Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới vượt 177 triệu

16/06/2021 - 08:05

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 15-6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 177.155.753 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.829.347 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 161.385.776 người.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một khu chợ ở Srinagar, Ấn Độ, ngày 14-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 615.247 ca tử vong trong tổng số 34.335.515 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 377.061 ca tử vong trong số 29.617.058 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 488.404 ca tử vong trong số 17.454.861 bệnh nhân.

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 573 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 310 người và Bosnia-Herzegovina với 289 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện là tâm dịch của thế giới, với trên 1,2 triệu ca tử vong trong trên 35,1 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có trên 53,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,15 triệu ca tử vong. Bắc Mỹ có trên 625.800 ca tử vong trong trên 34,8 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận trên 540.400 ca tử vong trong trên 38,4 triệu ca nhiễm. Trung Đông có trên 146.400 ca tử vong, châu Phi ghi nhận trên 134.900 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 1.100 người.

Trong ngày 15-6, Thái Lan đã ghi nhận 3.000 ca nhiễm mới, trong đó có tới 2.995 ca lây nhiễm trong nước. Cùng ngày, nước này có thêm 19 ca tử vong. Thủ tướng Prayut Chan o-cha cho biết Chính phủ đã đặt mua 100 triệu liều vaccine và đặt mục tiêu tiêm chủng cho 50 triệu người, tức 70% dân số, trong năm nay và đang mua thêm để mở rộng tiêm chủng cho 80 - 90% dân số vào năm tới.

Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 15 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 2.025 ca. Trong số 15 ca mắc mới, có 6 ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn và 9 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Theo Bộ Y tế Lào, việc một bộ phận người dân không tuân thủ chặt chẽ quy định phòng dịch là nguyên nhân dẫn tới các ca mắc mới trong cộng đồng. Đến nay, đã có trên 1 triệu người dân Lào được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.

Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 495 ca mắc COVID-19 và 13 ca tử vong vì dịch bệnh này. Mặc dù diễn biến dịch bệnh tại Campuchia còn phức tạp,  chính quyền thủ đô Phnom Penh vẫn quyết định cho phép nối lại tất cả các hoạt động kinh doanh, buôn bán tại các chợ do nhà nước quản lý trên địa bàn thành phố. Bộ Y tế Campuchia cho biết trong vài ngày tới, số người được tiêm phòng COVID-19 sẽ đạt 3 triệu người và nước này đang hướng tới mục tiêu 10 triệu người để đạt miễn dịch cộng đồng. Theo báo cáo của bộ này, đến nay đã có 2.939.543 người ở Campuchia được tiêm vaccine, tương đương 29,4% trong tổng số 10 triệu người trưởng thành dự kiến được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Malaysia có chiều hướng giảm trong những ngày gần đây, sau khi chạm các mốc cao kỷ lục trong tháng 5. Số liệu của Bộ Y tế Malaysia công bố ngày 15-6 xác nhận thêm 5.419 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 667.876 ca, trong đó có 3.968 ca tử vong. Chính phủ Malaysia ngày 15-6 thông báo đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với các vaccine ngừa COVID-19 một mũi tiêm của hãng CanSino Biologics (Trung Quốc) và của hãng Johnson & Johnson (Mỹ) phát triển. Malaysia đang tăng tốc chương trình tiêm chủng song song với các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Tính đến ngày 14-6, quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 cho 3,28 triệu người, tương đương 10% dân số. 

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàn Quốc ngày 15-6 ghi nhận thêm 374 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 148.647 ca. Nước này đang lên kế hoạch triển khai thử nghiệm cơ chế giãn cách xã hội mới trong vòng 3 tuần, bắt đầu từ đầu tháng sau, cùng lúc nỗ lực ngăn chặn đà tăng đột biến các ca nhiễm mới hàng ngày. Theo đó, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh cấm tập trung từ 5 người trở lên hiện nay và tăng lên mức 8 người. Các nhà hàng và quán cà phê có thể mở cửa đến nửa đêm tại thủ đô Seoul và khu vực lân cận, muộn hơn 2 giờ so với lệnh giới nghiêm từ 22h hiện nay. Hiện nay, thủ đô Seoul và khu vực lân cận cùng với thành phố Daegu cũng như đảo nghỉ dưỡng Jeju đang áp dụng mức giãn cách xã hội cấp độ 2 trong thang gồm 5 cấp độ, trong khi những khu vực còn lại ở cấp độ 1,5. Các cuộc tụ tập đông người từ 5 người trở lên đều bị cấm. Đến nay, khoảng 13 triệu người dân Hàn Quốc, tương đương 25% dân số, đã được tiêm chủng mũi vaccine đầu tiên. 

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chính sách mới về việc tăng cường hỗ trợ người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản gặp khó khăn, vướng mắc trong vấn đề tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, nước này sẽ đẩy mạnh hỗ trợ và hướng dẫn những người nước ngoài chưa nắm rõ quy trình đăng ký tiêm vaccine tại nơi cư trú, cũng như gặp khó khăn trong việc liên hệ với bộ phận phụ trách tiêm chủng. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng sẽ thúc đẩy việc triển khai cổng thông tin đa ngôn ngữ về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) đã thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được áp đặt từ tháng 7 năm ngoái đối với những tàu, thuyền cập cảng trung tâm vận chuyển của châu Á này. Theo cơ quan hàng hải Hong Kong, từ ngày 15-6, thủy thủ đoàn các tàu, thuyền cập cảng thành phố này để tiếp nhiên liệu hay lương thực sẽ được miễn các biện pháp hạn chế tùy thuộc tình hình.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Israel đã chính thức dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trong không gian kín ở các điểm công cộng kể từ ngày 15-6 sau hơn 1 năm thực hiện. Theo đó, các tòa nhà, văn phòng, trường học, khách sạn... sẽ không yêu cầu nhân viên hoặc khách đến phải đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín này. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn được áp dụng trong một vài trường hợp đặc biệt, ví dụ người chưa tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 đi thăm nom tại các cơ sở chăm sóc người bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu bị lây nhiễm, người đang trên đường phải đi cách ly hoặc hành khách trên máy bay. Trước đó, ngày 18-4, Chính phủ Israel cũng đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở ngoài trời và từ ngày 1-6 đã dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp giãn cách xã hội sau hơn 1 năm áp dụng. Nhờ chiến dịch tiêm phòng vaccine hiệu quả, hiện số bệnh nhân COVID-19 và tỷ lệ lây nhiễm tại Israel đã giảm xuống mức rất thấp.

Cũng trong ngày 15-6, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo ghi nhận thêm 60.471 ca nhiễm COVID-19 trong 24 qua, đánh dấu ngày thứ 8 liên tiếp số ca bệnh mới trên toàn Ấn Độ dưới ngưỡng 100.000 ca. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Á này đã lên đến 29.570.881 ca. Cũng trong 24 giờ qua, với thêm 2.726 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Ấn Độ đã tăng lên thành 377.031 ca. Tại thủ đô New Delhi, sau khi ghi nhận số ca mắc mới và số ca tử vong vì COVID-19 giảm mạnh trong 2 tuần gần đây, các nhà hàng và cửa hiệu được phép hoạt động trở lại từ ngày 14-6  với tối đa 50% công suất. Tuy nhiên, trường học, các cơ sở giáo dục, bể bơi, phòng tập thể thao và các địa điểm công cộng vẫn tiếp tục đóng cửa.

Tại châu Âu, giai đoạn cuối cùng trong lộ trình dỡ bỏ phong tỏa ngừa COVID-19 của Anh sẽ được lùi tới ngày 19-7 thay vì ngày 21-6 theo kế hoạch ban đầu. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Anh ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 đang tăng trở lại do sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ. Các nhà khoa học cố vấn cho Chính phủ Anh cảnh báo số người cần được điều trị tại bệnh viện do mắc COVID-19 sẽ tăng mạnh trở lại nếu giai đoạn cuối cùng của lộ trình nới lỏng phong tỏa diễn ra vào ngày 21-6 theo kế hoạch. Theo các quy định hạn chế được áp dụng để phòng ngừa COVID-19 ở Anh, các sự kiện ngoài trời chỉ được tụ tập tối đa 30 người, sự kiện trong nhà tối đa 6 người. Tuy nhiên, 15 sự kiện thí điểm được thực hiện lộ trình nới lỏng phong tỏa theo kế hoạch, trong đó có các trận đấu sắp tới của EURO 2020 và các buổi biểu diễn nghệ thuật và âm nhạc. Những người tham dự các sự kiện này phải xuất trình chứng nhận đã tiêm phòng hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Một số khu vực ở Nga đã thắt chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, đồng thời tập trung tăng cường năng lực ứng phó cho các bệnh viện trong trường hợp bệnh nhân nhập viện gia tăng sau khi số ca nhiễm mới tăng vọt. Ngày 15-6, Nga có thêm 14.185 ca nhiễm mới, trong đó 6.805 ca ở Moskva, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 5.236.593 ca. Trong 24 giờ qua, Nga cũng ghi nhận thêm 379 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 127.180 người.

Theo THANH PHƯƠNG (TTXVN)