Sở Tư pháp An Giang nâng cao chỉ số hài lòng của người dân

04/09/2023 - 07:05

 - Tháng 7/2023, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ký ban hành Quyết định 1096/QĐ-UBND, công bố Chỉ số hài lòng của người dân. Sở Tư pháp đạt 90,16 điểm, đứng thứ 2/18 sở, ban, ngành về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2022.

Theo Sở Tư pháp An Giang, kết quả trên đến từ nỗ lực, phấn đấu liên tục của Đảng ủy, Ban Giám đốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành trong lãnh, chỉ đạo, kiện toàn bộ máy, cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Toàn ngành thực hiện nghiêm Nghị quyết 76/NQ-CP, ngày 15/7/2021 của Chính phủ; Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định 3037/QĐ-UBND, ngày 21/12/2021 của UBND tỉnh ban hành Chương trình CCHC tỉnh giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 với đột phá “Cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn”.

Giám đốc Sở Tư pháp An Giang Cao Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị thi đua 6 tháng đầu năm 2023

Nhiều năm qua, ngành tư pháp kiện toàn bộ máy, đổi mới, nâng chất hoạt động chuyên môn, thực hiện nghiêm quy định của Bộ Tư pháp; kế hoạch của UBND tỉnh về CCHC hàng năm; bám sát các nội dung về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đề ra (Chỉ số SIPAS).

Năm 2022, Sở Tư pháp cụ thể hóa 31 đầu công việc, hoàn thành 100% công việc đề ra, không để “nợ” hay chậm trễ. 6 tháng đầu năm 2023, Sở Tư pháp tiếp nhận 6.305 hồ sơ, giải quyết 6.126 vụ, có 99,9% vụ giải quyết trước thời hạn.

. Trong công tác chuyển đổi số, ngành triển khai thí điểm kết nối liên thông TTHC đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử giữa Hệ thống thông tin quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, chọn TP. Long Xuyên thí điểm triển khai, thực hiện toàn hệ thống.

Để nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách của cơ quan Nhà nước, Sở Tư pháp mở rộng kênh thông tin tuyên truyền, sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp, phản hồi, giải trình việc thực hiện chủ trương chính sách.

Trong cải cách thể chế, Sở Tư pháp An Giang phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn 172/UBND-NC, ngày 27/2/2023 về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023; trình ban hành 5 quyết định thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nông nghiệp và phát triển nông thôn, kế hoạch và đầu tư

Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 07/2012/NQ-HĐND, ngày 10/7/2012 của HĐND tỉnh về kinh phí hỗ trợ cho công tác xây dựng, hoàn thiện và kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn. Ngành rà soát, đôn đốc việc thực hiện danh mục xây dựng quyết định quy phạm pháp luật của UBNND tỉnh; điều tra, khảo sát, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn.

Trong cải cách TTHC, Sở Tư pháp An Giang tiếp tục rà soát, cập nhật danh mục được ban hành văn bản mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; cập nhật, công khai quyết định đã công bố danh mục trên Cổng thông tin điện tử tỉnh; xây dựng, trình phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, quản lý của các đơn vị.

Cùng với cải cách tổ chức bộ máy hành chính, chế độ công vụ, cải cách tài chính công... Sở Tư pháp đặc biệt quan tâm công tác xây dựng và phát triển chính quyền số, coi đây là nhóm tiêu chí hàng đầu CCHC, triển khai thực hiện trong toàn ngành.

Điển hình như, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TX. Tịnh Biên là lá cờ xung kích chuyển đổi số, là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh, thị xã đến tận cơ sở. Để thực hiện, đơn vị xây dựng “Tổ công nghệ số”, phát động chiến dịch truyền thông trong thanh niên và cộng đồng, làm nòng cốt hướng dẫn, trực tiếp hỗ trợ ở bộ phận “một cửa” UBND xã, phường, thị trấn, cơ quan, ban, ngành, đơn vị

Đến nay, 100% cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND xã, phường, thị trấn ứng dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành có sử dụng chữ ký số. 100% văn bản đến - đi trao đổi qua phần mềm, 100% sử dụng hệ thống thư điện tử. Ở các đầu mối bố trí cán bộ túc trực tiếp nhận, xử lý, không để thông tin, văn bản bị chậm trễ hay tắc nghẽn.

Giám đốc Sở Tư pháp An Giang Cao Thanh Sơn cho biết: “Phát huy kết quả đạt được, ngành giữ vững, tiếp tục nâng cao mức độ hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Đây là trách nhiệm, cũng là thực hiện mục tiêu của Chính phủ đề ra, đến năm 2025 “Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%”.

Toàn ngành tiếp tục nỗ lực hơn nữa, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bảo đảm không để tụt lùi chỉ số hài lòng của người dân đối với ngành. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc”.

NGUYỄN RẠNG