Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong thời COVID

22/02/2021 - 06:11

 - Dịch bệnh COVID-19 kéo dài hơn 1 năm và đến nay vẫn còn diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều khó khăn cho các làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ, bởi sản phẩm làm ra xuất khẩu bị hạn chế. Trước thực tế này, các chủ cơ sở vẫn phải duy trì sản xuất để nuôi sống người lao động, đồng thời tiếp tục khai mở thị trường nội địa để tiêu thụ sản phẩm. Cơ sở dệt chiếu Uzu Tân Châu Long (khóm Long Thạnh, phường Long Châu, TX. Tân Châu, An Giang) là một điển hình.

Sau Tết, Cơ sở dệt chiếu Uzu Tân Châu Long đã sớm khai trương, đi vào hoạt động

Cơ sở dệt chiếu Uzu Tân Châu Long do gia đình ông Lê Văn Thoa làm chủ, được thành lập năm 1997, với số vốn ban đầu là 50 triệu đồng. Chất liệu dệt nên sản phẩm chiếu đến từ cây lác và cây Uzu. Bình quân 1 khung dệt, mỗi ngày dệt được 6 chiếc chiếu, với 10 khung dệt, cơ sở mỗi ngày sản xuất được 60 chiếc chiếu.

Chiếu nơi đây có nhiều loại, chiếu xếp và không xếp. Cụ thể, với chiếc chiếu có khổ 1,6m (chiếu xếp), giá mỗi chiếc là 110.000 đồng. Cũng với kích thước đó, chiếu không xếp có giá 90.000đồng. Hơn 24 năm hình thành và phát triển, cơ sở dệt chiếu Uzu của ông Thoa đã góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm cho nhiều người lao động, làm phong phú thêm sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề trong tỉnh. Song, từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, việc xuất khẩu sản phẩm bị hạn chế, từ đó việc làm của lao động tại cơ sở bấp bênh, bởi số ngày công của mỗi lao động giảm một nửa.

Ở TX. Tân Châu ngày nay, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ngoài tơ lụa còn có chiếu Uzu. Trước đây, thị xã có 4 cơ sở dệt chiếu, gồm: Tân Châu Long, Trung Nghĩa, Phương Hà và Tài Thọ. Nay, do dịch bệnh COVID-19 xảy ra, các cơ sở gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, vì vậy chỉ còn ông Thoa duy trì sản xuất để “giữ lửa” cho làng nghề. Trước đây, tổng số lao động của 4 cơ sở dệt chiếu Uzu có trên 70 người. Thu nhập bình quân mỗi lao động từ 2,5-3,2 triệu đồng/tháng. Nay, số lao động trên đã phải chuyển sang làm nghề khác để kiếm sống.

Công đoạn may viền góp phần làm cho sản phẩm đẹp hơn

 “Khi chưa có dịch bệnh COVID-19, sản phẩm của cơ sở, ngoài tiêu thụ sang Capuchia và các quốc gia khác, cơ sở còn bán sản phẩm thông qua du lịch (DL). Bình quân mỗi tháng, cơ sở tiếp từ 5-7 đoàn khách DL từ các quốc gia đến cơ sở tham quan, mua hàng, từ đó sản phẩm được tiêu thụ mạnh qua 2 kênh: khách DL và phân phối của đại lý” - ông Lê Văn Thoa (chủ Cơ sở dệt chiếu Uzu Tân Châu Long, phường Long Châu, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Dịch bệnh COVID-19 xảy ra, nguồn khách nước ngoài không đến cơ sở, đồng nghĩa với việc tiêu thụ sản phẩm bị giảm hơn phân nửa. Giai đoạn vừa qua, để duy trì sản xuất, cơ sở phải thu xếp thời gian làm việc của công nhân, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chiếu Uzu của Cơ sở dệt chiếu Tân Châu Long chất lượng bền, chắc, có độ bóng cao nên khách hàng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Sản phẩm được làm ra từ 2 loại cây nguyên liệu là Uzu và cây lác. Cây Uzu có nguồn gốc ở khu vực hồ Tonlé Sap, Vương quốc Campuchia. Nguyên liệu từ đây cho ra các sản phẩm rất đẹp, hấp dẫn khách hàng. Từ nguyên liệu là cây Uzu, các cơ sở dệt chiếu ở đây còn sáng tạo ra các sản phẩm DL độc đáo, hấp dẫn du khách, nhất là du khách nước ngoài, như: túi xách, dây nịt, bóp, giày, dép, tranh thư pháp...

“Trước đây, hầu hết quá trình dệt chiếu Uzu từ xử lý nguyên liệu đến dệt thành phẩm đều được thực hiện bằng thủ công, từ phân loại, sơ chế, nhuộm màu, phơi nắng, giũ, dệt, xông khói... Hiện nay, chúng tôi đã nghiên cứu, từng bước đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất để giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành để cạnh tranh, quá trình đó vừa hoàn thiện và đi vào sản xuất được vài năm thì dịch bệnh xảy ra…”- ông Thoa chia sẻ.

“Dệt chiếu bằng tay hay bằng máy cũng phải dệt kỹ, dệt đầy, đi màu đúng mới dệt được 1 chiếc chiếu hoàn hảo. Để chiếu có hoa văn đẹp, người dệt chiếu phải chọn từng cọng lác và sắp xếp theo màu sao cho hợp lý trên từng con thoi dệt. Chúng tôi đã làm hết sức có thể để sản phẩm làm ra đẹp, góp phần cùng chủ cơ sở duy trì hoạt động, vượt qua thời COVID…”- chị Trần Thị Lệ (công nhân dệt chiếu tại cơ sở) chia sẻ.

“Vấn đề chính của chúng tôi là nhanh chóng tìm kiếm, mở rộng thị trường nội địa để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Nếu sản phẩm không bán được thì sẽ không duy trì được sản xuất, vì vậy chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm, duy trì sản xuất để nuôi sống công nhân” - ông Lê Văn Thoa chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN - YẾN NGỌC  (Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thị xã Tân Châu)

 

Liên kết hữu ích