Sôi động thị trường tiêu dùng

19/04/2024 - 06:11

 - Những tháng đầu năm 2024, ngành công thương An Giang đã triển khai nhiều giải pháp bình ổn, phát triển thị trường và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất - kinh doanh (SXKD). Nhờ vậy, thị trường hàng hóa và thương mại - dịch vụ trên địa bàn tiếp tục duy trì tăng trưởng khá…

Theo Sở Công Thương An Giang, quý I/2024, thị trường hàng hóa được duy trì ổn định. Do đây là thời điểm trùng Tết Nguyên đán nên hàng hóa được các DN chuẩn bị dồi dào, chủng loại phong phú, chất lượng đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Cùng với đó, sức mua các loại hàng hóa thời điểm này tăng mạnh, tập trung vào nhóm hàng lương thực - thực phẩm, bánh mứt, quà Tết. Ngoài ra, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi áp dụng nhiều chương trình khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, quan sát thực tế cho thấy, sức mua hàng hóa tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi năm nay giảm so những năm trước. Nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng chi tiêu hạn chế và tiết kiệm hơn. Cùng với đó là sự bùng nổ của mạng xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của những nền tảng thương mại điện tử nên có sự chuyển dịch trong thói quen mua sắm...

Nhìn chung, thị trường hàng hóa quý I/2024 dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng, không xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý đối với các mặt hàng thiết yếu. Theo Sở Công Thương An Giang, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2024 ước đạt trên 28.038 tỷ đồng, tăng 14,86% so cùng kỳ và vượt 8,37% so kịch bản tăng trưởng quý I của tỉnh (25.871 tỷ đồng).

Trong đó, tổng mức bán lẻ trên 20.337 tỷ đồng. Có được kết quả trên, ngành công thương An Giang đã đẩy mạnh công tác phát triển hạ tầng thương mại và dịch vụ logistics; triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”… Đặc biệt, công tác bình ổn thị trường được đẩy mạnh triển khai…

Thị trường nội địa những tháng đầu năm có mức tăng trưởng khá

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, có 20 DN tham gia bình ổn thị trường, tổng số tiền dự trữ hàng hóa trên 1.249 tỷ đồng (tính từ ngày 1/11/2023 - 29/2/2024). Trong đó, nhóm hàng lương thực - thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… 682 tỷ đồng, tăng 6,5% so cùng kỳ; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng 567 tỷ đồng, bằng 99% so năm trước.

Với sự chuẩn bị nguồn hàng dồi dào của các DN; công tác chỉ đạo, điều hành của ngành công thương, chương trình bình ổn thị trường bảo đảm ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ước tính tổng doanh số bán hàng của các DN, siêu thị, cửa hàng tiện ích tham gia bình ổn thị trường đạt trên 85% so kế hoạch phục vụ Tết 2024. Trong đó, một số DN vượt kế hoạch đề ra.

Cũng trong quý I/2024, Sở Công Thương chủ động phối hợp Cục Quản lý thị trường, triển khai thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thương mại. Tính từ ngày 15/11/2023 - 13/2/2024, đã kiểm tra 172 vụ, phát hiện 131 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm trên 2,4 tỷ đồng; xử lý 127 vụ, thu phạt vi phạm hành chính trên 854 triệu đồng.

Ngoài ra, Sở Công Thương An Giang còn phối hợp các Đội Quản lý thị trường, thường xuyên giám sát tình hình kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Tổ chức lớp tập huấn về nhận diện cảnh giác thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao; thanh toán không dùng tiền mặt, hợp đồng điện tử và quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và trang cá nhân. Đồng thời, triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kết nối tiêu thụ sản phẩm cho DN, cơ sở SXKD trong tỉnh…

Thời gian tới, ngành công thương An Giang tiếp tục triển khai những giải pháp nhằm phấn đấu đạt các chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024. Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, đơn vị sẽ thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời thông tin giá cả thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Từ đó, kịp thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương An Giang tiếp tục triển khai hoạt động hỗ trợ DN phát triển SXKD; thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động quản lý và kinh doanh. Mặt khác, hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ nông dân kết nối, mở rộng kênh tiêu thụ, mua bán trực tuyến trên sàn thương mại điện tử. Tổ chức tập huấn thanh toán không dùng tiền mặt; hợp đồng điện tử và quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và trang mạng xã hội cá nhân…

Tiếp tục triển khai chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Ngoài ra, đơn vị sẽ phối hợp sở, ban, ngành liên quan và địa phương mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại và logistics. Đồng thời, hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn…

 ĐỨC TOÀN