Tác phẩm sân khấu với những góc nhìn đa chiều, nhân văn

23/02/2022 - 07:59

Giải thưởng sân khấu năm 2021 có nhiều nét mới đáng ghi nhận, các kịch bản đã thể hiện tính chuyên nghiệp, đủ chất liệu để cho các đơn vị nghệ thuật dàn dựng. Các tác giả đã có sự tìm tòi, giải mã hiện tượng xã hội - lịch sử theo góc nhìn đa chiều nhưng đều toát lên giá trị nhân văn…

Không ngừng sáng tạo

Cảnh trong vở "Làm vua" của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Giải A hạng mục Vở diễn Sân khấu năm 2021. Ảnh: NHTVN

Năm 2021 là một năm khó khăn với ngành sân khấu Việt do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng trong khó khăn, các nghệ sỹ vẫn không ngừng sáng tạo, để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật chất lượng trên cả 4 lĩnh vực: Kịch bản văn học - Tổng thể vở diễn - Tài năng của từng cá nhân và Lý luận phê bình.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, nét mới đáng ghi nhận trong 49 kịch bản tham gia dự giải năm 2021 gồm đủ các kịch chủng, kịch, tuồng, chèo, cải lương, đa dạng về đề tài: lịch sử, dã sử, hiện đại, chiến tranh và hậu chiến, phòng chống tham nhũng, cuộc sống đời thường...

Trong đó, mảng đề tài về những vấn đề nóng, bức xúc của xã hội đã được các tác giả phản ánh sinh động nhất, đặc biệt ở thể loại kịch nói, thể loại luôn đột phá trong mọi góc cạnh, ẩn khuất nhạy cảm nhất trước cuộc sống.

 “Tuy mảng đề tài này có khá nhiều kịch bản khai thác, nhưng cũng chỉ có số ít đoạt giải cao. Trong đó, "Ông ấy là ba tôi" của tác giả Nguyễn Thu Phương đã khéo léo, mềm mại nhưng không kém phần xót xa, quyết liệt để gửi đến một thông điệp: Kẻ thù nguy hiểm nhất chính là sự tham lam không có điểm dừng của con người, chỉ đến khi trắng tay mới nghiệm ra được giá trị đích thực của cuộc sống đó là tình cảm, tình mẫu tử và lòng hiếu thảo”, Nghệ sỹ Nhân dân Giang Mạnh Hà đánh giá.

Ở đề tài chiến tranh cách mạng, tác phẩm “Mưa đỏ” của tác giả Chu Lai viết về các chiến sỹ cảm tử vào thành cổ Quảng Trị với 81 ngày đêm "ăn trong bom, ngủ trong đạn" đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại trong cuộc khánh chiến giải phóng dân tộc. Tác phẩm là một bản tráng ca mang tầm sử thi thấm đẫm cảm xúc về những người anh hùng, của một dân tộc anh hùng. Cấu trúc kịch bản chặt chẽ đối thoại cô đọng, súc tích, chắt lọc, tinh tế, mang giọng điệu dấu ấn của văn học kịch Chu Lai.

Ở "K15", của tác giả Trần Trí Trắc lại có cách viết lạ, câu chuyện xoay quanh 5 sỹ quan chế độ Sài Gòn để truy tìm bằng được tung tích ai là K15 - cộng sản? Tác giả rất tinh tế bằng lối kể chuyện khéo léo, được đan xen, gài mối gồ ghề, phức tạp, hư, thực làm cho kịch tính phát triển mâu thuẫn, khá logic vì tính bất ngờ gây thú vị nên cuốn hút người đọc. Ở đề tài này còn có “Biển vẫn con đường mòn” của tác giả Lê Thu Hạnh, câu chuyện kể về đoàn tàu không số chở vũ khí, thuốc men, chi viện cho đồng bào, chiến sỹ miền Nam bằng đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là cao quý, thiêng liêng nhất của tuổi xuân, những chiến sỹ Hải quân Việt Nam anh hùng đã chiến đấu hi sinh và trở thành tượng đài sừng sững, uy nghi sống mãi giữa đất trời quê hương…

Đối với mảng đề tài lịch sử, Nghệ sỹ Nhân dân Giang Mạnh Hà cho rằng, đề tài lịch sử năm nay khá “xum xuê” với cách khai thác, lý giải, đi tìm những sự kiện mới, lát cắt mới, ánh nhìn mới, tạo sự tương phản với thói quen mà ta đã chứng kiến, đề tài lịch sử bao giờ cũng mang âm hưởng hào hùng, kỳ vĩ, thâm sâu nhưng vô cùng bí ẩn, bởi chuyện từ ngàn năm đã qua, thế hệ chúng ta chỉ hiểu phần nào qua tư liệu chưa lập đầy khoảng trống…

Trong đó, “Hoàng đế Lê Đại Hành” của tác giả Đăng Minh có cách khai thác mới về vua Lê Đại Hành mà các kịch bản đã có trước chưa đề cập. Tác giả tập trung giải mã 4 sự kiện đặc biệt nổi bật của vua Tiền Lê, một đấng minh quân có tầm nhìn xa trông rộng, dám nghĩ những điều chưa ai nghĩ, dám làm những việc chưa ai làm. Bối cảnh lịch sử xảy ra từ hơn 1.000 năm trước nhưng vẫn nóng hổi, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống đương đại.

Tác phẩm “An phủ sứ Trần Thì Kiến” của tác giả Trần Đình Ngôn – một tác giả lão luyện về nghệ thuật biên kịch lại đề cập đến những giá trị đạo lý, phẩm hạnh của người nắm quyền trị quốc. Cấu trúc kịch bản chặt chẽ, cách kể chuyện hấp dẫn, ngôn ngữ đối thoại, ca từ tinh tế, sâu lắng, nhẹ nhàng, thanh thoát bay bổng, mang âm hưởng của thi ca…

“Hồn thông” của tác giả Nguyễn Thanh Bình, khai thác hình tượng nhân vật Nguyễn Công Trứ không bằng thủ pháp tạo sự va chạm, xung đột trực diện mà bằng hồn thơ, tính văn học tuôn chảy trong mạch kịch, cứ xoáy vào tâm can người đọc, số phận hanh thông, rủi, may trong cuộc đời của Nguyễn Công Trứ để ông phải thốt lên “kiếp sau xin chớ làm người - làm cây thông đứng giữa trời mà reo"…

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Giang Mạnh Hà, nhìn chung, các kịch bản trong năm 2021 khá đa dạng, mức độ thành công, đậm nhạt khác nhau. Có kịch bản đã đạt tới tầm chuyên nghiệp, đủ chất liệu dàn dựng nhưng cũng có kịch bản còn manh nha, thô ráp, chưa tạo được xung đột kịch. Một số ít kịch bản bộc lộ sự thiếu cảm xúc, thiếu vốn sống, thiếu yếu tố bất ngờ nên chưa tạo được sức hấp dẫn cuốn hút người đọc... Nhưng thực sự các tác giả đã có những tìm tòi, sáng tạo giải mã các hiện tượng xã hội - lịch sử theo góc nhìn đa chiều, đều toát lên giá trị nhân văn sâu sắc…

Bức tranh muôn màu của sân khấu ba miền

Một trong những điểm nổi bật của đời sống sân khấu Việt Nam năm 2021 chính là sự ra đời của những vở diễn được công bố, giới thiệu, phục vụ công chúng khán giả.

Nhìn vào bảng tổng sắp 21 vở diễn với 4 thể loại kịch, tuồng, chèo, cải lương, có thể nhận ra bức tranh muôn màu của sân khấu ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam vẫn hừng hực hơi thở cuộc sống. Có thể kể đến “Làng Song sinh”, “Làm vua”, “Truân chuyên dải yếm đào”, “Hố đen”, “Biển vẫn con đường mòn”, “Nước mắt của mẹ”, “Thiên Mệnh”, “Tiếng gọi non sông”… Trước khi tham gia xét giải, các vở diễn đã chạm vào trái tim công chúng, khán giả, làm nổi bật được vẻ đẹp tinh hoa của sân khấu.  

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Giang Mạnh Hà, bên cạnh những kịch bản hay, sự táo bạo, dấn thân, đột phá của các đạo diễn đã thổi hồn vào vở diễn những thủ pháp mới, lạ độc đáo, biến không gian sân khấu chỉ mấy chục mét vuông thành cuộc chơi phiêu lưu, kỳ thú, lãng mạn, thâm sâu nhưng lại chứa chan cảm xúc. Vở diễn có tỏa sáng, có sức sống trong lòng khán giả hay không phụ thuộc vào bàn tay sáng tạo của đạo diễn…

 “Có thể khẳng định rằng, về mặt ý tưởng và xây dựng, khắc họa hình tượng nhân vật điển hình, chúng ta có quyền nhận định rằng các vở diễn đã dám dấn thân, dũng cảm, đột phá vào các vấn đề gai góc, nhạy cảm nhất mà cuộc sống đang đặt ra, nhân dân đang mong mỏi. Có thể một số kịch bản văn học còn gây ý kiến trái chiều, nhưng khi được đạo diễn và diễn viên thể hiện trên sàn diễn lại được hào hứng đón nhận, bởi những phát hiện, lát cắt mới  như vở "Làm vua" của Nhà hát Tuồng Việt Nam, hay vở "Làng song sinh" của Nhà hát Kịch Hà Nội”, Nghệ sỹ Nhân dân Giang Mạnh Hà nói.

Từ sự thành công của những ê kíp sáng tạo, chúng ta không thể không kể đến tất cả các đơn vị, các nhà hát nghệ thuật hùng hậu có mặt trên chiều dài đất nước. Mặc dù phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng các đơn vị nghệ thuật vẫn quyết tâm dàn dựng thành công các vở diễn phục vụ nhân dân, tham gia hai đợt Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tại Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh. Với thiên chức sáng tạo, người nghệ sỹ đã làm nên bức tranh toàn cảnh của đời sống sân khấu Việt Nam, trong muôn vàn khó khăn của cơn đại dịch. Đó là những ưu điểm của giải thưởng năm nay.

Tuy nhiên, Nghệ sỹ Nhân dân Giang Mạnh Hà cũng thừa nhận, vẫn chưa có một vở diễn nào, một kịch bản nào đủ sức gây giật mình, sửng sốt, thậm chí kinh ngạc, vui mừng, bùng nổ để khán giả muốn xem, thích xem và cần xem. Để có thể có những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, có mùa vàng, trái ngọt, thì cần phải có tài năng, đòi hỏi công sức, trí tuệ, tâm huyết nhiều hơn nữa của các nghệ sỹ…

Đội ngũ chuyên gia lý luận, phê bình cũng là một trong những người có những đóng góp âm thầm, quan trọng và cần thiết để mang lại khối kiến thức quý giá, làm sáng rõ những vấn đề đặt ra bằng luận cứ khoa học được nghiên cứu, đúc kết từ thực tiễn của đời sống sân khấu, vì một nền sân khấu Việt Nam sang trọng hơn, tiên tiến hơn. Những công trình tác phẩm đạt giải phải kể đến: “Mỹ thuật sân khấu Việt Nam” của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Thị Tình, “Lịch sử nghệ thuật Tuồng” đầu thế kỷ 20” của Phó giáo sư, Tiến sỹ Tất Thắng, “Giáo trình đạo diễn sân khấu” của Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thi - Lê Mạnh Hùng”, “Thi pháp khoảng không của sân khấu kịch hát Việt Nam” của Hoàng Hoài Nam, “Bài bản Lý trong sân khấu dân tộc” của tác giả Trần Hùng…

“Mùa giải năm 2021 đã khép lại với cả niềm vui, sự phấn khích, cả sự trăn trở và lo lắng. Tuy nhiên, khát vọng sáng tạo nghệ thuật là không giới hạn, vì vậy chúng ta có quyền chờ đợi, hy vọng miễn là chúng ta biết đam mê, đắm đuối đến cháy lòng để sáng tạo nên những tác phẩm sân khấu có giá trị. Với tâm thế luôn đồng hành cùng đất nước và nhân dân của nghệ sỹ, mùa giải năm 2022 sẽ có thêm sung lực mới, sức sống mới, hơi thở mới để sáng tạo ra được nhiều công trình, tác phẩm sân khấu sâu sắc về chủ đề tư tưởng, chân thật với đời sống và hoàn mỹ về nghệ thuật”, Nghệ sỹ Nhân dân Giang Mạnh Hà khẳng định.

Theo PHƯƠNG LAN (TTXVN)