Sự tích vẽ rồng không tô mắt

15/01/2024 - 08:50

Khi vẽ rồng, các họa sĩ, nghệ nhân thường cẩn trọng khi tô mắt "thổi hồn" cho linh vật, bởi chỉ cần điểm một nét quan trọng cũng khiến tác phẩm trở nên sống động.

Vào những ngày cuối năm, nhiều đoàn lân sư rồng ở Việt Nam tiến hành nghi lễ “Khai quang điểm nhãn”. Khi đó, những chú lân, chú rồng sẽ được tô mắt, bắt đầu cuộc sống mới, có màn trình diễn đẹp cầu chúc năm mới tốt lành cho mọi người. 

Đoàn lân sư rồng Liên Nghĩa Đường di chuyển từ võ quán đến chùa Bà Thiên Hậu (TP.HCM). Ảnh: Quốc Vương

Người xưa cho rằng, hồn của linh vật được thể hiện ở đôi mắt. “Khai quang điểm nhãn” giúp thổi hồn cho rồng, lân. Người đầu tiên mà linh vật nhìn thấy sẽ là chủ nhân.

Khi sáng tạo lân, rồng, nghệ nhân thường chừa lại đôi mắt. Người thực hiện nghi lễ "điểm nhãn" cho rồng, lân là các trưởng đoàn, nhà tài trợ, người có uy tín. Họ sẽ dùng cọ chấm vào chén châu sa (một loại khoáng chất màu đỏ) hòa với rượu trắng để điểm mắt rồng, lân.  

Truyền thuyết Trung Quốc cũng có một câu chuyện tương tự gắn liền với việc điểm mắt cho rồng. Trong Lịch đại danh họa ký của Trương Ngạn Viễn có câu thành ngữ "Họa long điểm tinh”. Ý nghĩa là vẽ rồng điểm mắt: vẽ thân rồng trước, sau đó mới vẽ hai con mắt. Theo đó, trong hội họa, văn chương, chỉ cần chấm phá một nét quan trọng cũng khiến tác phẩm trở nên muôn phần sống động.  

Khoảng 1.500 năm trước, Trương Tăng Dao nổi tiếng là họa sĩ tài năng bậc nhất. Những tác phẩm của ông thường trông như thật. Những bông hoa vẽ trên cổng chùa nhìn từ xa như đang bung nở giống hiệu ứng 3D ngày nay dù đến gần, chỉ là một mặt phẳng. 

Vị danh họa nổi tiếng nhất với các bức tranh vẽ rồng xuất thần và có một câu chuyện lưu truyền trong dân gian về biệt tài đó. 

Một hôm, ông vẽ bốn con rồng trên tường chùa An Lạc ở Kim Lăng. Người xem đều ngưỡng mộ trước khả năng múa bút của họa sĩ. Nhưng khi ông dừng vẽ, mọi người thắc mắc tại sao ông lại bỏ quên một chi tiết rõ ràng - cả bốn con rồng đều không có mắt. 

Thực tế, họa sĩ Trương không hề sơ suất - ông cố tình làm điều này. “Đôi mắt là linh hồn của rồng. Những phần khác chỉ là hình thức thôi. Khi thêm mắt vào, con rồng sẽ được truyền sự sống và bay đi”, ông giải thích. 

Theo Daily China, nghe thấy vậy, mọi người đều không tin, cố nài Trương Tăng Dao vẽ thử. Vị họa sĩ Trung Quốc đành phải cầm bút chấm mắt cho rồng.

Trương Tăng Dao vừa “điểm nhãn” xong, trời bỗng thay đổi, mây đen vần vũ, gió thổi ào ào, sấm chớp đùng đùng. Một tia sét bất ngờ đánh vào bức tường nơi vẽ những con rồng. Rồi tường bỗng nứt ra. Hai chú rồng được vẽ mắt bay lên trời và biến mất. Hai chú rồng không có đồng tử còn lại vẫn nằm im trên tường của ngôi chùa. 

Trong nghệ thuật, các nghệ sĩ thường cẩn trọng khi vẽ mắt cho linh vật trong tranh - tượng. Thậm chí, trong giới xăm, những người thợ lâu năm thường khuyên khách hàng suy nghĩ kỹ trước khi xăm linh vật mở mắt. 

Theo Vietnamnet