Lắp đặt thiết bị 5G tại một số thành phố.
Theo Bộ TT&TT, các thiết bị 5G Make in Vietnam gồm mạng lõi, mạng truyền dẫn, mạng truy cập; và đã được triển khai cung cấp thử nghiệm dịch vụ ở một số khu vực với tốc độ download 1.5 Gbps, upload 60Mbps.
Đặc biệt, trong tháng 9/2021, Việt Nam đã hoàn thành bước nghiên cứu và triển khai lắp đặt thử nghiệm trạm 5G theo công nghệ MORAN (Multi Operator Radio Access Network, MOCN (Multi-Operator Core Network) với tốc độ download 900Mbps và upload 60Mbps. Đây là một bước tiến quan trọng để thúc đẩy quá trình nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G của Việt Nam. Việt Nam đặt mục tiêu phủ sóng 5G đến 25% dân số vào 2025.
Bộ TT&TT sẽ quy hoạch các băng tần 6/7 GHz và trên 40 GHz cho thông tin di động 5G. Băng tần 900 MHz, 1800 MHz và 2100 MHz cũng được phân bổ lại cho mạng 4G và 5G.
Năm nay, mạng 4G đã phủ sóng đến 99,8% cả nước. Trong khi đó, mạng 5G đã được các nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone thử nghiệm thương mại tại 16 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, TP HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Thái Nguyên, Cần Thơ, Bình Dương, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Bộ TT&TTT, với nguồn lực của Việt Nam, kết quả đạt được trong nghiên cứu, phát triển thiết bị 5G từ năm 2019 đến nay có thể đánh giá là đã có bước đột phá. Tuy nhiên, để đáp ứng triển khai mạng 5G bằng thiết bị hoàn toàn của Việt Nam ở diện rộng trong năm 2022 là chưa đáp ứng được. Nguyên nhân chưa đáp ứng là do khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng, dịch bệnh COVID-19 và tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn đã làm kéo dài thời gian nghiên cứu sản xuất thêm từ 10 - 12 tháng.
Thiết bị 5G được triển lãm tại một diễn đàn công nghệ số Việt Nam.
Cùng với đó, còn là thách thức về kỹ thuật, công nghệ: Các tiêu chuẩn công nghệ 5G về chất lượng sản phẩm và dịch vụ đang được phát triển và chưa được quốc tế thống nhất ban hành. Việt Nam cũng gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư. Việt Nam mới chỉ đầu tư cho 5G khoảng 65 triệu USD, trong khi các hãng lớn trên thế giới đầu tư từ 2 - 10 tỷ USD.
Để tháo gỡ khó khăn trên, thời gian qua, Bộ TT&TT đã làm việc chặt chẽ với các doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc, tạo cơ chế thuận lợi nhất cho hoạt động nghiên cứu thiết bị 5G.
Bộ TT&TT cũng đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất thiết bị 5G Make in Vietnam là xây dựng cơ chế ưu tiên sử dụng các thiết bị viễn thông do trong nước sản xuất. Đồng thời, huy động nguồn lực và sự hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ số trong nước trong việc nghiên cứu, thử nghiệm; tạo thị trường. Dự báo, công nghệ 5G sẽ đóng góp rất lớn (7,34% vào GDP Việt Nam)
Bên cạnh đó, người dùng được khuyến khích chuyển sang sử dụng smartphone và mạng di động thế hệ mới như 4G, 5G, thay cho công nghệ di động cũ. Dự kiến đến tháng 12/2022, chỉ còn 5% người dùng điện thoại phổ thông kết nối 2G.
Theo XM (Báo Tin Tức)