Sáng kiến “Cải tiến đóng kiện gạch giao hàng” của đoàn viên Nguyễn Văn Hùng (Nhà máy gạch ngói Tunnel Long Xuyên thuộc Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang)
Theo anh Hùng, trước đây, gạch được chất lên Pallet, quấn bọc và dây đai cố định khối xếp, khi lưu kho và giao hàng, dùng xe nâng hoặc cẩu nâng Pallet. Nay anh Hùng cải tiến lại cách xếp, không dùng Pallet, khối xếp có chừa trống để nâng và cẩu phục vụ giao hàng, lưu kho thuận tiện hơn. Khi đó, bọc và dây đai được tăng cường để chịu lực và ổn định khối gạch.
Sáng kiến của đoàn viên Đinh Phú Hiệp (bìa trái) ứng dụng trong thực tiễn sản xuất
Để kiểm nghiệm hiệu quả, anh Hùng phối hợp cùng với các thành viên trong Tổ xuống goòng và Tổ kiểm phẩm thực hiện xếp và đóng 1.800 kiện không Pallet cho các loại sản phẩm, hiệu quả mang lại trong 3 tháng (từ tháng 2 đến tháng 4) tại 3 nhà máy là hơn 30 triệu đồng, ước tổng hiệu quả 130 triệu đồng/năm.
Sáng kiến “Cải tiến quy trình rửa chai bằng tay sang thổi bụi bằng máy và khử khuẩn bằng khí Ozone” của đoàn viên Lê Ngọc Sáng (CĐCS Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexphram)
Thông thường, công đoạn khử khuẩn 1 lô khoảng 5.000 chai phải cần 6 công nhân rửa bằng nước và mất 1 tiếng rưỡi mới hoàn thành. Sau đó, số chai này được đưa vào sấy bằng điện trở và quạt trong vòng 3 tiếng mới tạo ra chai thành phẩm đạt chỉ tiêu tiệt trùng. Quy trình này hao hụt 1m3 nước thủy cục, 1m3 nước Ro và 60Kw điện năng.
Nhằm tiết kiệm hơn, quy trình thổi bụi bằng máy và khử khuẩn bằng khí Ozone chỉ cần 1 công nhân vận hành máy, thời gian rút ngắn còn 10 phút là đã đạt được chai sạch đạt chuẩn. Ước tính về hiệu quả kinh tế, sáng kiến này giúp công ty tiết kiệm được 110 triệu đồng/năm.
Sáng kiến “Ứng dụng siêu âm trong chẩn đoán hội chứng ống cổ tay” của BS Đỗ Thị Quốc Trinh (CĐCS Bệnh viện Đa khoa Nhật Tân, TP. Châu Đốc)
Nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng siêu âm trong chẩn đoán hội chứng ống cổ tay so sánh với các phương pháp chẩn đoán cổ điển. Thời gian nghiên cứu được thực hiện trong 10 tháng (từ tháng 5-2019 đến tháng 3-2020). Kết quả nghiên cứu trên 77 người với 54 bàn tay bị bệnh và 54 bàn tay đối chứng cho thấy kỹ thuật chẩn đoán siêu âm có độ nhạy và độ đặc hiệu lần lượt 70,4% và 71,1%; khi hiệu số 2 diện tích mặt cắt thần kinh giữa ở đầu vào ống cổ tay và ở khoảng cơ sấp vuông ≥1,5 mm2 thì sẽ được chẩn đoán hội chứng ống cổ tay. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí cho người bệnh khỏi chuyển tuyến khoảng 5-10 triệu đồng/tháng.
Sáng kiến này được hội đồng khoa học đánh giá là một nghiên cứu có giá trị thực tiễn rất tốt, giúp cho các thầy thuốc lâm sàng có thêm phương tiện chẩn đoán nhanh chóng và thuận tiện cho hội chứng ống cổ tay, một căn bệnh khá phổ biến ở cộng đồng, tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng có thể làm suy giảm chất lượng cuộc sống cho nhiều người, đặc biệt ở nhóm nữ, cao tuổi.
Sáng kiến “Hệ thống tự động hóa đóng bao thứ cấp” và “Hệ thống đếm bao tự động đa chức năng” của đoàn viên Đinh Phú Hiệp (CĐCS Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời)
Hệ thống tự động hóa đóng bao thứ cấp được anh Hiệp đưa vào thực tế sản xuất, ghi nhận hiệu quả khá thiết thực: máy có thể làm việc xuyên suốt 24/24 giờ, năng suất 10 tấn/giờ, thay thế cho 16 nhân công mỗi ngày và tiết kiệm hơn 700 triệu đồng/năm. Sáng kiến này giúp điều chỉnh khuôn linh động để xếp các túi gạo từ 1-5kg vào bao phù hợp theo nhu cầu của khách hàng trên thị trường.
Còn hệ thống đếm bao tự động đa chức năng đã nhân rộng và đưa vào ứng dụng ở 10 hệ thống tại các chi nhánh của Tập đoàn Lộc Trời, giá trị làm lợi cho công ty khoảng 900 triệu đồng/năm. Ưu điểm của hệ thống này là cài đặt được số bao cần đếm, tự động dừng băng tải và hú còi cho người quản lý biết khi đếm đủ số bao; hú còi khi xảy ra sự cố.
Cả 2 sáng kiến được đánh giá cao về khả năng áp dụng rộng rãi trong sản xuất lương thực với quy mô công nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động hơn, không phải lo về vấn đề tìm kiếm số lượng lớn nhân công mỗi khi xuất hàng.
MỸ HẠNH