Ảnh minh họa.
Sau cao điểm diễn ra đại dịch Covid-19, tại một số cơ sở y tế công lập, rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế trong khu vực công ồ ạt nghỉ việc, dẫn tới báo động về việc “chảy máu” nguồn nhân lực trong lực lượng y tế công. Ðiều này nếu không có những biện pháp căn cơ sẽ dẫn đến sự xáo trộn nhanh về nhân sự trong hệ thống y tế công, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Theo báo cáo chưa đầy đủ của Bộ Y tế, có hơn 4.500 cán bộ y tế bỏ việc sau đại dịch, trong đó có nhiều bác sĩ giỏi, bác sĩ đầu ngành được mời chào ra khu vực y tế tư nhân với mức thu nhập cao, ổn định mà không có nhiều áp lực, nhiều nỗi sợ đè nặng như trong hệ thống y tế công lập: đấu thầu, thiếu thuốc, trang thiết bị…
Theo số liệu nghiên cứu về “Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong Covid-19”, do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì khảo sát hơn 2.700 nhân viên y tế trên cả nước tính đến hết tháng 12/2021, cho thấy: khoảng 60% số nhân viên y tế phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch; hơn 1/3 số nhân viên y tế cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ bị giảm…
Tại diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, muốn cán bộ ngành y bám trụ với nghề, lương cần phải đủ sống và lo được cho gia đình thì họ mới yên tâm công tác, nhất là tiền lương, chế độ đãi ngộ đối với tuyến y tế cơ sở, cán bộ y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa. Những kiến nghị về chính sách đãi ngộ đối với nhân viên ngành y không phải là điều mới mẻ, tuy nhiên, sau gần ba năm chống dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ y tế vô cùng vất vả, thậm chí có người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, trong khi chế độ đãi ngộ chưa cao.
Bên cạnh đó, cũng chưa bao giờ ngành y lại phải đối mặt với nhiều vấn đề về pháp lý của hàng loạt cán bộ lãnh đạo trong hệ thống cũng như vướng mắc trong tư tưởng, tâm lý, áp lực công việc như hiện nay.
Cần có một chế độ đãi ngộ tương xứng là điều rất nhiều cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động ngành y đang mong chờ Nhà nước và Bộ Y tế xem xét. Các kiến nghị tập trung vào một số giải pháp như: đầu tư và nâng cao năng lực hệ thống y tế tuyến huyện, trạm y tế xã, phường; cần biên chế đối với tất cả các bác sĩ tuyến huyện; nâng phụ cấp lên 100% đối với nhân viên được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế, thường xuyên làm việc ở y tế dự phòng và các trạm y tế...
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế nhận định, mức lương khởi điểm hiện nay đối với một bác sĩ tốt nghiệp đại học ra trường là chưa công bằng. Vì thời gian học của một bác sĩ là ít nhất sáu năm, trong khi đó các ngành khác chỉ mất bốn năm. Bác sĩ khi ra trường, đi làm phải mất thêm 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1.
Ðây là lý do Công đoàn Y tế đề nghị lương của bác sĩ được áp dụng mức khởi điểm tương đương bậc 2 là 2,67. Bên cạnh đó, các chế độ phụ cấp cũng được đề xuất tương đương một số ngành đặc thù khác.
Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa 6 nêu rõ: Nghề y là một nghề đặc biệt cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Thế nhưng với đại đa số nhân viên ngành y chưa cảm nhận được sự đãi ngộ đó.
Thiết nghĩ, do đặc thù nghề nghiệp, đội ngũ cán bộ y tế luôn trong tuyến đầu, sẵn sàng nhận các nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, việc hoàn thiện, bổ sung chính sách đãi ngộ đội ngũ này là việc cần sớm giải quyết nhằm vực dậy tinh thần và đời sống của cán bộ ngành y. Ðiều này không chỉ tri ân, giúp đội ngũ y tế yên tâm thực hiện trách nhiệm nghề nghiệp, mà còn là một giải pháp cơ bản, lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Theo NGỌC HÀ (Nhân Dân)