Theo đánh giá, nguyên nhân tai nạn giao thông chủ yếu là do điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường quy định (17 vụ); say rượu, bia (9 vụ); thiếu chú ý quan sát (7 vụ), vượt sai quy định (4 vụ), chạy quá tốc độ (4 vụ)...
Tai nạn trên tuyến quốc lộ 26 vụ, tỉnh lộ 28 vụ, giao thông đô thị 5 vụ, giao thông nông thôn 8 vụ và đường thủy 2 vụ. TP. Châu Đốc và huyện Tịnh Biên đứng đầu về kiểm soát tốt tai nạn giao thông. Trong khi đó, các địa phương tăng về tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí là: TP. Long Xuyên (11 vụ, 10 người chết, 11 bị thương), Chợ Mới (8 vụ, 12 người chết, 5 bị thương) và Châu Thành (10 vụ, 9 người chết, 4 bị thương).
Ông Cường cho biết, toàn tỉnh đã tổ chức 7.636 ca tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông với 41.502 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua đó, phát hiện, lập biên bản 29.933 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông 26.812 trường hợp; tước giấy phép lái xe có thời hạn 5.424 trường hợp; tạm giữ 8.271 phương tiện cơ giới đường bộ; cảnh cáo 402 trường hợp; gửi thông báo vi phạm đến cơ quan, nơi cư trú của người vi phạm 5.396 trường hợp.
Đối với đường thủy, đã tuần tra 2.492 ca, kiểm tra 27.684 phương tiện; phát hiện và lập biên bản vi phạm 24.902 trường hợp; xử phạt vi phạm hành chính 19.757 trường hợp. Lực lượng đặc nhiệm đảm bảo trật tự an toàn giao thông tổ chức 914 ca tuần tra, lập biên bản vi phạm 3.074 trường hợp; xử phạt vi phạm hành chính 2.264 trường hợp. Thanh tra Giao thông kiểm tra 3.467 ca, xử lý vi phạm hành chính 1.563 trường hợp.
Tăng cường tuần tra, đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Qua tuần tra xử lý vi phạm, ngành chức năng đã phạt vi phạm hành chính, thu qua Kho bạc nhà nước 78,2 tỷ đồng. Đồng thời, qua điều tra, xử lý tai nạn giao thông, công an toàn tỉnh đã khởi tố 6 vụ, 6 bị can; ra quyết định không khởi tố, xử lý vi phạm hành chính 35 vụ (do lỗi của cá nhân); chuyển cơ quan điều tra quân đội 3 vụ; đang tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý 25 vụ.
Từ nay đến cuối năm 2018, tỉnh thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phấn đạt chỉ tiêu đến cuối năm 2018 giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí từ 5-10% so cùng kỳ năm 2017.
Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang triển khai kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động “Tăng ni, phật tử tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” giai đoạn 2018 - 2022; xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2019. Tăng cường tuyên truyền trực quan, sử dụng thông điệp, pa-nô, áp-phích, tờ rơi, băng-rôn...
Tăng cường kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy tập trung các lỗi là nguyên nhân gây tai nạn và ùn tắc giao thông; kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành lắp đặt camera quan sát, giám sát giao thông trên địa bàn TP. Long Xuyên, đèn tín hiệu giao thông tại huyện Thoại Sơn và Châu Thành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh, cần phát huy tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác đảm bảo an toàn giao thông; xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Các cấp ủy Đảng, sở, ban, ngành và địa phương cần nêu cao tinh thần gương mẫu; đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông trong quần chúng nhân dân. Ban An toàn giao thông tỉnh tham mưu UBND tỉnh về quy định trách nhiệm đối với từng cấp, ngành trong đảm bảo an toàn giao thông.
Đồng thời, tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm, rà soát duy tu các đoạn đường hư hỏng sau đợt triều cường. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác khen thưởng các cá nhân và tập thể có đóng góp cho công tác đảm bảo an toàn giao thông để khích lệ, biểu dương.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU