Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới vượt 250 triệu ca

07/11/2021 - 07:27

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 6-11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận trên 250 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5,05 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 226,33 triệu người.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với gần 775.000 ca tử vong trong tổng số 47,28 triệu ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 460.000 ca tử vong trong số 34,34 triệu ca mắc. Brazil đứng thứ 3 với 609.000 ca tử vong trong số 21,86 triệu ca mắc.

Trong tuần qua, châu Âu là khu vực duy nhất ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng với tổng số ca mắc mới trong 7 ngày qua là 1,67 triệu ca, tăng 9% so với tuần trước đó. 

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Âu do thời tiết châu lục này đang ngày càng lạnh hơn - thời điểm thích hợp để các loại virus, vi khuẩn sinh sôi và lây lan. Tại Nga, Bộ Y tế nước này cho biết trong 24 giờ qua, quốc gia châu Âu này có thêm 41.335 ca mắc mới - mức cao nhất ghi nhận trong một ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Ngoài ra, nước này có thêm 1.188 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi. 

Những con số trên phản ánh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến nghiêm trọng tại Nga, trong khi biện pháp đóng cửa toàn bộ công sở, nhà máy... trong một tuần mà giới chức Nga áp đặt để phòng chống dịch bệnh sắp hết hiệu lực. Hiện nhiều địa phương của Nga đang chuẩn bị sẵn sàng gia hạn biện pháp này. Tuy nhiên, có nhiều cơ quan, doanh nghiệp vẫn sẽ khôi phục hoạt động bình thường từ ngày 8/11.

Ngoài Nga, một số nước châu Âu khác như Ba Lan, Áo, Séc, Hy Lạp cũng đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt trong tuần qua, với mức tăng từ 47% đến 65%. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Auckland, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, châu Á và châu Đại dương mặc dù không còn là điểm nóng của dịch bệnh trên thế giới, nhưng tình hình dịch bệnh tại đây vẫn diễn biến khó lường khi các nước bắt đầu nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế theo chủ trương sống chung an toàn với COVID-19. 

Ngày 6/11, New Zealand ghi nhận 206 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Đây cũng là ngày đầu tiên kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, quốc gia này ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng vượt 200 ca/ngày.

Theo báo cáo, Auckland - thành phố đông dân nhất của New Zealand - đang là "điểm nóng" của dịch COVID-19 với 200 ca nhiễm mới tại đây. Trong khi đó, thành phố này đang chuẩn bị nới lỏng các hạn chế vào ngày 8/11 tới, thời điểm kết thúc thời gian 3 tháng áp đặt lệnh hạn chế để phòng dịch COVID-19.

Phun khử trùng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này có 960 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 955 ca cộng đồng, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 45.980 người.

Bộ trên thông báo số ca mắc mới COVID-19 tại nước này vẫn ở mức cao và lan rộng ra 15/18 tỉnh, thành. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là tâm dịch khi ghi nhận 449 ca cộng đồng trong một ngày. Đáng chú ý, tỉnh Luang Namtha và Luang Prabang tiếp tục có số ca lây nhiễm cộng đồng vượt mức 100 trường hợp trong 24 giờ.

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu đóng cửa các nhà máy công nghiệp và doanh nghiệp trong khu vực có lây nhiễm trong nhà máy và cộng đồng, ngoại trừ nhà máy được Ủy ban Chuyên trách cấp phép, nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế nhưng phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch đã được ban hành. 

Còn tại Trung Quốc, dịch COVID-19 đã xuất hiện trở lại tại 20 tỉnh, thành của nước này và trong 24 giờ qua, Trung Quốc ghi nhận 55 ca mắc mới, trong đó có 40 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi chiến lược "zero COVID", do đó, chính quyền các địa phương phát hiện các ca nhiễm mới COVID-19 ngay lập tức triển khai các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Theo LAN PHƯƠNG (TTXVN)