Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ để đối phó với khủng hoảng kinh tế

13/04/2022 - 19:14

Tờ The Hindu trích nguồn tin tại Sri Lanka ngày 12/4 cho biết, nước này đã tuyên bố vỡ nợ trước đối với toàn bộ khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD như một “phương sách cuối cùng” giữa lúc quốc đảo này đang phải vật lộn để đối phó với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.


Người dân mua thực phẩm tại khu chợ ở Colombo, Sri Lanka. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Bộ Tài chính Sri Lanka cho hay Chính phủ nước này đang thực hiện "các biện pháp khẩn cấp", trong khi chờ các cuộc thảo luận đầy đủ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nơi mà họ đã tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ để ngăn chặn sự thâm hụt tài chính sâu hơn của đất nước. Một chương trình tái cơ cấu nợ toàn diện hiện là “không thể tránh khỏi".

Quyết định trên được đưa ra sau hai thay đổi chính sách quan trọng khác. Sri Lanka thả nổi đồng rupee vào đầu tháng 3/2022, khiến đồng tiền này giảm giá đáng kể. Gần đây, Ngân hàng trung ương Sri Lanka tăng lãi suất thêm 7 điểm phần trăm trong nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ, dường như để chuẩn bị cho một gói IMF mà Chính phủ muốn “xúc tiến”.

Nhà lập pháp và nhà kinh tế đối lập Harsha De Silva nói với The Hindu rằng, câu hỏi bây giờ là những người nắm giữ trái phiếu của nước này xem quyết định này như thế nào. Lý tưởng nhất là chính phủ nên tìm kiếm sự đồng ý của họ thay vì lao vào một vụ vỡ nợ đơn phương.

Đảng Quốc gia thống nhất đối lập kêu gọi "một lời giải thích đầy đủ" tại Quốc hội, về điều gì dẫn đến "tình huống này" khi cơ quan lập pháp triệu tập ngày 19/4 tới. Bộ Tài chính Sri Lanka đã đưa ra “lập trường chính sách” áp dụng cho tất cả mọi người và nỗ lực xây dựng thiện chí. A.Kadirgamar, nhà kinh tế chính trị Đại học Jaffna, cho biết Chính phủ sử dụng đến phương sách vỡ nợ ngay cả trước khi bắt đầu đàm phán với IMF nghĩa là “Sri Lanka hoàn toàn mất khả năng thương lượng” với các tổ chức cho vay quốc tế.

Kể từ thời điểm Chính phủ miễn cưỡng đồng ý tham gia một chương trình của IMF, một số người ở Sri Lanka đã lưu ý tác động tiềm tàng của các điều kiện mà IMF đưa ra đối với người dân bình thường, bao gồm khả năng tăng thuế trên diện rộng, cắt giảm chi tiêu nhà nước do thắt lưng buộc bụng và đẩy mạnh tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ.

Ông Kadirgamar nhấn mạnh: “Chương trình này của IMF có thể sẽ mang lại kết quả như vào năm 1977-1978, khi Sri Lanka thực hiện chương trình điều chỉnh cơ cấu của IMF và nước này trở thành quốc gia đầu tiên tự do hóa nền kinh tế ở Nam Á. Nó có thể có nghĩa là một cuộc tấn công toàn diện vào những gì còn lại của hệ thống phúc lợi xã hội của Sri Lanka, gây mất việc làm và đe dọa mức độ phát triển con người vốn có nước này”.

Bất chấp những căng thẳng kinh tế trong quá khứ, Sri Lanka đã duy trì thành tích khá tốt về khả năng thanh toán nợ, khiến nước này trở thành đối tác ưu tiên của các chủ nợ. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã tìm cách thu hút nguồn “ngoại hối rất cần thiết” từ những người Sri Lanka sống ở nước ngoài để tăng dự trữ ngoại tệ của đất nước khi phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men nghiêm trọng.

Trong một tuyên bố hôm 12/4, Thống đốc mới được bổ nhiệm P. Nandalal Weerasinghe đảm bảo rằng việc chuyển ngoại tệ của họ sẽ chỉ được sử dụng cho “hàng nhập khẩu thiết yếu”.

Trong khi đó, Ấn Độ gần đây đã mở rộng hạn mức tín dụng hàng tỷ USD để giúp Sri Lanka nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Hôm 12/4, một lô hàng 11.000 tấn gạo từ Ấn Độ đã đến đảo quốc này, sau 5.000 tấn đã được nhận thông qua Lộ trình tín dụng.

Theo TIẾN HIẾN (PV TTXVN tại New Delhi)