Sức lan tỏa từ các làng Quan họ thực hành

20/11/2024 - 15:21

Năm 2009, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau 15 năm, nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản này trên địa bàn, từ 44 làng Quan họ gốc, Bắc Ninh đã phát triển 150 làng Quan họ thực hành. Đây được coi là hạt nhân, tạo sức lan tỏa quan họ trong cộng đồng.

Chú thích ảnh

Các liền chị xúng xính áo mớ ba, mớ bảy chuẩn bị đi giao lưu Quan họ.

Phát triển cộng đồng Quan họ

Năm năm trở lại đây, cứ thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, trên 50 thành viên trong Làng Quan họ thôn Tháp Dương, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh - một trong 150 làng Quan họ thực hành (hay còn gọi là Câu lạc bộ Quan họ thôn Tháp Dương) lại tổ chức sinh hoạt Quan họ. Liền chị áo mớ ba mớ bẩy, liền anh áo the, khăn xếp có mặt tại nhà văn hóa thôn để được trải lòng trong không gian văn hóa Quan họ. Đối với các liền anh, liền chị, Quan họ được ví như mạch nguồn của cảm xúc, là món ăn tinh thần không thể thiếu của họ.

Vừa tỷ mỷ, khéo léo têm miếng trầu cánh phượng, chia sẻ các thành viên trong làng Quan họ những câu chuyện văn hóa Quan họ, chị hai Nguyễn Thị Ngọc, thành viên Câu lạc bộ Quan họ thôn Tháp Dương chia sẻ: Hầu hết thành viên đều trong độ tuổi lao động, ngày đi làm việc, nhưng cứ đến tối những ngày cuối tuần lại tranh thủ làm xong việc nhà từ sớm để đến sinh hoạt câu lạc bộ.

Tại các buổi sinh hoạt, mỗi thành viên trong câu lạc bộ lại được phân công nhiệm vụ khác nhau, người giữ vai trò hát chính, người biểu diễn, người sưu tầm, phổ biến các làn điệu, chuẩn bị các nhạc cụ… Nhưng ai nấy đều rất ý thức, trách nhiệm, mong câu lạc bộ ngày càng mạnh.

“Trước đây, tôi không thích nghe Quan họ vì bản thân không hiểu văn hóa Quan họ, nhưng đến nay, được sinh hoạt trong Câu lạc bộ, Quan họ như một phần cuộc sống của tôi. Trong câu lạc bộ người đi trước hướng dẫn người đi sau, người biết nhiều truyền thụ cho người biết ít. Bởi vậy, đến nay, tôi có thể thành thục biểu diễn hàng chục làn điệu Quan họ. Đặc biệt, tôi nắm được tường tận nét văn hóa của người Quan họ như lề lối sinh hoạt, cách thức tổ chức các canh hát, trang phục, ẩm thực Quan họ, lời ăn, tiếng nói, tục kết bạn của người Quan họ…”, cô Nguyễn Thị Ngọc bày tỏ.

Liền anh Cao Văn Đều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ thôn Tháp Dương chia sẻ: Câu lạc bộ được thành lập năm 2019. Ban đầu, Ban Chủ nhiệm đi tuyên truyền, vận động, tập hợp những người yêu văn hóa, văn nghệ thôn vào sinh hoạt trong câu lạc bộ. Do là câu lạc bộ mới, lại không phải làng Quan họ gốc nên câu lạc bộ học hát thông qua chương trình dạy hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh của Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh. Sau dần có “vốn” Quan họ, các liền anh, liền chị học các làn điệu khó hơn với cách buông câu nhả chữ, kỹ thuật vang, rền, nền nảy của các nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng.

Chú thích ảnh

Các liền chị chỉnh khăn mỏ quạ chuẩn bị đi giao lưu Quan họ.

Đặc biệt, trong nhiều buổi sinh hoạt, câu lạc bộ mời các nghệ nhân Quan họ ở các làng Quan họ gốc, truyền dạy, uốn nắn từng câu, từng bài, nhất là những làn điệu cổ. Nhờ vậy, đến nay, các thành viên không chỉ thành thục biểu diễn ca nhạc Quan họ mà bước đầu hát được các bài hát đối đáp theo đúng lề lối truyền thống, đi giao lưu, thi ở các sân khấu ở địa phương và trong tỉnh.

Còn với Câu lạc bộ Quan họ thôn Thiên Đức, xã Trung Chính, huyện Lương Tài, khi tham gia, các thành viên không chỉ sinh hoạt văn nghệ cùng nhau mà còn học được cách “chơi” của người Quan họ. Mọi người đều gắn kết như anh em, cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống thường ngày.

Liền chị Nguyễn Thị Loan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ thôn Thiên Đức bày tỏ: Câu lạc bộ thành lập năm 2019, tiền thân là đội văn nghệ thôn Thiên Đức. Mặc dù ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng các thành viên trong câu lạc bộ đều có chung một tình yêu với Dân ca Quan họ. Khi sinh hoạt, thành viên có kinh nghiệm chỉ dạy, uốn nắn từng câu chữ cho thành viên mới, để câu ca Quan họ không ngừng được lan tỏa.

Chị Loan chia sẻ: Để trau dồi và nâng cao kỹ năng hát, câu lạc bộ thường xuyên tổ chức giao lưu với các câu lạc bộ làng Quan họ gốc trong tỉnh, hoặc mời các các nghệ sĩ, nghệ nhân Quan họ về truyền dạy, chỉ bảo cho từng kỹ thuật hát, lề lối của người Quan họ. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Câu lạc bộ được công nhận là câu lạc bộ Quan họ thực hành. Vừa qua, tại Liên hoan các làng Quan họ thực hành tiêu biểu tỉnh lần thứ nhất, năm 2024, Câu lạc bộ đã vinh dự giành giải A. Được Ban tổ chức đánh giá phần biểu diễn có chất lượng nghệ thuật cao, tạo ấn tượng, cảm xúc sâu sắc với khán giả. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa hát, diễn, âm nhạc, làm toát lên vẻ đẹp tinh túy của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Để Quan họ trường tồn và lan tỏa

Chú thích ảnh

Các thành viên CLB Quan họ thực hành là hạt nhân giúp bảo tồn, lan tỏa dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Xuân Trung, thực tế cho thấy các làng Quan họ thực hành được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quan tâm, động viên, khích lệ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất tập luyện, tạo đất diễn vào các dịp lễ, Tết, hội làng, hằng năm tổ chức các chương trình biểu diễn Quan họ, tạo sân chơi bổ ích cho các câu lạc bộ. Đến nay, hầu hết các câu lạc bộ Quan họ thực hành trong tỉnh đi vào hoạt động nền nếp, xây dựng quy chế, thành lập Ban Chủ nhiệm và thu hút các liền anh, liền chị ở nhiều lứa tuổi tham gia sinh hoạt. Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở việc biểu diễn trên sân khấu mà hình thức hát đối đáp, lề lối Quan họ đã được các câu lạc bộ quan tâm.

Từ 44 làng Quan họ gốc, đến nay, Bắc Ninh phát triển 150 làng Quan họ thực hành, gần 600 câu lạc bộ dân ca quan Quan họ với hàng nghìn người ở các độ tuổi tham gia. Ngoài sinh hoạt rèn luyện câu ca Quan họ, các câu lạc bộ còn tổ chức các lớp truyền dạy cho thế hệ măng non tại địa phương; cử thành viên tham gia thi hát đối đáp Quan họ đầu xuân và thi sân khấu Quan họ do tỉnh tổ chức... Điều đó đã minh chứng sinh động cho sức sống mãnh liệt của Dân ca Quan họ Bắc Ninh sau 15 năm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là kết quả của quá trình bảo tồn bền bỉ, đúng hướng, là nỗ lực của cả hệ thống chính trị với sự tận tâm, tận lực cống hiến đầy trách nhiệm của nhiều cá nhân và cộng đồng Quan họ.

Đặc biệt, từ năm 2019, tỉnh Bắc Ninh thực hiện cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các làng, câu lạc bộ Quan họ. Cụ thể, tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng/làng/năm với 44 làng Quan họ gốc; 20 triệu đồng/làng/năm với 150 làng Quan họ thực hành; 20 triệu đồng/câu lạc bộ/lượt với các câu lạc bộ Quan họ ngoài tỉnh Bắc Ninh khi có lãnh đạo tỉnh đến thăm. Việc hỗ trợ trên nhằm động viên, khích lệ các làng Quan họ, câu lạc bộ dân ca Quan họ tiếp tục đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Nguồn hỗ trợ trên tạo điều kiện cho các câu lạc bộ, làng Quan họ có kinh phí trong hoạt động bảo tồn, truyền dạy Quan họ.

Chú thích ảnh

Các liền anh, liền chị trong CLB Quan họ thực hành bước đầu biết hát các bài lề lối, đối đáp là những bài khó, cổ của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Có thể thấy, các câu lạc bộ Quan họ thực hành ngày càng phát huy tích cực vai trò trong sinh hoạt giao lưu văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn. Việc đẩy mạnh phát triển các câu lạc bộ Quan họ thực hành không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh mà còn là động lực thúc đẩy phong trào Xây dựng đời sống văn hóa tại các địa phương, khẳng định cam kết với UNESCO Dân ca Quan họ Bắc Ninh đang trường tồn và lan tỏa.

Theo TTXVN