Sản xuất khô đặc sản

31/12/2023 - 06:23

 - Tận dụng lợi thế địa phương đầu nguồn, gần biên giới Campuchia, có nguồn lợi thủy sản dồi dào, gia đình anh Nguyễn Quốc Cường (xã Tân An, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) phát triển nghề sản xuất – kinh doanh các loại khô đặc sản. Nhờ công thức gia truyền, nguồn cá tươi, ngon và quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm… nên sản phẩm có thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Nhờ công thức riêng nên khô Quốc Cường có chỗ đứng vững chắc trên thị trường

Kế thừa nghề truyền thống

Nghề làm khô của gia đình anh Nguyễn Quốc Cường được hình thành và phát triển cách đây 20 năm, do mẹ anh (bà Phan Kim Đời) truyền lại. Trải qua thời gian dài, sản phẩm được biết đến nhờ hương vị thơm ngon, chất lượng đảm bảo. Bà Đời cho biết, những năm ấy, mọi người phải thức khuya dậy sớm ra chợ, gom nhiều nơi mới có mẻ cá tươi về làm khô.

Để cho ra sản phẩm vừa khẩu vị khách hàng, bà phải làm đi làm lại nhiều lần, rồi đúc kết thành công thức riêng. “Mỗi mẻ khô, gia đình tôi phải trải qua nhiều lần thử nghiệm. Sản phẩm được ưa chuộng nhờ ướp gia vị vừa ăn, chỉ có muối, bột ngọt, ớt, tiêu… Làm xong mẻ nào, chúng tôi đem chiên ăn thử, thấy vừa miệng mới làm hàng loạt, đem lên giàn phơi” - bà Đời chia sẻ.

Ngoài gia vị, bí quyết để làm nên những mẻ khô ngon là nắng phải tốt. Đặc biệt, trong quá trình sơ chế, bà Đời sử dụng nước đá như “công thức” riêng của gia đình. “Quan trọng ở khâu sơ chế, cá tươi đem về phải trữ trong đá lạnh. Việc này giúp thịt cá săn lại, giảm mùi tanh. Sau khi thợ gia công làm sạch vảy, vây… sẽ rửa qua thật nhiều nước sạch mới đem ướp gia vị. Kết hợp phơi đủ nắng sẽ giúp cá khô sạch sẽ, thịt dẻo và ngon” - bà Đời thông tin.

Thị trường tiêu thụ rộng khắp

Ngày trước, sau giờ đi học, anh Nguyễn Quốc Cường thường hay phụ giúp mẹ làm khô. Quan sát từ nhỏ, anh trang bị vốn kiến thức vững chắc, từ cách muối từng loại, cho đến liều lượng một cách chính xác. Theo thời gian, bà Đời nhường lại việc sản xuất - kinh doanh cho anh Cường. Ban đầu, muốn mở rộng thị trường, anh Cường chạy xe máy bán dạo khắp nơi. Vợ anh cũng đẩy xe bán khu vực lân cận để có thêm thu nhập. Nhờ hương vị thơm ngon, chất lượng đảm bảo, hợp khẩu vị khách hàng… nên sản phẩm ngày càng có chỗ đứng, được người tiêu dùng đón nhận.

Theo quá trình phát triển, cách đây khoảng 4 năm, Cơ sở khô Quốc Cường được thành lập. Hiện nay, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên 30 mặt hàng khô, mắm các loại. Trong đó, có thể kể đến một số loại đặc sản, như: Cá lìm kìm, cá kết, cá trèn, cá lóc, cá sặc bổi, cá chạch… Tùy theo yêu cầu khách hàng, anh Cường thêm tiêu, ớt; phơi 1 nắng, 2 nắng, 3 nắng… Giá các loại khô khá bình dân, dao động từ 100.000 - 390.000 đồng/kg tùy thời điểm, trọng lượng, loại cá.

Ngoài khô cá sông, trong quá trình mua bán, anh Cường còn nhập thêm các loại khô biển (mực, tôm khô, cá biển…) cung cấp cho khách hàng địa phương. Để bảo quản tốt hơn, cơ sở đầu tư dàn tủ đông, máy đóng gói hút chân không, dán tem nhãn… đăng ký đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài lợi thế là vùng đầu nguồn, hàng năm khai thác được số lượng lớn, cơ sở còn thu mua cá tự nhiên từ Campuchia về, đảm bảo nguồn hàng quanh năm. Hiện nay, nhờ mạng xã hội phát triển, cơ sở quảng bá, kết nối nhiều khách sỉ, tăng cường bán hàng trên mạng xã hội, mở rộng nguồn tiêu thụ. Sản phẩm của gia đình anh còn được hội nông dân địa phương quảng bá trong các sự kiện, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu.

Các sản phẩm khô Quốc Cường hiện được tiêu thụ khu vực ĐBSCL, kể cả “xuất ngoại” theo đơn hàng cho khách lẻ. Trong đó, sản phẩm được ưa chuộng nhất là khô cá chạch, cá tra phồng, cá lóc, cá sặc bổi phơi nhiều nắng. Bình quân 1 tháng, cơ sở cung cấp cho thị trường 1 tấn cá khô các loại, cao điểm có thể lên đến 2 - 3 tấn. Cơ sở thuê thêm 4 lao động địa phương. Thời điểm Tết Nguyên đán, sẽ tăng thêm người để sản xuất kịp tiến độ thị trường. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương.

Dự định trong thời gian tới, anh Nguyễn Quốc Cường mở rộng quy mô cơ sở, sản xuất đa dạng mặt hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

ĐỨC TOÀN