Sức lan tỏa của Truyện Kiều

02/11/2020 - 07:54

Diễn ra trong ba ngày cuối tháng 10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), chuỗi sự kiện văn hóa "Ai nhớ Tố Như…" nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du (1820 - 2020) không chỉ tôn vinh mà còn khẳng định giá trị và sức sống bền bỉ của Truyện Kiều trong đời sống hôm nay.

Tiết mục ngâm thơ Nguyễn Du và lẩy Kiều trong chương trình “Ai nhớ Tố Như...”.

Tại không gian trưng bày thư, họa về thơ Nguyễn Du và Truyện Kiều, đơn vị tổ chức chương trình "Ai nhớ Tố Như..." MaiHaBooks đã giới thiệu đến công chúng hơn 200 ấn phẩm là các phiên bản Truyện Kiều, các công trình, nghiên cứu về Truyện Kiều qua các thời kỳ (từ năm 1914 đến nay) và đại thi hào Nguyễn Du cùng hơn 40 bức họa Truyện Kiều của các họa sĩ thuộc các thế hệ. Các ấn phẩm và tác phẩm hội họa được trưng bày theo từng chủ đề với không gian phù hợp như: Kiều trong thời đại Nguyễn Du, Ấn phẩm Kiều giai đoạn 1900 - 1945, Ấn phẩm Kiều giai đoạn 1946 - 1954, Ấn phẩm Kiều giai đoạn 1954 - 1975 và Kiều trong cuộc sống hôm nay. Mỗi không gian đều mang đặc trưng từng thời kỳ, tái hiện khung cảnh thư phòng của các nhà nho thế kỷ 18-19, sự giao thoa văn hóa Ðông - Tây những năm đầu thế kỷ 20 cùng quá trình nghiên cứu sáng tác về Nguyễn Du và Truyện Kiều trong các giai đoạn lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Qua đó, giúp người xem cảm nhận sâu sắc tâm hồn và giá trị tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du cũng như tình cảm của nhân dân ta và bạn bè quốc tế với các tác phẩm của ông.

Với khối lượng lớn tác phẩm văn học, hội họa về Truyện Kiều và Nguyễn Du như Giai thoại và tư liệu về Nguyễn Du - Truyện Kiều; Bói Kiều, bình Kiều, vịnh Kiều; Truyện Kiều Thơ và Tranh; Từ điển Truyện Kiều; Truyện Kiều bằng chữ Nôm; thư pháp thơ chữ Hán Nguyễn Du và Truyện Kiều đến tranh dân gian họa Kiều… có thể thấy, hơn 200 năm đã trôi qua, Truyện Kiều không còn là tác phẩm thơ ca mà đã trở thành di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Với sức ảnh hưởng và lan tỏa mạnh mẽ, Truyện Kiều tồn tại và phát triển bền bỉ, tạo cảm hứng cho những người yêu Truyện Kiều sáng tạo nên những hình thức sinh hoạt văn hóa như ngâm Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều, dựa trên các câu thơ của Kiều để sáng tác những bài thơ mới, những tác phẩm hội họa trên nhiều chất liệu. Nhiều câu thơ của tác phẩm được ứng dụng vào văn nghệ dân gian trở nên phổ biến, quen thuộc. Trong khuôn khổ của chuỗi sự kiện văn hóa, các hoạt động phong phú như giới thiệu thư pháp và hội họa về thơ Nguyễn Du và Truyện Kiều cùng kỹ nghệ giấy dó truyền thống Việt Nam như thư họa Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn -Thư pháp gia Châu Hải Ðường, ngâm Kiều, lẩy Kiều qua tiếng đàn tranh đã thu hút những người yêu mến tác phẩm và đại thi hào Nguyễn Du.

Điểm nhấn trong chuỗi sự kiện văn hóa "Ai nhớ Tố Như…" là sự kiện MaiHaBooks giới thiệu đến độc giả ba ấn phẩm Kim Vân Kiều, Lãm Thúy Tập, Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du. Trong đó, Lãm Thúy Tập là tập hợp các bài vịnh Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều, tập Kiều quen thuộc trong sinh hoạt văn hóa đương thời ở Việt Nam, tổng hợp các thể thơ, phong cách thú vị khác nhau. Kim Vân Kiều là ấn phẩm được tái bản theo bản in của Nhà xuất bản Văn học năm 1951, được in lại từ những bản viết tay rất mỹ thuật và công phu. Trong giới sưu tập và yêu quý Truyện Kiều, đây là ấn bản quý, đẹp và rất hiếm, tôn vinh giá trị và ý nghĩa của kiệt tác. Ðây cũng là một trong những bản Kiều đặc biệt vì có sự xuất hiện của sáu phụ bản tranh lụa họa Kiều do các họa sĩ thế hệ Ðông Dương sáng tác.

Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du tái bản theo bản in năm 1942 do giáo sư Ðào Duy Anh biên tập, là tuyển tập những dòng ngâm, bình, vịnh hay về Truyện Kiều và 11 bức họa của các họa sĩ tên tuổi như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Lê Văn Ðệ, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn... Tập sách từng gây được tiếng vang lớn trong giới văn học, hội họa lúc bấy giờ bởi không những tôn vinh tác phẩm và nhà thơ lớn của dân tộc, khẳng định các giá trị quan trọng của Truyện Kiều trong lịch sử ngôn ngữ, văn hóa nước ta mà còn tôn vinh nghệ thuật minh họa và in khắc sách từ lâu đời của Việt Nam.

Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của Truyện Kiều, khẳng định tác phẩm không chỉ được tiếp nhận ở góc độ nghiên cứu văn chương mà còn được đón nhận ở lĩnh vực hội họa, được thế hệ các họa sĩ biên dịch từ ngôn ngữ thơ ca sang ngôn ngữ hội họa một cách nghiêm túc và sáng tạo. Chia sẻ tại tọa đàm "Kiều trong cuộc sống hôm nay", họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết: Lần đầu tiên trong một ấn phẩm của Truyện Kiều có sự tham gia của 11 họa sĩ tên tuổi của nền hội họa Việt Nam. Ðiều này cho thấy Kiều luôn là đề tài gợi nhiều cảm hứng cho các thế hệ họa sĩ, trong đó có lớp họa sĩ đương đại như ông và các lớp kế tiếp, cho giới họa sĩ trong và cả ngoài nước.

Ðến với Truyện Kiều, mỗi người sẽ có một cách cảm nhận và tiếp cận riêng. Có thể khẳng định, từ khi còn là bản chữ Nôm, chuyển sang chữ Quốc ngữ, xuất hiện dưới dạng chuyển ngữ với các bản dịch đa dạng cho đến hình thức lẩy Kiều bằng ngôn ngữ của hội họa, Truyện Kiều luôn tạo nguồn cảm hứng dồi dào và cảm xúc mới mẻ cho người thưởng thức, nghiên cứu về Kiều để mang đến những tác phẩm, những minh họa, những phụ bản mang giá trị văn hóa và tính phát hiện.

Không chỉ mong muốn làm mới những điều đã cũ, gửi gắm tinh hoa dân tộc đến công chúng, ba ấn phẩm Kim Vân Kiều, Lãm Thúy Tập, Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du được in công phu và có nhiều điểm thú vị. Ðây cũng là những ấn bản đầu tiên trong Tủ sách "Di sản Việt Nam" MaiHaBooks đang thực hiện, thể hiện niềm trân trọng, sự tri ân đối với đại thi hào Nguyễn Du cùng Truyện Kiều. Ông Hà Huy Chiến, cố vấn nội dung công ty MaiHaBooks chia sẻ: Ðây là những ấn phẩm chưa được tái bản bao giờ, có bản vẽ minh họa của các họa sĩ nổi tiếng. Ðiểm đặc biệt của ba ấn phẩm này là tái bản giữ nguyên khổ và tranh minh họa được in trên giấy dó truyền thống của Việt Nam. Cách làm này của MaiHaBooks sẽ góp phần lưu giữ và lan tỏa giá trị vượt thời đại của Truyện Kiều cũng như tầm vóc của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

Theo NGỌC LIÊN (Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích