(Nguồn: AFP)
Giữa bãi đất đá nằm xa khu vực biển băng, một con gấu Bắc Cực Canada ngồi đơn độc dưới ánh nắng Mặt Trời, trong khi lớp lông trắng muốt cũng không còn tác dụng ngụy trang nữa.
Thời điểm này là giữa mùa Hè trên bờ Vịnh Hudson, cũng là thời điểm nguy cấp đối với sự sống của loài gấu Bắc Cực sinh sống tại khu vực
Hằng năm từ cuối tháng 6, khi băng ở vịnh tan chảy và dần biến mất, gấu Bắc Cực phải di chuyển lên bờ để bắt đầu bước vào giai đoạn nhịn ăn bắt buộc. Tuy nhiên, do nhiệt độ trung bình ngày càng tăng, giai đoạn nhịn ăn của gấu cũng bị kéo dài thêm.
Ông Geoff York, một nhà sinh vật học của tổ chức phi lợi nhuận về bảo tồn gấu Bắc Cực - Polar Bear International (PBI), giải thích rằng một khi đã di tản sang nền đất thường, lựa chọn về thức ăn của gấu Bắc Cực sẽ bị hạn chế.
Theo một số nghiên cứu gần đây, sự ấm lên của Trái Đất đang ảnh hưởng đến Bắc Cực nhanh gấp 3 lần so với các khu vực khác trên thế giới - thậm chí theo một số nghiên cứu gần đây là gấp 4 lần. Vì vậy, biển băng - nơi sinh sống của loài gấu Bắc Cực, đang dần biến mất.
Một báo cáo được công bố 2 năm trước trên tạp chí Nature Climate Change cho rằng xu hướng này có thể đẩy loài vật to lớn đến trước bờ vực tuyệt chủng.
Vào những năm 1980, vịnh Hudson ghi nhận khoảng 1.200 cá thể gấu Bắc Cực sinh sống nhưng ngày nay, các nhà khoa học ước tính con số này chỉ còn khoảng 800.
Qua mỗi mùa Hè, băng biển có xu hướng tan nhanh hơn, trong khi các đợt hình thành băng mới ngày càng trễ lại. Do đó, biến đổi khí hậu đe dọa chính chu kỳ sống của gấu Bắc Cực, khiến loài động vật này có ít thời gian để tích trữ chất béo và calo trước khi bước vào giai đoạn nhịn ăn của mùa Hè.
Gấu Bắc Cực - có tên khoa học Ursus maritimus - là một loài động vật ăn thịt, với nguồn thức ăn chính là chất béo trắng bao bọc và cách nhiệt cơ thể hải cẩu. Tuy nhiên, ngày nay, loài động vật săn mồi Bắc Cực này đôi khi phải ăn rong biển.
Ông Steve Amstrup, một nhà khoa học của PBI, cho biết nếu gấu cái không có thức ăn đầy đủ trong 117 ngày, việc nuôi con của chúng sẽ trở nên khó khăn, còn con đực có sức nhịn ăn cao hơn, khoảng 180 ngày.
Do đó, tỷ lệ sinh của gấu Bắc Cực cũng giảm theo và việc sinh lứa 3 gấu con - vốn là điều thông thường, giờ đây cũng hiếm xảy ra hơn nhiều.
Ông York cho biết đây là dấu hiệu cho thấy cả một hệ sinh thái đang suy tàn. Qua nhiều năm theo dõi và nghiên cứu về sinh vật này ngay tại Churchill - một thị trấn nhỏ ở rìa Bắc Cực thuộc tỉnh Manitoba, miền Bắc Canada - ông York khẳng định gấu Bắc cực tại vịnh Hudson ngày nay phải nhịn ăn lâu hơn so với trước đây khoảng 1 tháng.
Theo ông York, điều này cũng khiến thói quen săn mồi của gấu Bắc Cực thay đổi, khi gần đây, loài gấu bắt đầu xuất hiện tại các bãi rác địa phương tại thị trấn Churchill. Tuy đây là một nguồn thức ăn dễ kiếm, song không hề tốt cho sức khỏe của gấu khi chúng có thể ăn phải các chất thải như nhựa... trong khi đó lại gây nguy hiểm cho người dân nếu thường xuyên chạm trán loài sinh vật này.
Ông Flavio Lehner, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Cornell, nhận định rằng số phận ngày càng "mong manh" của loài gấu Bắc cực chính là lời cảnh tình cho nhân loại, khi Bắc Cực được coi là "chiếc áp kế" cho sức khỏe của Trái Đất.
Ông Lehner nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này đối với khí hậu toàn cầu, vì Bắc Cực được coi là chiếc "điều hòa không khí" hiệu quả cho hành tinh.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết quốc gia Mỹ, kể từ những năm 1980, lượng băng trong vịnh Hudson đã giảm gần 50% vào mùa Hè.
Theo lý giải của ông Lehner, cơ chế điều hòa khí hậu bằng băng tuyết rất quan trọng, trong đó lớp băng tuyết phản xạ đến 80% lượng tia nắng Mặt Trời, mang lại hiệu ứng làm mát.
Khi Bắc Cực mất khả năng phản xạ những tia sáng đó thì nhiệt độ toàn cầu cũng bị ảnh hưởng, do khi băng biển tan chảy, thì bề mặt đại dương sẽ là nơi hấp thụ lượng ánh nắng Mặt Trời. Với đặc thù về sắc tố tối hơn nhiều so với băng, thì điều này sẽ tác động khiến quá trình ấm lên toàn cầu tăng tốc.
Cách đây vài năm, giới khoa học lo ngại rằng lớp băng mùa Hè ở Bắc Cực đang nhanh chóng đạt đến "điểm tới hạn" về khí hậu và tới một nhiệt độ nhất định, băng sẽ hoàn toàn biến mất.
Tuy nhiên, ông Lehner cho biết nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy hiện tượng này có thể đảo ngược. Theo ông Lehner, nếu nhiệt độ trung bình được duy trì mức thấp hơn, thì băng biển có thể trở lại như trước đây.
Bà Jane Waterman, một nhà sinh vật học tại Đại học Manitoba, cho biết biến đổi khí hậu đang tác động tới đời sống của mọi sinh vật tại Bắc Cực. Permafrost - tầng đất bị đóng băng vĩnh viễn - trong 2 năm liên tiếp đã bắt đầu tan chảy, và ở thị trấn Churchill, nền đất bị dịch chuyển đã ảnh hưởng đến cấu trúc của các tuyến đường sắt và môi trường sống của các loài hoang dã.
Môi trường sinh sống thay đổi cũng sẽ tác động đến tập tính của mọi sinh vật - từ các loài vi sinh cho đến cá voi khổng lồ, thậm chí đe dọa trật tự chuỗi thức ăn của Bắc Cực khi sự thay đổi này dẫn đến việc di cư của các loài săn mồi khác như cáo và chó sói.
Theo HOÀNG CHÂU (TTXVN)