Số hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp tăng nhanh

10/07/2025 - 18:15

Theo thông tin Bộ Tài chính chiều 10/7, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang lớn mạnh, nhất là sau 2 tháng triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).

Chú thích ảnh

Cùng với việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tại thị trường trong nước, Công ty Sơn Hà (mã chứng khoán SHE) đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Ảnh: Sơn Hà

Một số chỉ số quan trọng có sự tăng trưởng mạnh như: Số lượng doanh nghiệp thành lập mới (trong 6 tháng đầu năm là gần 91.200 doanh nghiệp, tăng 60,51% so với cùng kỳ); số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong nửa đầu năm 2025 là trên 61.500 doanh nghiệp (tăng 57,22% so với cùng kỳ); số hộ kinh doanh thành lập mới trong tháng 6/2025 là trên 124.300 hộ kinh doanh (tăng 118,4% so với cùng kỳ). Cũng chính từ sau Nghị quyết 68-NQ/TW làn sóng khởi nghiệp đã trở nên mạnh mẽ. Minh chứng là con số doanh nghiệp thành lập mới và số hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình sang doanh nghiệp.

Mặt khác, thực hiện Nghị quyết 68, đến nay đã có 13.699 hộ kinh doanh chuyển sang kê khai thuế theo đúng quy định. Trong 6 tháng đầu năm nay, có 1.474 hộ kinh doanh truyền thống chuyển đổi thành doanh nghiệp, trong đó riêng tháng 6/2025 có 910 hộ, chiếm gần 2/3 tổng số hộ chuyển đổi.

“Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân và thúc đẩy khởi nghiệp. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, khởi nghiệp và phát triển KTTN”, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cho biết.

Theo bà Trịnh Thị Hương, lần đầu tiên, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng cao hơn 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui, cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi và phát triển đang được củng cố.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để triển khai các giải pháp phù hợp, đồng hành cùng doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và góp phần xây dựng một nền kinh tế tự cường, năng động và bền vững.

Đề cập vấn đề này, PGS. TS Trần Đình Thiên cho biết, Nghị quyết 68 được đánh giá là sẽ tháo gỡ rất nhiều nút thắt cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, trong đó có những vấn đề rất căn cơ như vốn, quản lý Nhà nước, công nghệ... Nếu các điều kiện được mở ra thuận lợi, doanh nghiệp sẽ tự xác định được cách tiếp cận vốn, cách giải quyết vấn đề công nghệ hay nguồn nhân lực như thế nào cho phù hợp.

Về vốn, hiện nay, chủ trương là mở rộng, không đặt giới hạn nào đối với khu vực tư nhân. Đây là điều doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý. “Tất nhiên, nói không giới hạn không có nghĩa là buông lỏng hoàn toàn, Nhà nước cần dỡ bỏ các rào cản còn tồn tại, chẳng hạn như điều kiện tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, các thủ tục về thuế, bảo lãnh… Tất cả những yếu tố đó cần được cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp”, ông Trần Đình Thiên cho biết.

Nếu doanh nghiệp muốn có cơ hội tiếp cận vốn tốt, chuyên gia này cho rằng, cần có đội ngũ nhân lực chất lượng, có thị trường rõ ràng, có kế hoạch kinh doanh thuyết phục. Khi doanh nghiệp chủ động, tích cực cải thiện nội lực, mới có thể tiếp cận được các nguồn lực bên ngoài một cách thực chất và bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm, ngành Tài chính thu được 1.332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán, tăng 28,3% so cùng kỳ năm 2024.

Trong đó thu nội địa đạt 1.158,4 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán, tăng 33,3% so cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 24,6 nghìn tỷ đồng, bằng 46,3% dự toán, giảm 16,7% so cùng kỳ (giá dầu thanh toán bình quân 6 tháng đạt khoảng 76,8 USD/thùng, bằng 81,9% so cùng kỳ); thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 148,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,3% dự toán, tăng 6,5% so cùng kỳ.

Theo TTXVN