: Ông Lê Văn Nay đến tòa soạn phản ánh vụ việc
Ông Nay trình bày: “Tôi đại diện gia đình gồm: mẹ tôi (Nguyễn Thị Tỵ, đã mất năm 2014) và em gái tôi (Lê Thị Hồng), từ năm 2011 gửi đơn khởi kiện em trai Lê Văn Dũng (ngụ cùng địa phương). Dũng cố ý chiếm đoạt bộ đỏ cả 3 thửa đất (222, 223, 224, tờ số 1, 2, 3), tổng diện tích 14.092m2. Tất cả đất tọa lạc tại khu vực Lung Ngang, ấp An Thành (xã Lương Phi), do cha tôi (Lê Văn Tròn) để lại cho chúng tôi. Cụ thể: mẹ tôi được sử dụng thửa 224, diện tích 5.288m2; Hồng thửa 222, diện tích 3.337m2 và tôi thửa 223, diện tích 5.467m2. Hiện nay, Dũng chiếm canh tác thửa 223. TAND huyện Tri Tôn thụ lý hồ sơ từ tháng 4-2011, đã nhiều lần mời triệu tập đến giải quyết. Tôi nộp đầy đủ hồ sơ chứng cứ, chi phí nhưng không hiểu lý do gì tòa án cứ “ngâm” hồ sơ, không giải quyết. Khởi kiện từ khi mẹ tôi còn sống, nay mẹ tôi đã mất và vụ việc kéo dài hơn 7 năm vẫn chưa được đưa ra xét xử. Nhiều lần tôi đến hỏi, thẩm phán trả lời “để sắp lịch xét xử”, cứ thế kéo dài đến nay. Gia đình chúng tôi tốn kém rất nhiều cho phi phí đi lại, đo đạc trong vụ kiện này. Rất mong các cơ quan chức năng hướng dẫn tôi cần phải thêm thủ tục gì nữa để vụ việc sớm được đưa ra xét xử?”.
Phía ông Lê Văn Dũng cho rằng: “Trước khi mất, cha đã chia phần cho anh, em chúng tôi. Riêng phần đất ruộng 14.092m2 này là tài sản chung của cha, mẹ. Cha, mẹ ly thân, mẹ về ở với người con gái thứ 6, cha ở với tôi. Mẹ đòi chia tài sản chung. Năm 2003, TAND xử chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân, mẹ được chia 1 thửa hơn 5.000m2 (đã giao cho ông Nay quản lý, sử dụng), còn lại cha tôi cho Hồng 1 thửa khoảng 3.000m2, thửa còn lại hơn 5.000m2 tôi sử dụng. Trước đó, toàn bộ diện tích này cha giao tôi quản lý sử dụng, giấy bộ vẫn còn do ông đứng tên. Năm 2006, ông mất không để lại di chúc. Việc ông Nay cho rằng, cha tôi di chúc cho ông phần đất mà tôi đang sử dụng và yêu cầu tôi trả lại là hoàn toàn không đúng, bất hợp lý. Nay, tôi cũng đồng ý chia thừa kế đều cho các anh, em (hiện còn 4 người), nhưng phải gồm cả phần của mẹ và Hồng đang quản lý, sử dụng. Tôi mong TAND sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, cho phần ai nấy hưởng để tránh kéo dài tới lui nhiều lần, tôi quá mệt mỏi”.
Được biết, UBND xã Lương Phi đã hòa giải tranh chấp giữa ông Lê Văn Nay với ông Lê Văn Dũng nhưng không thành. Họ chuyển sang khởi kiện ra TAND huyện Tri Tôn. Trao đổi với phóng viên, Chánh án TAND huyện Tri Tôn Đoàn Văn Hùng cho biết: Trước đây, tòa án đã giải quyết chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân giữa ông Lê Văn Tròn, bà Nguyễn Thị Ty (cha, mẹ ông Lê Văn Nay), tài sản chia là đất ruộng. Sau đó, các con chung có người theo cha, có người theo mẹ, đã được cha, mẹ giao đất quản lý sử dụng nhưng chỉ giao cho làm, chứ chưa tách bộ chuyển quyền sử dụng. Khi xảy ra tranh chấp giữa ông Nay và ông Dũng, TAND huyện Tri Tôn thụ lý hồ sơ, tiến hành các trình tự thủ tục theo quy định. Đất chưa làm thủ tục chuyển quyền sử dụng nên phải tiến hành đo đạc. Nguyên nhân chậm giải quyết vụ việc một phần là do phát sinh người thừa kế; trong quá trình thụ lý thì bà Ty mất; chờ cơ quan chuyên môn đo đạc cho kết quả bản vẽ. Bên cạnh đó, thẩm phán thụ lý hồ sơ liên tục bị luân chuyển, bàn giao thẩm phán khác nên hồ sơ vụ việc phải thụ lý lại từ đầu. Ngoài ra, kết quả đo đạc không trùng khớp nên phải đo đạc lại, vì vậy thời gian bị kéo dài. Tuy nhiên, đến nay hồ sơ thủ tục pháp lý tương đối đầy đủ, đầu tháng 10-2018, đơn vị sẽ mời các bên đến giải quyết.
Bài, ảnh: K.N