Giới chức khảo cổ Ai Cập đưa ra thông báo trên sau khi một đoàn các nhà khoa học thuộc Đại học Bách khoa Turin, Italy công bố kết quả tìm kiếm bằng công nghệ quét radar xuyên đất (GPR) để tìm kiếm căn phòng bí mật mà nhiều chuyên gia cho là nơi an nghỉ cuối cùng của Hoàng hậu Nefertiti, người được cho là mẹ kế của Vua Tutankhamun.
Bộ Di tích cổ Ai Cập dẫn lời ông Francesco Porcelli, người đứng đầu nhóm khoa học trên, khẳng định các kết quả GPR cho thấy không tồn tại căn phòng bí mật nào, thậm chí không có dấu vết nào của một lối đi bí mật hoặc một khung cửa ra vào bí mật được cho là dẫn tới nơi chôn cất Hoàng hậu Nefertiti.
Vua Tutankhamun - vị Pharaoh trẻ tuổi nhất và nổi tiếng nhất của Ai Cập thời cổ đại. (Nguồn: CORBIS)
Tuyên bố của Bộ trên nêu rõ hầu hết các nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Bách khoa Turin đểu chỉ ra rằng không tồn tại một căn phòng bí mật nào.
Trong báo cáo gửi Bộ Di tích cổ Ai Cập, Ông Porcelli nhấn mạnh kết luận này có độ tin tưởng cao. Đây là lần thứ ba trong vòng 3 năm qua nhóm khảo cổ này sử dụng GPR để tìm kiếm căn phòng bí mật trong hầm mộ Pharaoh Tutankhamun. Dự kiến nhóm này sẽ trình bày chi tiết kết quả cuộc thăm dò bằng radar trên tại Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về PharaohTutankhamun.
Nefertiti là một trong những Hoàng hậu Ai Cập cổ đại nổi tiếng nhất và giới khảo cổ luôn quan tâm khám phá những bí ẩn xung quanh cuộc đời của vị Hoàng hậu đẩy quyền lực và được xem là biểu tượng của sắc đẹp này.
Kết luận trên của nhóm khảo cổ Italy đã chấm dứt tranh cãi kéo dài suốt 3 năm qua kể từ khi nhà khảo cổ người Anh Nicholas Reeves năm 2015 cho rằng tồn tại hai khoang trống liền kề lăng mộ Vua Tutankhamun và đó có thể là nơi chôn cất Hoàng hậu Nefertiti.
Vua Tutankhamun (hay còn được gọi là Vua Tut) là Pharaoh thuộc Vương triều thứ 18 thời Tân vương quốc. Ông lên ngôi năm 9 tuổi, cai trị trong 10 năm (từ năm 1332 trước Công nguyên tới năm 1323 trước Công nguyên) và qua đời khi mới 19 tuổi.
Năm 1922, nhà khảo cổ người Anh Howard Carter đã phát hiện lăng mộ Vua Tutankhamun tại Thung lũng các vị Vua. Đây là lần đầu tiên lăng mộ của một vị vua Ai Cập cổ đại được tìm thấy trong tình trạng còn khá nguyên vẹn.
Bên cạnh xác ướp, các nhà khảo cổ còn tìm thấy gần 5.000 hiện vật, trong đó có nhiều món đồ bằng vàng ròng giúp giới chuyên môn tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử Ai Cập thời cổ đại./.
Theo Vietnam+