Những ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận một số lượng bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết gia tăng bất thường.
Nếu như ở thời điểm này của cùng kỳ các năm trước, trung bình bệnh viện có khoảng 30-40 bệnh nhân điều trị thì năm nay lên đến 50 bệnh nhân. Không đủ giường bệnh, các bác sỹ buộc phải kê thêm giường ngoài hành lang.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, cho biết thông thường thời điểm sau Tết Nguyên đán là chu kỳ đi xuống của bệnh sốt xuất huyết nhưng năm nay số ca điều trị tại khoa vẫn đang ở mức cao.
Bệnh nhi mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, bệnh nhân liên tục nhập viện khiến các bác sỹ, điều dưỡng của Khoa Nhiễm D phải căng mình làm việc, thời gian nghỉ Tết ít hơn hẳn mọi năm.
Bị sốt từ ngày mùng hai Tết nhưng nghĩ là bị cảm cúm thông thường nên anh Nguyễn Hoàng Huy (24 tuổi, trú ở tỉnh Bạc Liêu) chỉ mua thuốc về uống. Sau hai ngày không hết sốt, anh mới đi bệnh viện khám bệnh, được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết ở ngày thứ năm và được chỉ định chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp tục điều trị.
Bệnh nhi mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 1/2019, Bệnh viện tiếp nhận 1.690 bệnh nhân nhập viện điều trị sốt xuất huyết, tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài các bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị, bệnh viện cũng tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân điều trị ngoại trú mỗi ngày. “Thông thường những bệnh nhân mà cơ địa không có bệnh nền, không thừa cân và bệnh nhẹ chúng tôi sẽ điều trị ngoại trú, hẹn tái khám mỗi ngày, nếu không bệnh viện sẽ trở nên quá tải nội trú,” bác sỹ Phong chia sẻ.
Cũng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2019 đến ngày 14-2, đã có một trường hợp là người lớn tử vong do sốt xuất huyết. Ngoài ra, có thêm bốn trường hợp nặng phải cho thở máy, tiến hành lọc máu.
Trong khi đó, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 1-1 đến 10-2, tính riêng trên địa bàn thành phố có 6.067 trường hợp phải nhập viện điều trị sốt xuất huyết. Mặc dù đã rơi vào cuối mùa dịch 2018-2019 nhưng con số này vẫn đang cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với bệnh sốt xuất huyết, những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận hơn 1.000 trẻ em mắc bệnh sởi. Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết từ ngày 1-1 đến 10-2, trên địa bàn Thành phố có 987 trẻ mắc sởi phải nhập viện điều trị.
Theo bác sỹ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, hiện bệnh sởi đã có mặt tại tất cả 24 quận huyện, trong đó số ca mắc sởi tập trung nhiều nhất là ở các quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 7, huyện Bình Chánh... Đặc biệt, qua khảo sát, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh nhận định 95% trường hợp mắc sởi chưa được tiêm ngừa vắcxin sởi.
Trong bối cảnh bệnh sởi đang có xu hướng quay trở lại trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, các bác sỹ khuyến cáo, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm ngừa vắcxin sởi đầy đủ hai mũi ở thời điểm 9 tháng và 18 tháng. Trẻ mắc bệnh sởi cần được cách ly, người lớn và trẻ nhỏ cần rửa tay sạch với xà phòng, để hạn chế bệnh sởi lây lan trong cộng đồng./.
Theo ĐINH HẰNG (Vietnam+)