Sức mua hàng hóa cận Tết tăng cao, giá cả hàng hoá ổn định, nguồn cung dồi dào

07/02/2024 - 18:58

Ghi nhận tại các siêu thị tại Hà Nội cho thấy, nguồn cung hàng hóa dồi dào. Tại một số siêu thị, lượng khách hàng đến mua sắm hàng Tết từ sau ngày ông Công ông Táo tăng khoảng 30% - 100 % so với trước đó.

Chú thích ảnh

Khách hàng đến mua sắm tại hệ thống siêu thị Winmart.

Những ngày cận Tết, hoạt động mua bán các chợ và siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã nhộn nhịp hơn. Theo ghi nhận tại nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội, sức mua tăng mạnh, người dân đã tranh thủ thời gian để đi mua sắm chuẩn bị đồ thiết yếu phục vụ Tết.

Theo báo cáo của các siêu thị cho thấy, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7 - 25% tùy từng mặt hàng so với cùng kỳ Tết năm 2023, trong đó trọng tâm là các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Tại các điểm bán, lượng hàng hóa được tăng cường 15 - 40% sẵn sàng phục vụ của người dân (trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm 90%).

Các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.

Qua kiểm tra thực tế, hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết tại các hệ thống phân phối dồi dào, đa dạng. Nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh nhất là thời điểm sau Tết ông Công ông Táo, các nhà phân phối cũng cam kết giữ bình ổn giá.

Chú thích ảnh

Nhiều giỏ quà tặng với nhiều mức giá được siêu thị bày bán ở góc riêng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc chuỗi WinMart cho biết, những ngày cận tết, sức mua hàng hoá tại  hệ thống WinMart/WinMart+/WIN tăng khoảng 15-20% so với tháng thường trong năm. 

Cùng với đó, doanh thu từ hoạt động bán hàng online tăng khoảng 21% so với Tết 2023. Số lượng đơn đặt hàng tăng 30% so với tháng thường và tăng 25% so với cùng kỳ Tết 2023.

Nhóm hàng được mua nhiều gồm: thịt, trái cây, thực phẩm khô, đồ gia dụng, bánh kẹo tết, mứt tết, đồ uống, thực phẩm khô. Đơn hàng trung bình dao động khoảng 250.000 - 260.000 đồng. Riêng từ ngày 30/1 - 5/2, giá trị giỏ hàng trung bình tăng đến 450.000 - 460.000 đồng. 

“Để chuẩn bị cho cao điểm cuối năm và lễ Tết, WinCommerce đã tích cực đàm phán, làm việc với các nhà cung cấp để thu mua sản lượng lớn từ 2-3 tháng trước đó, tăng sản lượng hàng hóa theo từng ngành hàng so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, chúng tôi cũng triển khai các gian hàng bán sản phẩm khuyến mại, mua 1 tặng 1 ngay phía ngoài cửa hàng để kích cầu và đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người tiêu dùng”, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết Giáp Thìn 2024, hệ thống bán lẻ WinCommerce, đơn vị chủ quản chuỗi siêu thị WinMart và cửa hàng tiện lợi WinMart+/WIN, sẽ mở cửa phục vụ Tết cho tới ngày 9/2/2024 (tức 30 Tết) và hoạt động trở lại vào ngày 13/2/2024 (tức mùng 4 Tết). 

Chú thích ảnh

Mặt hàng hoa quả được nhiều người lựa chọn sắm Tết.

Cụ thể, siêu thị WinMart sẽ làm việc từ 8h sáng đến 12 giờ trưa ngày 9/2 và mở cửa trở lại từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối ngày 13/2. Cửa hàng WinMart+/WIN sẽ làm việc từ 6 giờ đến 12 giờ trưa ngày 9/2 và mở cửa trở lại từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối ngày 13/2.

Còn tại hệ thống siêu thị  GO!, Big C cũng ghi nhận lượng khách mua hàng tăng mạnh. Theo đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, sức mua tăng mạnh trong những ngày sát Tết, siêu thị luôn kín khách từ sáng tới tối. Sức mua hàng hoá tăng từ 100 - 200% so với tháng trước đó. 

Chú thích ảnh

Lượng khách đến mua sắm tại hệ thống siêu thị Go!, Big C tăng từ 100-200% so với ngày thường.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (đơn vị quản lý GO!, Big C), doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ các phương án về dự trữ hàng Tết, kết nối với các nhà cung cấp ở nhiều địa phương để khai thác các đặc sản vùng miền, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Các siêu thị chuẩn bị lượng nhân viên hùng hậu, hệ thống thanh toán, thu ngân nhằm đảm bảo mua sắm cho người dân thuận tiện, dễ dàng, đồng thời kéo dài thời gian bán hàng phục vụ người dân dịp Tết.

Để phục vụ bán hàng Tết, doanh nghiệp đã ưu tiên những vị trí đẹp và thuận tiện nhất để bố trí các sản phẩm có sức tiêu thụ lớn trong dịp Tết cổ truyền như: giỏ quà tết, bánh kẹo, mứt, các loại hạt, đồ uống…

Chú thích ảnh

Nhiều mặt hàng đa dạng đáp ứng nhu cầu khách hàng.

“Tại hệ thống siêu thị GO!, Big C trên toàn quốc những ngày cận Tết sẽ mở cửa từ 7 giờ – 23 giờ. Trong ngày 30 Tết, hệ thống sẽ phục vụ mua sắm Tết tới 12 giờ hoặc 14 giờ (tùy địa điểm) và chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết. Từ mùng 2, hệ thống hoạt động bình thường, mở cửa từ 8 giờ - 22 giờ”, bà Nguyễn Thị Bích Vân cho hay. 

Ngoài các chương trình áp dụng khuyến mãi hấp dẫn tới trên 50% với hàng trăm sản phẩm chất lượng và cơ hội rút thăm trúng hơn 300 giải thưởng, với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng, Central Retail còn tổ chức chương trình “Đón Tết Rồng Vàng – Rước lộc vàng” kéo dài đến ngày 9/2 nhằm tăng sự trải nghiệm và gắn kết khi người dân mua sắm Tết tại siêu thị.

Còn đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, hệ thống siêu thị BRGMart/Haprofood BRGMart đã tăng cường nguồn hàng từ 40-50% so với ngày thường, tập trung vào các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, đồ dùng thiết yếu đảm bảo nhu cầu hàng hóa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, minh bạch nguồn gốc, tốt cho sức khỏe của khách hàng và bình ổn giá thị trường.

Bên cạnh đó, hệ thống cũng lựa chọn, nhập khẩu trực tiếp nhiều mặt hàng chất lượng cao, giá hấp dẫn phục vụ khách hàng như: táo Mỹ, táo Nam Phi, nho Mỹ, lê Hàn Quốc, cá hồi Nauy, cá hồi Australia, các loại thịt heo, gà, bò Mỹ chất lượng cao, theo tiêu chuẩn quốc tế, được áp dụng mức giá khuyến mãi hấp dẫn cho tất cả khách hàng. Siêu thị cũng đẩy mạnh hoạt động bán hàng qua điện thoại, bán hàng online qua ứng dụng mua sắm BRG Shopping để phục vụ nhu cầu, xu hướng mua sắm Tết mới.

Cùng với công tác chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, về công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch đặc biệt để kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn và triển khai đồng loạt trên 30 quận, huyện, thị xã.

Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của thành phố cũng tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành triển khai trên các điểm kinh doanh sản xuất tại địa bàn TP. Hà Nội. Đặc biệt, thường xuyên có đợt kiểm tra đột xuất đối với những chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ để đảm bảo chất lượng hàng hóa khi đến với người tiêu dùng Thủ đô.

Đối với toàn bộ hệ thống phân phối trên địa bàn TP. Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật và phải niêm yết công khai chứng nhận đủ đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các cơ sở phân phối kinh doanh đều phải kiểm soát bảo đảm chất lượng đầu vào, các sản phẩm đều phải có tem truy xuất nguồn gốc, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, chứng minh bảo đảm đúng các quy định của nhà nước.

Bộ Công Thương cho hay, theo báo cáo của các địa phương, công tác chỉ đạo các sở ban ngành, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong việc chuẩn bị nguồn hàng hóa được các địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện sớm.

Các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của người dân như: Lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo, xăng dầu...

Phần lớn các địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường dựa vào nguồn vốn xã hội hoá của doanh nghiệp và thông qua chương trình kết nối với các tổ chức tín dụng để được vay với lãi suất ưu đãi trong thời gian thực hiện chương trình.

Tại các địa phương, công tác bảo đảm cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng đã được triển khai từ rất sớm. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, tình hình hàng hóa dồi dào, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân, giá cả không có biến động bất thường.

Theo TTXVN