Theo số liệu trang Worldometers, tính đến 9 giờ ngày 3-11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 47,13 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 34,02 triệu người đã hồi phục và 1.211.006 ca tử vong.
Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới với hơn 9,56 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 231 nghìn ca tử vong. Ấn Độ và Brazil đứng thứ 2 và 3 với số ca nhiễm lần lượt là 8,26 triệu ca nhiễm và 5,55 triệu ca nhiễm.
Theo phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, ngày 1-11, các chuyên gia về y tế và virus của Pháp cho rằng tình hình trong những tháng tới sẽ "cực kỳ khó khăn" do sự lây lan của dịch bệnh rất khó lường, nhất là trong điều kiện thời tiết của mùa đông, và lệnh phong tỏa đợt hai không nghiêm ngặt như đợt đầu năm.
Một số chuyên gia y tế còn lo ngại rằng thời gian phong tỏa trong một tháng chưa đủ để kiềm chế dịch.
(Ảnh minh hoạ: Reuters)
Theo dự báo của Viện Pasteur, dịch bệnh có thể đạt đỉnh vào giữa tháng 11 và có thể tăng từ 3.740 tính tới ngày 2-11 lên tới 6.000 ca được chăm sóc đặc biệt. Với các biện pháp ngăn chặn hiện nay khác nhiều so với đợt trước, các chuyên gia dịch tễ cho rằng Pháp chỉ có thể vượt qua làn sóng lây nhiễm thứ hai vào cuối năm hoặc đầu năm 2021. Một số đợt lây lan mạnh có thể xảy ra vào những tháng mùa đông và mùa xuân tới, từ tháng 12 đến tháng 5.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh Franceinfo ngày 2-11, bà Vittoria Colizza, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện quốc gia về Sức khoẻ và Nghiên cứu Y học, cũng cho rằng sau hai tuần nữa mới biết đà lây lan của virus có giảm hẳn không. Lý do là vì cần có thời gian để đưa ra các số liệu về ca nhiễm, triệu chứng để xét nghiệm và có kết quả, rồi xu hướng gia tăng hay giảm của các ca nhập viện.
Theo bà Vittoria Colizza, thời gian để xác định sự lây nhiễm giảm hẳn có thể tới hai tháng.
Pháp hiện là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Liên hiệp châu Âu (EU) bởi làn sóng thứ hai của dịch bệnh và đứng thứ năm trên thế giới về số ca nhiễm với hơn 1,46 triệu ca. Đất nước hình lục lăng liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới trong 24 giờ trên mức 50 nghìn.
Theo TTXVN, Văn phòng báo chí của Thủ tướng Gruzia ngày 2-11 thông báo Thủ tướng Giorgi Gakharia đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tuyên bố của cơ quan trên cho biết Thủ tướng Gakharia đã tự cách ly vào sáng 2-11 sau khi một trong những vệ sĩ của ông dương tính với virus SARS-CoV-2.
Gruzia, quốc gia nằm ở khu vực Nam Caucasus với 3,7 triệu dân, tới nay đã ghi nhận tổng cộng 42.579 ca mắc Covid-19, trong đó có 342 ca tử vong.
Trong khi đó theo TTXVN, làn sóng lây nhiễm Covid-19 tại Bỉ, một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm mạnh đang có xu hướng chậm lại.
Chính phủ Bỉ cùng ngày cho biết tỷ lệ gia tăng số ca mắc Covid-19 mới tại nước này đang có những dấu hiệu chững lại đầu tiên, nhưng vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định làn sóng thứ hai đã đạt đỉnh tại quốc gia Tây Âu này.
Theo người phát ngôn của Bộ Y tế Bỉ Yves Van Laethem, số ca nhiễm mới và nhập viện tiếp tục tăng, nhưng đã chậm hơn. Theo số liệu chính thức của Bỉ, đất nước 11 triệu dân này, nơi đặt trụ sở chính của Liên hiệp châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hiện có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất châu Âu và là một trong những quốc gia chứng kiến tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới.
Trong một cuộc họp báo, ông Van Laethem thông báo mức tăng trung bình hàng ngày số ca nhiễm mới trong 7 ngày qua là 15.582, tăng 14% so với tuần trước, nhưng đã chậm lại so với mức tăng gần gấp đôi mỗi tuần trong những tuần trước đó. Tại thủ đô Brussels, số ca nhiễm mới giảm hàng tuần.
Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, Bỉ vẫn ghi nhận 1.735 ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong vòng 14 ngày tính đến ngày 2-11, tỷ lệ cao hơn gấp đôi so với nước láng giềng Pháp.
Chính phủ Bỉ bắt đầu áp đặt các biện pháp siết chặt kiểm soát từ ngày 2/11-13/12 nhằm làm chậm sự lây lan của bệnh dịch, với việc hạn chế tối đa giao tiếp xã hội và đóng cửa các cơ sở ngành nghề tiếp xúc trực tiếp như tiệm làm tóc và cửa hàng không thiết yếu
Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia hiện là quốc gia có tổng số ca bệnh và tử vong vì Covid-19 cao nhất tại khu vực. Trong ngày 1-11, quốc gia này ghi nhận thêm 2.618 ca nhiễm mới đưa tổng số ca nhiễm lên hơn 415 nghìn ca.
Philippines - quốc gia chịu tác động dịch bệnh nghiêm trọng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á - tiếp tục ghi nhận thêm 2.298 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia này lên là 385.400 ca.
Cũng theo TTXVN, ngày họp đầu tiên của Hạ viện Malaysia đã kết thúc sớm hơn dự kiến, sau khi có thông tin nhân viên tháp tùng một Thượng nghị sĩ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Takiyuddin Hassan, cuộc họp ngày 2-11 đã tạm dừng vào lúc 13 giờ thay vì 17 giờ 30 phút như dự kiến.
Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp khẩn của Chủ tịch Hạ viện Azhar Azizan Harun với lãnh đạo các đảng phái và đại diện của Bộ Y tế.
Hạ viện cũng sẽ sớm đưa ra quy định đăng ký ra, vào làm việc tại trụ sở của cơ quan lập pháp này, áp dụng đối với các nghị sĩ và những người đi cùng.
Những thay đổi sẽ được cập nhật và gửi đến kịp thời cho lãnh đạo các đảng. Kỳ họp lần này của Hạ viện Malaysia dự kiến kéo dài đến ngày 15-12 tới, chủ yếu tập trung vào chủ đề chống Covid-19 và Dự thảo Ngân sách 2021.
Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nền kinh tế của Malaysia khó có khả năng phục hồi trong năm 2020.
Hiện quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 33.339 ca nhiễm Covid-19 và 1.237 ca tử vong.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 9 giờ ngày 1-11 (giờ Việt Nam):
5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 9.567.200 ca mắc, 236.986 ca tử vong
2. Ấn Độ: 8.266.914 ca mắc, 123.139 ca tử vong
3. Brazil: 5.554.206 ca mắc, 160.272 ca tử vong
4. Nga: 1.655.038 ca mắc, 28.473 ca tử vong
5. Pháp: 1.466.433 ca mắc, 37.435 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 415.402 ca mắc, 14.044 ca tử vong
2. Philippines: 385.400 ca mắc, 7.269 ca tử vong
3. Singapore: 58.020 ca mắc, 28 ca tử vong
4. Myanmar: 54.607 ca mắc, 1.237 ca tử vong
5. Malaysia: 33.339 ca mắc, 251 ca tử vong
6. Thái Lan: 3.787 ca mắc, 59 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.192 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 292 ca mắc
9. Brunei: 148 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 24 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 13.849.258 ca mắc, 245.850 ca tử vong
2. Bắc Mỹ: 11.417.978 ca mắc, 354.157 ca tử vong
3. Châu Âu: 10.451.112 ca mắc, 270.070 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 9.741.397 ca mắc, 296.474 ca tử vong
5. Châu Phi: 1.813.790 ca mắc, 43.461 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 38.879 ca mắc, 979 ca tử vong
Theo Báo Nhân Dân