Sửa đổi Hiến pháp - Tạo cơ hội phát triển đất nước

21/05/2025 - 16:00

 - Hơn một thập kỷ đi vào cuộc sống, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 (Hiến pháp) đóng vai trò quan trọng định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Trước đòi hỏi của thực tiễn, việc tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện Hiến pháp không chỉ là nhu cầu khách quan mà còn là yêu cầu cấp bách, tạo xung lực mới quốc gia, tạo thêm cơ hội cho phát triển đất nước.

Lấy ý kiến từ ngày 6/5

Ngày 6/5, Ủy ban sửa đổi, bổ sung Hiến pháp công bố toàn văn dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp để lấy ý kiến của người dân, các ngành, các cấp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nhằm bảo đảm phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng Nhân dân.

Theo đại diện Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, việc tổ chức lấy ý kiến phải tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm. Các ý kiến đóng góp được nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, giải trình nghiêm túc. Cá nhân có thể góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm.

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp tập trung vào 2 nhóm nội dung. Đó là nhóm nội dung các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và nhóm nội dung liên quan đến MTTQ. Theo đó, quy định MTTQVN là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQVN được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQVN, cùng các tổ chức thành viên khác hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQVN. Với nhóm thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều ý kiến quan tâm và đồng thuận cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp sẽ là cơ hội, tạo xung lực mới cho phát triển quốc gia mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tạo xung lực mới cho phát triển đất nước

Theo ThS Nguyễn Phương Linh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD), việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào nội dung tổ chức bộ máy Nhà nước. Việc điều chỉnh, hoàn thiện Hiến pháp trong giai đoạn hiện nay thích ứng với vận hội mới, nâng cao khả năng phản ứng chính sách, đồng thời đồng bộ hóa hệ thống pháp lý với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững để hiện thực hóa mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau" - cả về pháp lý lẫn trong thực tiễn phát triển quốc gia. Đây là bước đi chiến lược để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển bền vững và hướng đến phục vụ người dân thiết thực hơn. Việc này không chỉ là minh chứng cho tinh thần dân chủ, mà còn là cách để Hiến pháp mới thực sự phản ánh tiếng nói và nhu cầu đa dạng của mọi tầng lớp.

Luật gia Cao Thanh Sơn (Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh An Giang) chia sẻ, là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước, Hiến pháp có vai trò định hình toàn bộ hệ thống pháp luật quốc gia. Kể từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, nước ta có 5 bản Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001), Hiến pháp năm 2013. Các bản Hiến pháp này đều ra đời trong những thời điểm lịch sử nhằm thể chế hóa đường lối cách mạng cho mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.Việc sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cần thiết, để thay đổi lớn về tư duy phát triển, là bước đi chiến lược, thể hiện tầm nhìn dài hạn của quốc gia trong tiến trình hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Việc thực hiện chính quyền 2 cấp sẽ giúp tinh gọn bộ máy, giảm bớt gánh nặng chi tiêu ngân sách, tạo thêm nguồn lực cho Nhà nước để đầu tư vào an sinh xã hội. Đặc biệt, việc này sẽ giúp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về địa phương, chính quyền cấp xã hoàn toàn có thể thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ mà trước đây cấp huyện làm nếu như ứng dụng mạnh mẽ chính quyền số trong thực hiện. Việc này sẽ mang lại hiệu quả cao, giúp đơn giản các thủ tục hành chính, qua đó tiết kiệm được thời gian, chi phí cho người dân.

Các cấp ủy và Nhân dân đồng thuận cao

 Thảo luận tại Tổ 14 về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thông tin, chúng ta được sự ủng hộ cao của người dân (tỷ lệ đạt 99%, có địa phương đạt 100%) khi tiến hành cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy. Mục tiêu tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại bộ máy có chất lượng nhằm mở ra không gian kinh tế mới phát triển tốt hơn cho từng địa phương và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. “Việc ích nước, lợi dân, được nhiều người ủng hộ nên phải làm rất khẩn trương. Nếu chần chừ sẽ tạo sự phân tâm, không tập trung các nguồn lực cùng sự chỉ đạo cho nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, làm các nhiệm vụ an sinh xã hội”. Do đó, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để mở đường cho sự phát triển đất nước. Muốn sửa đổi Hiến pháp phải trưng cầu ý dân, tổng kết quá trình thực hiện. Bộ Chính trị, Trung ương nhận thấy Hiến pháp năm 2013 đã được soạn thảo rất kỹ và được vận hành tương đối tốt. Thực hiện sắp xếp bộ máy nên việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 sẽ chỉ tập trung vào 2 nhóm nội dung liên quan đến MTTQ và chính quyền địa phương như Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “để mở đường cho sắp xếp bộ máy”.

N.R