Sở Tư pháp An Giang phổ biến, giáo dục pháp luật: Di chúc thừa kế

28/05/2024 - 13:47

 - Bà H.N.Dung (ngụ huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) hỏi: Ông Minh có 3 người con, trong đó chị Dung là con gái út. Trước khi mất, ông Minh có lập 1 bản di chúc (viết tay trên giấy A4), để lại toàn bộ tài sản cho con gái là chị Dung.

Tuy nhiên, bản di chúc này không được công chứng và chứng thực. Khi ông Minh mất, anh trai và chị gái của chị Dung tranh chấp tài sản, yêu cầu chia lại tài sản để lại, vì họ cho rằng bản di chúc lập không hợp pháp.

Chị Dung muốn hỏi, di chúc của bố chị để lại trong trường hợp trên, không được công chứng và chứng thực thì có hợp pháp hay không?

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp An Giang trả lời:

Theo Điều 627, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hình thức của di chúc như sau: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”.

Ngoài ra, căn cứ Điều 630, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

...

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 điều này…”.

Theo quy định trên, di chúc của bố chị Dung được lập bằng văn bản (viết tay trên giấy A4), không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện tại Khoản 1 và Khoản 4, Điều 630, Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

HOA AN