Sản xuất thử nghiệm thành công nấm linh chi theo hướng công nghệ cao

28/03/2018 - 06:44

 - Được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) An Giang hỗ trợ kinh phí hơn 183 triệu đồng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tư vấn kỹ thuật, hộ kinh doanh sản xuất (SX) rau màu Nguyễn Hùng Sinh (ấp Bắc Thạnh, xã Thoại Giang, Thoại Sơn) thực hiện thành công dự án “SX thử nghiệm nấm linh chi theo hướng CN cao tại huyện Thoại Sơn, An Giang”.

ThS Hoàng Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: “Điểm mới của dự án là các nhà trồng đều sử dụng CN, đầu tư hệ thống tạo ẩm bằng sóng siêu âm, bộ điều khiển chế độ bật, tắt thiết bị tưới bằng Smartphone, giúp tiết kiệm công lao động, kiểm soát điều kiện nuôi trồng nên nấm phát triển tốt, tăng năng suất và đặc biệt không rửa trôi bào tử trên tai nấm”.

Với 3 nhà trồng, chủ nhiệm dự án lắp đặt 4 thiết bị tạo ẩm bằng thiết bị tạo sóng siêu âm gồm: thùng chứa nước được làm bằng inox 304 không rỉ, dày 0,8mm. Phía sau thùng lắp 2 quạt DC 48V giúp thổi hơi nước khuếch tán đều vào nhà trồng nấm. 2 vỉ siêu âm tạo ẩm 10 mắt được làm bằng thép không rỉ, chống ăn mòn, công suất 240W, lưu lượng phun 5ml/h, có cảm biến mực nước tự động ngắt khi thiếu nước.

Sử dụng CN sóng siêu âm với tần số cao, tách nước ra thành hạt sương rất nhỏ đường kính khoảng 1 micro dễ dàng hòa vào không khí dạng sương mù, không tạo giọt và không để lại hơi nước trên bề mặt. Điều khiển mực nước trong thùng bằng 1 phao cơ giúp duy trì lượng nước ổn định cho thiết bị hoạt động.

Thiết bị tạo ẩm được kết nối với khởi động từ của hệ thống giám sát môi trường và hoạt động theo sự điều khiển từ xa qua điện thoại di động (Smartphone). Thiết bị tạo ẩm cho nhà trồng nấm được sử dụng có ưu điểm tạo ra hơi nước dạng sương mù, do đó dễ dàng khuếch tán đều khắp nhà trồng và không làm tổn thương tai nấm (gỗ tai nấm) trong quá trình phát triển.

Phơi sấy nấm

Dự án còn ứng dụng nhà sấy nấm bằng năng lượng mặt trời phơi nấm sau thu hoạch theo nguyên lý hiệu ứng nhà kính, nên sản phẩm SX ra có giá trị kinh tế cao hơn so với sản phẩm SX hiện tại theo phương pháp truyền thống.

Dự án đã xây dựng nhà sấy với diện tích 40m2. Do có cấu tạo là mái kính cho tia bức xạ mặt trời đi trực tiếp vào buồng sấy nên không khí trong buồng sấy được làm nóng lên đáng kể. Dựa vào nguyên lý đối lưu, dòng khí nóng sẽ đi qua các kệ có chứa nấm linh chi, tại đây sẽ trao đổi nhiệt và lấy ẩm từ vật sấy. Sau khi đi qua các kệ chứa vật sấy, dòng khí mang theo hơi ẩm sẽ thoát ra ngoài qua hệ thống quạt.

Sở KH&CN tỉnh đánh giá: bên cạnh thực hiện các mục tiêu đã đề ra theo quyết định, chủ nhiệm dự án còn thực hiện thêm các nội dung khác như: đăng ký logo nhãn hiệu cho nấm linh chi, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm được cung cấp ra thị trường với nhãn hiệu nấm linh chi Tri Thức (nhãn hiệu đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ); được cấp giấy chứng nhận “Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm” sản xuất nấm các loại của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang. Sản phẩm nấm linh chi Tri Thức đã được cấp giấy “Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm An Giang.

Anh Sinh vui mừng cho biết: “Sản phẩm được bán tại cơ sở sản xuất và 2 cửa hàng (TP. Hồ Chí Minh và TP. Quy Nhơn); chào bán online trên website http://namlinhchiangiang.com với các loại sản phẩm: nấm linh chi nguyên tai, nấm linh chi thái lát và bào tử nấm linh chi. Sản phẩm nấm linh chi Tri Thức còn được trưng bày và quảng bá tại các phiên chợ, hội chợ”.

Nói về hiệu quả kinh tế - xã hội, anh Sinh cho biết: “Kỹ thuật trồng nấm trong mô hình dự án giúp người trồng tiết kiệm thời gian chăm sóc, kiểm soát được điều kiện từ khâu trồng đến thu hoạch, sơ chế và thương mại. Do chất lượng và giá bán của sản phẩm được kiểm soát ở mức cao và ổn định, giá cung cấp đại lý phân phối 600.000 đồng/kg đối với nấm loại 1, 500.000 đồng/kg (nấm loại 2) và 400.000 đồng/kg (nấm loại 3).

Dự án khi nhân rộng sẽ giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Sau khi kết thúc, tôi đã duy trì SX và chia sẻ thông tin, kỹ thuật đến các cá nhân, tổ chức có nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, cơ sở đã có đầu ra ổn định và tiếp tục ký kết hợp đồng cung cấp nấm cho đối tác trong và ngoài tỉnh”.

Đây là mô hình tạo ra loại sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương. Qua mô hình, sẽ tác động, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào SX, tạo ra sản phẩm hàng hóa có hàm lượng chất xám và giá trị kinh tế cao, nhất là vùng nông thôn.

Anh Sinh kiến nghị: “Sở KH&CN tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu phát triển các sản phẩm gia tăng từ nấm linh chi: trà linh chi túi lọc, cà-phê linh chi, trà linh chi hòa tan, bào tử nấm linh chi... nhằm đa dạng sản phẩm, đảm bảo tính bền vững của nghề trồng nấm trong tương lai”.

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích