỳnh Công Trường thông tin: “UBND huyện Thoại Sơn đã ra quyết định thành lập các tiểu ban phục vụ Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XXII, gồm: Tiểu ban tuyên truyền, Tiểu ban an ninh trật tự, Tiểu ban khánh tiết, Tiểu ban lễ tân và hậu cần. Công tác tuyên truyền lễ hội nhấn mạnh công lao các bậc tiền nhân, khẳng định giá trị tiêu biểu của lễ hội; phát huy tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của người dân Thoại Sơn.
Bên cạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; các chi, đảng bộ cơ sở còn khuyến khích cán bộ, đảng viên chia sẻ, đăng tải các tin, bài về lễ hội lên mạng xã hội. Địa phương còn lồng ghép hội nghị báo cáo viên, sinh hoạt chính trị để thông tin, tuyên truyền về lễ hội, kết hợp với thông tin đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Việc tuyên truyền bằng hình thức cổ động, trực quan tại nơi công cộng, trụ sở làm việc các cơ quan, đơn vị cũng được quan tâm đẩy mạnh”.
Không chỉ là hoạt động văn hóa nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của danh thần Thoại Ngọc Hầu; lễ hội còn là dịp để thế hệ con cháu tri ân, tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc. Việc phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể để đảm bảo lễ hội được diễn ra thành công tốt đẹp, an toàn, tiết kiệm được UBND huyện đặc biệt quan tâm.
Cụ thể, Phòng Văn hóa - Thông tin là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm đầu mối liên hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong suốt quá trình tổ chức lễ hội. Phòng Kinh tế - Hạ tầng tham mưu công tác chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; phối hợp Xí nghiệp Môi trường đô thị làm công tác tổng vệ sinh môi trường khu vực trung tâm huyện và các khu vực diễn ra hoạt động của lễ hội. Trung tâm Y tế huyện tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19...
Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn mang đậm dấu ấn truyền thống của lễ hội đình làng Nam Bộ, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Lễ hội mang nhiều giá trị và tiềm năng phục vụ phát triển du lịch ở địa phương. |
PHƯƠNG LAN