Sáng tạo để thêm yêu quê hương

29/11/2019 - 08:32

 - Năm nay là lần đầu tiên, Huyện đoàn Châu Thành phối hợp cùng Ban Quản lý dự án hợp tác giữa An Giang và Thụy Điển tổ chức cuộc thi Ý tưởng sáng tạo về sử dụng và quản lý sinh khối từ cây lúa, năng lượng tái tạo, tăng chuỗi giá trị nông sản và các sản phẩm nông nghiệp xanh ở An Giang. Từ những kiến thức, kỹ năng đã học, cộng thêm lòng đam mê tìm tòi, sáng tạo mà nhiều thí sinh đã sáng chế các sản phẩm rất hữu ích, thiết thực với cuộc sống.

Các bức tranh, hộp đựng giấy đều được làm từ nguyên liệu bông lúa, rơm...

Thêm sân chơi hữu ích

Cuộc thi này là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ dự án: “Thực hiện kế hoạch hành động vì một tỉnh An Giang phát triển bền vững” hợp tác với TP. Pitea (Thụy Điển), giai đoạn 2018-2020. Trước đó, năm 2012, TP. Pitea đã triển khai chương trình hợp tác với An Giang. Giai đoạn 2012-2014, dự án “An Giang và Pitea - Cộng đồng bền vững” đã thu được những kết quả đáng kể. Giai đoạn 2015-2017, tiếp tục hợp tác triển khai dự án “Kế hoạch hành động để tận dụng chất thải cây lúa” với mục tiêu đưa An Giang trở thành 1 cộng đồng sản xuất lúa xanh và nền sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bảo cuộc sống người dân ngày một nâng cao. Từ hiệu quả các mô hình tận dụng phụ phẩm rơm rạ, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt kế hoạch hành động quản lý và sử dụng sinh khối cây lúa đến năm 2030.

Theo Bí thư Huyện đoàn Châu Thành Mai Hòa Phúc, thông qua cuộc thi giúp trang bị cho đoàn viên, thanh niên, học sinh những kỹ năng, kiến thức cần thiết về các lĩnh vực trong cuộc sống. Trong thời gian phát động cuộc thi, các thí sinh tiến hành thực hiện và gửi mô hình, ý tưởng, sản phẩm sáng tạo trên các lĩnh vực về sử dụng và quản lý sinh khối từ cây lúa, năng lượng tái tạo, ý tưởng khoa học - kỹ thuật, nông nghiệp, bảo vệ môi trường… cho ban tổ chức. Trong rất nhiều sản phẩm gửi dự thi, ban tổ chức sẽ lựa chọn ra 17 ý tưởng, mô hình, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu để tham gia thuyết trình tại vòng chung kết diễn ra cuối tháng 11-2019. “Dù đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức nhưng chất lượng sản phẩm tham gia được ban tổ chức đánh giá tốt, đa dạng. Qua đó, tiếp thêm nguồn gió mới cho phong trào sáng tạo trong thanh, thiếu niên, đặc biệt là lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn huyện. Thông qua cuộc thi góp phần phát động phong trào chống rác thải nhựa trong thanh, thiếu niên, bảo vệ môi trường” - anh Phúc nhận xét.

Những sản phẩm ấn tượng

Các ý tưởng của thí sinh trong cuộc thi năm nay chia làm 2 lĩnh vực: đồ dùng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Trong đó, đồ thủ công mỹ nghệ thể hiện qua các bức tranh với những nét chấm phá của vùng quê yên bình Việt Nam, những thắng cảnh của An Giang, nền nông nghiệp lúa nước... Đặc biệt, nổi bật có nhiều sản phẩm tranh nghệ thuật thể hiện tấm lòng tri ân của học trò đối với thầy cô, của con cái với cha mẹ. Tất cả các sản phẩm đều được tận dụng nguyên liệu có sẵn trong đời sống như: cọng rơm, vỏ trấu, gáo dừa... Bên cạnh đó, các sản phẩm như: bình hoa, hộp khăn giấy, giỏ, túi xách, dép... đều được các thí sinh tận dụng phế phẩm từ cây lúa. Qua đôi bàn tay gia công tỉ mỉ, các sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, màu sắc hài hòa, trông rất bắt mắt và có tính ứng dụng cao.

Trong nhiều sản phẩm dự thi, nổi bật có thể kể đến là sản phẩm máy bắt chuột trên đồng ruộng sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp với hệ thống loa phát ra những tiếng động như con người để đuổi chuột. Qua đó, vừa giúp nông dân tiết kiệm thời gian, công sức, vừa tránh sử dụng những hóa chất đuổi chuột ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, sản phẩm bộ tranh Tứ Bình (Tùng, Cúc, Trúc, Sen) của thí sinh Phùng Hoàng Lực (đơn vị xã Cần Đăng) được làm từ các vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường như: rơm, lúa, sọ dừa, cọng dừa... gây ấn tượng tốt với nhiều người. Sản phẩm thích hợp để treo tường trang trí phòng khách, phòng ngủ, các quán cà phê... với chi phí thực hiện chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng, bảo quản tốt có thể sử dụng đến 2 năm.

“Nếu các sản phẩm tái chế như thế này được nhân rộng thì sẽ mang lại cho địa phương nhiều lợi thế, giải quyết được vấn đề đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, những sản phẩm từ tái chế sẽ giúp tăng nhận thức của mọi người trong bảo vệ môi trường từ những điều nhỏ nhặt nhất” - em Phùng Hoàng Lực chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN