Sau tiêm vaccine, vẫn có người mắc bệnh: Tại sao?

15/06/2021 - 19:30

Khi được đưa vào cơ thể, vaccine sẽ khiến cơ thể tạo ra miễn dịch để phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, sau khi tiêm vaccine phòng bệnh vẫn ghi nhận một lượng nhỏ người nhiễm virus. Tất cả các vaccine phòng bệnh đều như vậy.

Bộ Y tế khuyến cáo, sau tiêm chủng, người dân cần phải tiếp tục thực hiện hướng dẫn 5K của Bộ Y tế để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng giải thích về việc vì sao vẫn có người nhiễm virus sau khi tiêm vaccine: “Sau khi tiêm, có thể cơ thể chưa đủ miễn dịch để chống bệnh. Nhưng những người nhiễm virus sau khi đã tiêm đủ vaccine sẽ có triệu chứng nhẹ, diễn biến bệnh không nặng”.

GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, tiêm vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả và chủ động nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong.

Hiện nay không có một loại vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100%. Tức là sau tiêm vaccine vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã được tiêm mắc bệnh.

Cũng giống như các loại vaccine giúp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm khác, vaccine COVID-19 giúp cơ thể chúng ta phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh COVID-19. Có thể có trường hợp bị nhiễm SARS-COV-2 ngay trước, hoặc sau khi tiêm vaccine, sau đó mắc bệnh do vaccine chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch, hoặc một số ít đã được tiêm đủ nhưng vẫn mắc bệnh.

“Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng 70% đến 85% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh”, GS.TS Đặng Đức Anh cho biết.

Cũng theo Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vaccine phòng COVID-19 nói chung và vaccine AstraZeneca nói riêng, không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm, mà còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và phát triển kinh tế.

Hiện nay, các loại vaccine phòng COVID-19 đều có hiệu lực bảo vệ từ trên 60% đến 95%, vì vậy WHO khuyến cáo, vaccine là "vũ khí" để chấm dứt đại dịch COVID-19.

Đối với vaccine AstraZeneca, kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, sau khi tiêm 1 liều vaccine từ 22-90 ngày vẫn có một số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nhưng số trường hợp tử vong giảm đến 80% so với nhóm không tiêm chủng.

Sau khi tiêm 2 mũi vaccine, số trường hợp tử vong giảm đến gần 100%. Điều này cho thấy, tiêm chủng vaccine là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh, phòng các biến chứng và tử vong do bệnh gây ra.

Từ ngày 11 đến 14-6, tại ổ dịch BV Bệnh nhiệt đới TPHCM ghi nhận 57/58 ca mắc COVID-19 là nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine AstraZeneca.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để đảm bảo hiệu quả tối đa của vaccine, mỗi người cần phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine COVID-19 và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt 70% đến 85% để tạo miễn dịch cộng đồng.

Sau khi tiêm chủng, người dân không nên chủ quan và cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, như hướng dẫn 5K của Bộ Y tế, để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cho cộng đồng trước đại dịch COVID-19.

Theo HIỀN MINH (Báo Chính Phủ)