Cụ thể, Sở Y tế An Giang đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai đến các Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiêm phòng và điều trị bệnh dại đầy đủ; xây dựng kế hoạch cung ứng, sử dụng vaccine và huyết thanh kháng dại; rà soát, kiện toàn, mở rộng số lượng điểm tiêm chủng phục vụ công tác điều trị dự phòng, đảm bảo khả năng dễ tiếp cận, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ cao, mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm; đảm bảo đủ trang thiết bị, vaccine và huyết thanh kháng dại.
Cần tăng cường quản lý, tiêm phòng cho vật nuôi
Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền phòng, chống bệnh dại trong cộng đồng; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong chủ động phòng, chống bệnh. Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi bị động vật cắn để tiêm vaccine phòng bệnh kịp thời.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có công văn đề nghị các địa phương tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh; truyền thông phòng, chống bệnh dại trong thời điểm mùa nắng nóng; nhắc nhở người dân chủ động tiêm phòng cho vật nuôi, hạn chế tiếp xúc với chó mèo thả rông và khi bị chó, mèo cắn biết xử lý ngay vết thương và tiêm phòng vaccine sớm nhất.
Theo Bộ Y tế, tình hình bệnh dại trên người thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. 2 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 18 ca tử vong do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố, tăng 9 ca so cùng kỳ năm 2023. Riêng miền Nam có 5 ca tử vong, gồm: Bến Tre (1 ca), Long An (3 ca), Cà Mau (1 ca). Khu vực ĐBSCL bệnh dại trên động vật xảy ra 8 ổ dịch ở 5 tỉnh; tại An Giang đã xảy ra 2 ổ dịch tại xã Ô Long Vĩ và Bình Phú (huyện Châu Phú) vào tuần đầu tháng 3/2024, chó dại đã cắn 6 người bị thương
HẠNH CHÂU