Sứ mệnh nghề giáo và trách nhiệm xã hội

10/11/2023 - 08:04

 - Nghề giáo rất cao quý. Trên bước đường phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, nghề giáo giữ một sứ mệnh trọng đại, đó là “trồng người”, vun đắp cho thế hệ tương lai. Thầy, cô giáo mang sứ mệnh ươm trồng những mầm non tươi tốt, để mai sau có thể kiến thiết, dựng xây đất nước. Cần quan tâm chăm lo nhiều hơn nữa để thầy, cô giáo hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh cao quý.

Nhiều đóng góp

Đảng và Nhà nước khẳng định, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là quốc sách hàng đầu; phát triển sự nghiệp GD&ĐT là trách nhiệm trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội. Mặc dù địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng ngành GD&ĐT An Giang luôn nỗ lực, đạt nhiều kết quả tích cực. Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, An Giang xác định đầu tư cho GD&ĐT, nâng cao dân trí là đầu tư phát triển. Tỉnh triển khai rất tốt công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và nhiều mô hình xã hội hóa giáo dục. 

Trong phổ cập giáo dục theo hướng bình đẳng, mở rộng tiếp cận giáo dục nền tảng đến khắp các địa bàn, tỷ lệ nhập học các cấp học tiểu học, THCS, THPT, đại học, cao đẳng tăng theo từng năm. Nhất là, tiếp tục tập trung thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT từ nội dung, phương pháp, cách đánh giá nhằm phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất, thể chất, kỹ năng sống của học sinh. Tỉnh duy trì và nâng cao chất lượng huy động trẻ nhà trẻ, trẻ mầm non và đạt phổ cập mẫu giáo trẻ 5 tuổi. Năm 2021 - 2022, An Giang duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Dự kiến năm 2024 sẽ đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và giáo dục THCS đạt mức 2. 

Tận tụy với nghề để mang tri thức cho học sinh

An Giang luôn chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Quan tâm xây dựng các chính sách, cơ chế đặc thù phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đội ngũ toàn ngành được kiện toàn, phát triển và bố trí sắp xếp đúng người, đúng việc, phân cấp quản lý về luân chuyển, tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập để nâng cao chất lượng dạy học.

Về nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển GD&ĐT, giai đoạn 2013 - 2022, An Giang cân đối đảm bảo các nội dung chi đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tỉnh chỉ đạo ngành GD&ĐT tích cực phối hợp các ngành liên quan phân bổ ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương trong lĩnh vực GD&ĐT thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -  xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các chương trình, dự án ODA... Qua đó, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị trường học phục vụ hoạt động dạy và học, ổn định và phát triển quy mô GD&ĐT, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phấn đấu đạt chuẩn quốc gia và hoàn thiện dần mạng lưới cơ sở giáo dục ở các địa phương…

Vẫn còn khó khăn

“Với sự đổi mới từ Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tăng cường hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh, mong rằng các em ngoài học tập kiến thức, sẽ học được những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, nâng cao phẩm chất đạo đức người học, rèn luyện kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử trong gia đình, trường học và xã hội. Phụ huynh cũng nên cảm thông, đồng hành giáo dục con trẻ cùng với giáo viên, để các em thật sự trở thành “con ngoan, trò giỏi”, những người đầy đủ tài đức trong tương lai” - Hiệu trưởng một trường THPT chia sẻ.

Cả nước đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Các thầy, cô giáo, hơn ai hết đang chịu rất nhiều áp lực: Áp lực phải đảm bảo kế hoạch dạy học, phải tập huấn đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá; áp lực từ gia đình học sinh, từ những quan niệm của xã hội về nghề giáo phải đứng đắn, chuẩn mực; áp lực thực hiện nhiệm vụ phát triển phẩm chất, năng lực, tính sáng tạo cho học sinh, dạy cho học sinh kỹ năng tự học, tự thích ứng linh hoạt để tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0…

Có thể thấy, áp lực quan trọng là chế độ chính sách lương và chế độ của nghề giáo. mặc dù, Nhà nước đã có nhiều quan tâm, nhưng thu nhập vẫn chưa đáp ứng nhu cầu về đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Theo Sở GD&ĐT, áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên bỏ nghề, chuyển việc, thiếu nguồn tuyển, không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương. Việc cắt giảm biên chế của ngành GD&ĐT theo quy định chung, đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng giảng dạy. Năm học 2022 - 2023, An Giang có 223 giáo viên nghỉ việc. Ngành cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển mới giáo viên, nhất là bậc học mầm non…

Thầy Nguyễn Thanh Tùng (Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Đoàn Bảo Đức, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới) chia sẻ: “Với đồng lương hiện tại, một mình tôi sống ở nông thôn, chi tiêu tiết kiệm có thể sống tạm ổn. Nhưng các con ngày càng lớn, chi phí học tập càng cao, nên vợ tôi phải mua bán nhỏ mới có thể trang trải đủ chi phí. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với tình yêu nghề hơn 20 năm gắn bó, tôi vẫn bám trường, bám lớp và mong sắp tới sẽ có nhiều chính sách ưu đãi hơn cho giáo viên”…

Năm học 2023 - 2024, là năm thứ 4 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn không ít khó khăn, lúng túng cần tháo gỡ để đảm bảo chất lượng chương trình đồng bộ. Việc mua sắm thiết bị càng trở nên khó khăn hơn, khi thủ tục mua sắm ngày càng siết chặt. Nhiều trường đang phải dạy chương trình mới theo kiểu dạy “chay”, chất lượng sẽ khó đảm bảo. Ví dụ, lớp 3 đã phải học môn Tin học, nhưng có trường hiện chưa được trang bị đầy đủ máy vi tính.

"Trường Tiểu học “B” Vĩnh Phú (xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn) vừa được nhà hảo tâm tặng 25 máy tính xách tay, tổng trị giá khoảng 250 triệu đồng. Nhờ đó, trường có thêm thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập các chương trình tin học trong nhà trường theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nếu không được sự hỗ trợ đó, đến giờ chắc trường chưa trang bị đủ máy tính cho học sinh học môn Tin học" - Hiệu trưởng Trường Tiểu học “B” Vĩnh Phú Trần Hữu Minh cho biết.

Quyết tâm nhiều hơn

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục vẫn đứng trước nhiều khó khăn cần phát huy hơn nữa. Tại kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XV), nhiều đại biểu băn khoăn mức lương giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non còn rất thấp nhưng áp lực công việc rất lớn. Tại buổi đối thoại của Bộ trưởng GD&ĐT với 1 triệu nhà giáo vừa qua, có 6.000 câu hỏi gửi tới bộ trưởng liên quan vấn đề này…

Tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát các quy định tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo để tăng lên mức cao nhất.

Theo thầy Nguyễn Thanh Tùng (Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Đoàn Bảo Đức), điều khó khăn nhất hiện nay đối với giáo viên cần thích ứng nhanh với sự thay đổi phương pháp giảng dạy, đổi mới sách giáo khoa. “Với sự đổi mới sẽ tạo nên môi trường giáo dục lý tưởng, giáo viên phân nhóm, hướng dẫn học sinh tìm hiểu, tự trình bày, giáo viên đúc kết. Tuy nhiên, ban đầu áp dụng sẽ gặp nhiều khó khăn. Như bậc THCS, thời gian tập huấn thay sách giáo khoa quá ngắn, quá cận năm học mới, nên giáo viên chưa được tập huấn kỹ và thiết bị dạy học cho chương trình khoa học tự nhiên chưa được cung cấp đầy đủ. Chương trình khoa học tự nhiên được xây dựng cho dạy học tích hợp (1 giáo viên dạy đủ các mạch kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học), trong khi giáo viên chưa đáp ứng đủ (1 giáo viên chỉ được đào tạo dạy 1 phân môn). Khó khăn này đã được tháo gỡ qua các văn bản chỉ đạo của bộ và sở giúp các trường tháo gỡ khăn về chương trình. Tuy nhiên, việc xây dựng chương trình mới, nên áp dụng vào năm học 2024 - 2025, do hiện các trường đã dạy học giữa học kỳ 1” - thầy Tùng cho hay.

Là giáo viên môn Khoa học tự nhiên, cô Nguyễn Thị Diễm Phương (Trường THCS Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) cho biết: "Việc dạy có vất vả, nhưng lúc nào giáo viên phải tràn ngập năng lượng thì mới truyền năng lượng tích cực đến học sinh. Dù việc giảng dạy có không ít áp lực, như tập huấn kiến thức theo chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài giờ dạy trên lớp, giáo viên còn dành nhiều thời gian cho soạn bài giảng. Việc chưa được cung cấp đầy đủ trang thiết bị dạy học theo môn học, khiến việc giảng dạy của giáo viên chưa đạt hiệu quả. Nhưng với tình yêu nghề, mến trò, chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn tạm thời, để giáo dục các em thành con ngoan, trò giỏi”.

Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo

"Bên cạnh những khó khăn về chuyên môn, chế độ lương bổng, áp lực ràng buộc giáo viên rất nhiều. Nhưng một khi giáo viên đã yêu nghề thì sẽ gắn bó lâu dài. Trường chưa có giáo viên bỏ nghề, ra ngoài tìm việc khác, nhưng tình trạng đó xảy ra ở một số thành phố lớn, tôi rất buồn dù đó chỉ là số nhỏ. Thiết nghĩ, GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, nên cần có chế độ đặc thù để giáo viên đủ sống và cống hiến tốt cho nghề" - Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Trạch Huỳnh Công Tài bày tỏ.

Đồng cảm với những khó khăn của thầy cô, chị Cẩm L. (ngụ TP. Long Xuyên) cho rằng: "Bản thân tôi có 2 con đang học cấp 1 và cấp 2. Ngoài học 2 buổi/ngày, về nhà, tôi dành nhiều thời gian để dạy con. Bản thân trực tiếp dạy con mới thấy khó khăn. Trong khi giáo viên, phải bao quát hơn 30 em trong lớp, vừa thực hiện nhiều việc để đáp ứng yêu cầu đổi mới, đó là một nỗ lực phi thường của người thầy, rất đáng được tôn trọng"…

Người thầy trong giai đoạn mới

Việc xây dựng và phát triển đội ngũ thầy, cô giáo có phẩm chất đạo đức tốt, có lập trường chính trị vững vàng, có nhiệt huyết với nghề và hơn hết là có trình độ chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu về chất và lượng là vô cùng quan trọng.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Ngọc Diễm, An Giang tiếp tục có những chủ trương, chính sách hợp lý để đội ngũ giáo viên thực sự yên tâm dồn hết tâm huyết với nghề. Chính sự say mê, tâm huyết, trách nhiệm với nghề sẽ làm cho mỗi thầy, cô giáo tự trau dồi, tích lũy kiến thức, tự rèn luyện kỹ năng, phương pháp để chuyển tải nội dung kiến thức đến học sinh một cách hiệu quả nhất. Thầy, cô giáo không chỉ là người truyền đạt kiến thức cho học sinh, mà còn giáo dục tư tưởng, đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho các em.

Cùng với đó, xây dựng môi trường tạo động lực phát triển, chăm lo đội ngũ giáo viên. Môi trường làm việc là một trong những yếu tố quan trọng quyết định kết quả dạy học. Để phát huy hết năng lực của đội ngũ giáo viên, nhà trường cần tạo môi trường làm việc thân thiện, thoải mái, nhẹ nhàng, nguyên tắc nhưng hiệu quả. Cơ sở vật chất đầy đủ, chế độ chính sách, khen thưởng kịp thời. Đổi mới đánh giá, xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Căn cứ tình hình thực tế để đưa ra các tiêu chí đánh giá xếp loại giáo viên. Tăng cường đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để phát triển phẩm chất, năng lực...

“Mặc dù ngành GD&ĐT còn đối mặt với nhiều khó khăn trước yêu cầu đổi mới, mặc dù giáo viên vẫn còn tiếp tục chịu không ít áp lực, nhưng với sự nhiệt huyết của các thầy, cô giáo cùng sự sẻ chia thấu hiểu của các cấp, ngành và xã hội, toàn ngành GD&ĐT càng nỗ lực phấn đấu vươn lên, không trở ngại nào có thể làm phai nhạt sự tận tâm với nghề, sự nhiệt huyết với học sinh. Dù ở cương vị nào thì các thầy, cô giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, luôn vững chắc tay nghề trong sự nghiệp trồng người, không phụ lòng tin yêu của xã hội dành cho đội ngũ nhà giáo” - Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Ngọc Diễm nhấn mạnh.

HỮU HUYNH - PHƯƠNG LAN - TRÚC PHA