Sửa Điều lệ trường tiểu học: Hướng tới chương trình giáo dục mới

18/09/2020 - 07:30

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sửa đổi nhiều điều trong Điều lệ trường tiểu học để phù hợp với các yêu cầu mới trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Học sinh sẽ không còn bị phê bình trước lớp .(Ảnh: PM/Vietnam+)

Với rất nhiều điều chỉnh như không được phê bình học sinh trước lớp, giáo viên được tăng quyền tự chủ trong kế hoạch chuyên môn... Thông tư số 28 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Điều lệ trường tiểu học vừa ban hành đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học đã có chia sẻ với Thông tấn xã Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Vì sự tiến bộ của người học

- Thưa ông, một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư 28 là quy định “giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.” Vì sao có sự thay đổi này và quy định mới liệu có gây khó khăn gì cho giáo viên và nhà trường trong quản lý học sinh, thưa ông?

Ông Thái Văn Tài: Việc thay đổi quy định về kỷ luật học sinh trong Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học mới nhằm khắc phục hạn chế của các hình thức kỷ luật trước đây, trên tinh thần tôn trọng tối đa quyền lợi của người học, vì sự tiến bộ của các em, phù hợp với tâm lý trẻ và quan điểm giáo dục hiện đại.

Theo đó, học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật: Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

Quy định mới này hoàn toàn không gây khó khăn cho giáo viên và các nhà trường trong quản lý học sinh. Ngược lại, sẽ giúp việc giáo dục học trò hiệu quả hơn khi khiến các em cảm thấy được tôn trọng, đảm bảo quyền riêng tư, không bị cảm giác xấu hổ với bạn bè. Trẻ khi đó sẽ thấy trường học là nơi an toàn và các em sẵn sàng mở lòng chia sẻ, lắng nghe những góp ý, chỉ dạy của thầy cô để tiến bộ.

Bên cạnh giáo dục trong nhà trường, giáo viên có thể phối hợp với cha mẹ học sinh để việc giúp đỡ các em khắc phục khuyết điểm sẽ hiệu quả hơn.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Trao quyền tự chủ cho giáo viên, nhà trường

- Chương trình giáo dục phổ thông mới đã bắt đầu triển khai ở bậc tiểu học trong các nhà trường từ năm học này. Vậy Điều lệ trường tiểu học mới có điều chỉnh như thế nào so với Điều lệ cũ để phù hợp với chương trình mới, thưa ông?

Ông Thái Văn Tài: Chương trình, sách giáo khoa dục phổ thông mới được viết theo hướng mở để khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của người dạy. Chương trình chỉ quy định số tiết/năm, chứ không quy định số tiết/tuần. Sách giáo khoa không xây dựng các bài học theo từng tiết dạy với những yêu cầu cần đạt cho mỗi tiết học này như chương trình trước đây. Điều này cho phép các nhà trường chủ động trong sắp xếp thời khóa biểu dạy các môn học, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục để phù hợp với học sinh và điều kiện dạy học của cơ sở giáo dục.

Cụ thể hoá chủ trương này, Thông tư số 28 tập trung đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tăng cường trao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục, phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng thành viên, tổ chức và tập thể nhà trường.

Theo đó, trường tiểu học được tự chủ chuyên môn trong tổ chức các hoạt động giáo dục tại nhà. Trường tiểu học phải xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Kế hoạch này được xây dựng hằng năm, dựa trên chương trình giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; kết hợp với xây dựng các nội dung giáo dục bổ trợ đáp ứng nhu cầu của người học, nội dung giáo dục địa phương đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Các trường cũng có thể chủ động áp dụng các phương pháp, hình thức giáo dục tiên tiến trong và ngoài nước, phù hợp với điều kiện, đối tượng học sinh.

Lãnh đạo các trường tiểu học chủ động xây dựng thời khóa biểu phù hợp với kế hoạch giáo dục nhà trường đã đề ra. Trong đó, có thể xây dựng các phương án tổ chức dạy học khác nhau để chủ động trong mọi tình huống khi bị tác động bởi yếu tố khách quan.

Điều lệ trường tiểu học mới cũng cho phép giáo viên được chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cụ thể, thầy cô sẽ được tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá học sinh; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh. Các giáo viên cũng được linh hoạt, sáng tạo trong việc tự làm đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và sinh hoạt chuyên môn.

Với các quy định nói trên, Thông tư 28 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường thực hiện hiệu quả công tác giáo dục, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giáo viên sẽ được chủ động trong kế hoạch dạy học. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm

-  Một vấn đề cũng đang được dư luận rất quan tâm là việc bán sách kiểu nhập nhèm giữa sách giáo khoa và sách tham khảo của một số trường, gây bức xúc cho phụ huynh. Điều lệ trường tiểu học mới có xử lý được vấn đề này, thưa ông?

Ông Thái Văn Tài: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sớm ban hành và thường xuyên cập nhật, nhắc nhở, quán triệt các văn bản hướng dẫn việc sử dụng sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Ngay trong Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học cũ, Điều 28 cũng quy định rõ: Sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo.

Nhất quán quan điểm này, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi của học sinh, ở Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học mới, Bộ nhấn mạnh thêm và cụ thể hoá một số yêu cầu nhằm đảm bảo việc thực hiện của các nhà trường được chính xác; công tác kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền được hiệu quả hơn.

Theo đó, trường tiểu học sử dụng sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và được ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn, sử dụng vào quá trình giảng dạy và học tập trong nhà trường. Giáo viên, học sinh sử dụng sách giáo khoa này vào các hoạt động dạy và học nhằm thực hiện mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

Cơ sở giáo dục tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về sách giáo khoa sử dụng tại trường để học sinh và phụ huynh được biết. Thiết bị dạy học sử dụng trong nhà trường thuộc Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ ban hành và các thiết bị dạy học khác theo quy định.

Nhà trường tổ chức lựa chọn, trang bị xuất bản phẩm tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của giáo viên theo quy định của Bộ; khuyến khích giáo viên sử dụng xuất bản phẩm tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, yêu cầu tiên quyết là “mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo.”

Thông tư 28 đồng thời phân rõ trách nhiệm quản lý, sử dụng và lựa chọn các xuất bản phẩm tham khảo sử dụng trong trường tiểu học là của Hiệu trưởng nhà trường tiểu học. Như vậy, nếu có sai phạm trong việc trang bị, sử dụng sách giáo khoa và tài liệu tham khảo ở cơ sở giáo dục tiểu học, hiệu trưởng sẽ bị xử lý trách nhiệm.

- Xin cảm ơn ông!.

Theo HÀ AN (Vietnamplus)